BlogTài chính cá nhânNgười phụ nữ hiện đại sẽ luôn biết cách tự tại trong tài chính

Người phụ nữ hiện đại sẽ luôn biết cách tự tại trong tài chính

RedBag Team 18/10/2021
  1. 1. Quản lý tài chính tối giản để không đặt nặng áp lực trên vai
  2. 2. Trách nhiệm quản lý tiền bạc trong gia đình không phải của riêng ai
  3. 3. Thu nhập ổn định là yếu tố quan trọng giúp cân bằng tài chính
  4. 4. Cách một cô gái GenZ quản lý thu chi của mình
  5. 5. Không thể mãi chỉ là một cô gái chi tiêu theo sở thích

Nếu dùng 3 danh từ để nói về người phụ nữ hiện đại thì đó có lẽ là: Tự tin - Tự chủ - Tự tại. Người phụ nữ tự tin là người biết được giá trị của bản thân mình. Họ sẽ tự chủ cuộc đời mình bằng cách tự tại trong tài chính. Người phụ nữ tự tại trong tài chính cá nhân sẽ không cho phép bản thân mình bị ràng buộc bởi tiền bạc.

Vậy phụ nữ hiện đại chọn cách quản lý tiền như thế nào? RedBag đã ngay lập tức có một buổi trò chuyện cùng hai nhân vật nữ đặc biệt để cùng chia sẻ về vấn đề này. Họ là ai? Họ sẽ mang đến câu chuyện gì đặc biệt? Hãy cùng theo dõi nhé.

Quản lý tài chính tối giản để không đặt nặng áp lực trên vai

RedBag đã có cuộc trò chuyện với chị trong một ngày tiết trời se lạnh cuối tháng 10. Chị Vũ Kim Lệ (Kế toán Tập đoàn EWAY) đã có những chia sẻ thú vị về cách quản lý tiền bạc của mình.

phu-nu-hien-dai-tu-tai-trong-tai-chinh-redbag

Chào chị. Được biết chị là một nhân viên kế toán có hơn 12 năm kinh nghiệm. Không biết những công việc quản lý tài chính thường ngày trong doanh nghiệp có giúp chị hình thành thói quen quản lý tiền bạc trong gia đình không?

Nói thật thì chị không có một kế hoạch nào cụ thể cho việc quản lý tiền bạc trong gia đình. Bởi chị không phải là một người tính toán chi li từng khoản thu chi trong gia đình.

Vậy nếu không có một kế hoạch cụ thể thì cách chị quản lý thu chi hàng tháng như thế nào?

Giả sử với mức thu nhập hàng tháng, chị sẽ dành ra một khoản cho các chi phí cố định như tiền ăn uống, sinh hoạt, học phí cho con,... và một khoản dành cho tiết kiệm. Còn các khoản phát sinh khác như mua sắm thì tùy theo nhu cầu và hứng thú của mình nữa. Chứ chị không có suy nghĩ: “Tháng này hết tiền rồi! Ôi không mua gì nữa”.

Thế thì làm cách nào để chị kiểm soát được chi tiêu của mình? 

Thật ra với một số người, họ sẽ tính toán trước được chính xác và chi tiết số tiền mình cần chi tiêu trong một tháng là bao nhiêu? Riêng gia đình chị thì không làm như thế được! Bởi vì nó còn phụ thuộc vào nhu cầu của mình nữa. Miễn mình không chi tiêu vượt quá hạn mức cho phép là được.

quan-ly-tai-chinh-toi-gian

Lựa chọn cách quản lý tài chính khá tối giản có khiến chị gặp khó khăn nào về chuyện tiền bạc hay chưa ạ?

Chị thì không gặp bất kỳ khó khăn nào về tiền bạc! Đó là lý do chị không thích đưa ra một con số chính xác cho các khoản chi tiêu trong gia đình. Lúc nào chị cũng sẽ để nó dư dả ra một chút. Để khi có vấn đề phát sinh, mình không bị thiếu trước, hụt sau, càng không cần phải đụng đến các khoản tiền khác.

Trách nhiệm quản lý tiền bạc trong gia đình không phải của riêng ai

Cảm ơn chị về một cách phân bổ nguồn tiền khá hay. Chắc hẳn chị là người quán xuyến hết chuyện tiền bạc trong gia đình phải không ạ?

Đoán sai rồi nhé! (Cười). Nhà chị sẽ không đặt hết trách nhiệm quản lý tiền bạc cho một người. Ví dụ về phần chị, chị sẽ chi tiền cho việc ăn uống, sinh hoạt và tiền học cho con,... Hiện nhà chị vẫn đang có một khoản vay ngân hàng phải trả tiền hàng tháng, chồng chị sẽ lo phần đó cùng một số khoản khác nữa.

phu-nu-quan-ly-tai-chinh-trong-gia-dinh-redbag

Thông thường sẽ tính dựa trên mức thu nhập của cả hai vợ chồng để biết ai là người chi khoản nào. Nếu có những thứ lớn hơn cần phải chi thì lúc đó vợ chồng chị sẽ trao đổi thêm với nhau. Chứ chị chưa bao giờ cầm một đồng lương nào của chồng cả! Chị cảm thấy điều này sẽ thoải mái hơn cho cả hai.

Giả sử nếu lựa chọn giữa việc kiếm thêm thu nhập hoặc chi tiêu tiết kiệm để có khoản dư cho gia đình. Chị sẽ nghiêng về bên nào hơn?

Dĩ nhiên, chị sẽ thích kiếm thêm thu nhập để chi tiêu thoải mái hơn. Nhưng làm thế nào để kiếm thêm tiền đó mới là vấn đề (Cười). Nói thêm là chị cũng không phải người thích chi tiêu tiết kiệm. Tính chị là như thế. Dù không có tiền đi chăng nữa chị cũng không thể tiêu theo kiểu chắt bóp được.

Thực tế là càng kiếm được nhiều tiền, chúng ta lại càng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Chị nghĩ sao về điều này? Liệu chỉ kiếm thêm thu nhập thôi đã là đủ?

Tất nhiên chúng ta còn cần phải biết cách tiết kiệm nữa. Ai tiết kiệm được nhiều thì tốt. Nhưng chị không phải là người cứ kiếm được tiền thì phải cố tiết kiệm cho nhiều. Bởi vì mục tiêu của chị là phải sống thật tốt. Nếu cứ tiết kiệm cho nhiều rồi ngày mai dành hết số tiền đó đem đi chữa bệnh thì coi như là mất hết.

Ngoài ra, chị cũng không phải là người có xu hướng tiết kiệm để đầu tư cho con cái. Chị muốn sau này các con lớn lên phải biết cách tự lập.

quan-ly-tien-bac-gia-dinh

Chị đã bao giờ dạy con biết về tiền hoặc cách sử dụng đồng tiền hay chưa?

Bình thường các bé nhà chị cũng không có việc gì để phải chi tiêu đến tiền. Ví dụ các bé muốn mua sắm cái gì, các bé sẽ nói với chị. Nếu cảm thấy phù hợp thì chị sẽ đồng ý mua.

Ngược lại với những món đồ không cần thiết hoặc quá đắt đỏ thì chị cũng sẽ giải thích thêm với các bé rằng: “Món đồ đó con không cần dùng đến nhiều thì mình có nên mua không?” Hay: “Mẹ thấy giá nó quá đắt và không phù hợp với điều kiện của nhà mình”. Đôi khi các bé còn quay sang gật gù với chị: “Con cũng thấy nó đắt quá mẹ ạ!” Thế là thôi, các bé cũng không đòi hỏi mẹ thêm gì nữa.

Thu nhập ổn định là yếu tố quan trọng giúp cân bằng tài chính

Chị có cảm thấy trước và sau khi lập gia đình chuyện quản lý tiền bạc của mình có gì khác nhau không?

Không. Trước và sau khi kết hôn chị vẫn thế! Cả hai vợ chồng chị trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân cũng đã thống nhất với nhau về chuyện tiền bạc. Miễn sao cả hai cảm thấy thoải mái là được. Vợ không cầm tiền chồng mà chồng cũng không cầm tiền vợ. 

Đương nhiên là sau khi lập gia đình, mình sẽ phải lo nhiều thứ hơn. Lúc đó mình sẽ phải tự cân đối lại việc chi tiêu của mình.

Bí quyết nào giúp gia đình chị luôn trong trạng thái cân bằng về tài chính?

thu-nhap-on-dinh-can-bang-tai-chinh

Nói thật, chị không có bí quyết gì cả đâu. Chị nghĩ điều quan trọng nhất là thu nhập phải ổn định. 

Chẳng hạn như công việc hiện tại của chị là nhân viên văn phòng. Với một mức lương ổn định hàng tháng, chị có thể tự điều chỉnh và cân đối được các khoản chi tiêu trong gia đình. Ngược lại, nếu nguồn thu không ổn định, có tháng thu nhiều, có tháng thu ít thì rất khó để cân bằng được các khoản chi tiêu.

Sau cùng thì chị có lời nào muốn chia sẻ với bạn đọc của RedBag không ạ? 

Mỗi người sẽ có một cách quản lý tiền bạc khác nhau. Chị biết có những người cả đời làm lụng vất vả, không dám tiêu tiền chỉ để mua nhà, mua đất để đó, con cái họ sau này có thể sống sung sướng hơn. Nhưng đó lại không phải là mục đích sống của chị. 

Chị chỉ nghĩ đơn giản là mình cứ sống vui vẻ trước đã. Hãy biết sống hưởng thụ một chút với thành quả lao động của mình. Đừng quá vì tiền mà quên mất bản thân mình.

Đôi lời

Thay vì cố gắng lập ra một bản kế hoạch quản lý tiền bạc chi tiết nhưng chưa bao giờ thực hiện. Chúng ta có thể học từ chị cách phân bổ nguồn tiền rõ ràng và hợp lý. Dù chưa một lần viết ra giấy một bản kế hoạch nào cụ thể, nhưng cách chị sắp xếp thu chi vẫn giống như thể đã có một kế hoạch được định hình sẵn trong đầu.

Người phụ nữ tinh tế là khi họ biết cách trao đổi và thỏa hiệp với chồng trong chuyện tiền bạc để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Có thể chúng ta không giỏi nói chuyện sao cho khéo, nhưng chúng ta có thể tập san sẻ với người bạn đời mọi vấn đề trong chuyện quản lý tiền bạc.

Chị cũng cho chúng ta thấy lối suy nghĩ mới mẻ và phóng khoáng của một người phụ nữ hiện đại. Rằng để có được hạnh phúc trọn vẹn, phụ nữ không thể mãi dành toàn bộ thời gian cho gia đình. Tự do về thời gian và tài chính là thứ giúp chúng ta có thể tự tay nắm giữ hạnh phúc cho riêng mình. 

Khi bạn hiểu được bản thân mới là thứ quý giá nhất trên đời này thì còn thứ gì bạn không xứng đáng có được.

Cách một cô gái GenZ quản lý thu chi của mình

Khác với góc nhìn từ chị Lệ, một người phụ nữ của gia đình. RedBag tiếp tục tìm kiếm một nhân vật khác ở thế hệ GenZ. Nhằm mang đến cho quý độc giả thêm một góc nhìn mới về cách quản lý tiền bạc. 

Người mà chúng tôi liên hệ được đó chính là bạn Lê Thị Tố Quyên (Business Development Leader tại Công ty Công nghệ RIO). Hiện đang sinh sống và làm việc tại Tp.HCM. Một cô gái nhỏ nhắn mang đến không khí vui tươi ngay từ giây phút bđầu chia sẻ.

Bạn có phải là một người thích chi tiêu theo kế hoạch không?

Chắc có lẽ là 50/50 thôi. Nghĩa là mình sẽ chia một nửa thu nhập chi tiêu theo kế hoạch, nửa còn lại sẽ là những khoản dành riêng cho bản thân mình. Những khoản này mình sẽ chi xài thoải mái một chút.

Cụ thể những khoản chi tiêu theo kế hoạch là những khoản nào?

Đó là những khoản tiền cố định và khoản dành cho mục tiêu lớn hơn. Khoản cố định ví dụ như là tiền nhà, tiền xăng xe, tiền ăn uống, sinh hoạt,... Còn các khoản lớn hơn sẽ là mua xe máy, mua laptop mới chẳng hạn. Những khoản này mình sẽ đặt mục tiêu dài hạn hơn.

Không biết bạn có dành khoản nào cho tiết kiệm không ạ?

Tất nhiên rồi. Nó cũng nằm trong khoản cố định của mình luôn. Thông thường mình sẽ đưa khoản tiền tiết kiệm này vào một tài khoản đầu tư lấy lãi. Hiện mình đang sử dụng Ví Thần Tài của Momo luôn. Đây là cái mà mình thấy ổn nhất. Thứ nhất là rút tiền thoải mái, không mất phí. Thứ hai là lãi suất tiết kiệm cao hơn ngân hàng.

quan-ly-thu-chi-redbag

Bạn còn có khoản đầu tư nào khác không?

Mình cũng đang tập tành chơi chứng khoán luôn nè. (Cười). Nói chứ, vẫn đang trong quá trình tìm hiểu thôi chứ mình chưa bắt đầu. 

Ngoài ra, mình có biết các app như Finhay hoặc Infina cũng khá hay ho dành cho những người mới tập tành đầu tư đó. Tuy nhiên, mình vẫn ngại đầu tư vào nhiều app. Dẫu sao thì mình vẫn thích chọn Ví Thần Tài của Momo hơn, vì nó khiến mình cảm thấy yên tâm.

Bạn có vẻ là người rất sành sỏi trong việc sử dụng các ứng dụng về tài chính. Ngoài đầu tư bạn có bao giờ sử dụng app để quản lý chi tiêu không?

Có. Mình đã từng sử dụng Money Lover và giờ không xài nữa. Vì nó hơi phiền ở một chỗ mỗi lần chi tiêu mình phải làm nhiều thao tác mới *note lại được. Ví dụ, mình phải vào từng mục ăn uống, vui chơi, mua sắm các thứ để điền từng khoản. Nó khá mất thời gian. Trong khi đó, chỉ việc note vào app “Ghi chú” của điện thoại tất tần tật các khoản chi tiêu trong một ngày vừa đơn giản mà lại còn nhanh hơn.

*Note: Ghi chú

Theo bạn giữa tiết kiệm và đầu tư kiếm thêm thu nhập, bạn sẽ ưu tiên lựa chọn cái nào hơn?

Mình thì sẽ ưu tiên chọn cách kiếm thêm thu nhập hơn.

co-gai-genz-hien-dai-tu-tai-trong-tai-chinh-redbag

Nó có hai lý do:

Không thể mãi chỉ là một cô gái chi tiêu theo sở thích

Bạn đã bao giờ gặp khó khăn về chuyện tiền bạc chưa?

Cũng có, nhưng khá ít. Vì lúc nào mình cũng tính toán trước các khoản rồi, nó cũng nằm trong hạn mức đó thôi.

Tuy nhiên, khó khăn một chút về chuyện tiền bạc là khi có những vấn đề phát sinh. Ví dụ như tháng đó, có chuyến đi phượt hoặc đi chơi xa cùng bạn bè cần phải mua vé máy bay. Hay tháng đó cần phải mua thêm mỹ phẩm, giày dép,... Những khoản phát sinh đó sẽ khiến mình buộc phải giảm khoản tiền tiết kiệm lại. Còn các khoản cố định khác thì mình sẽ không động đến.

Vậy bạn nghĩ mình có nên thay đổi cách sắp xếp thu chi lại một chút hay không?

khong-chi-tieu-theo-so-thich-redbag

Tất nhiên rồi. Do mình đang sống một mình nên việc chi tiêu cũng hơi thoải mái một xí. Phần nhiều là chi tiêu theo sở thích và nhu cầu của mình. Với lại mình có cách để mà kiếm thêm tiền bù đắp cho những khoản đó.

Sau cùng, bạn có điều gì muốn chia sẻ thêm với bạn đọc của RedBag về những kinh nghiệm rút ra được trong việc quản lý tiền bạc của mình không?

Đôi lời:

Có thể thấy, những người trẻ thuộc thế hệ GenZ đã mang đến một lối tư duy cởi mở và hiện đại về cách quản lý tiền bạc của mình. Sống trong thời đại công nghệ số, GenZ biết nắm bắt và tận dụng các ứng dụng mới hiện đại nhằm quản lý chi tiêu, tiết kiệm, tích lũy và sinh lời hiệu quả.

GenZ cũng có thể gặp những vấn đề về tiền bạc bởi cách chi tiêu theo cảm xúc. Đôi lúc quên mất việc kiểm soát chi tiêu của mình. Do đó, GenZ cũng nên học cách cân bằng giữa tài chính và nhu cầu của mình.

Trải nghiệm về tiền bạc giữa mối thế hệ chắc chắn sẽ có sự khác nhau. Song dù là thế hệ nào thì việc quản lý tiền bạc vẫn là kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. RedBag cũng xin được nhắc lại lời chia sẻ từ bạn Quyên: “Có thể không có một kế hoạch chi tiết nhưng nên nắm được cái tổng quát mình chi tiêu như thế nào”.

Kết:

Có thể đối với bạn kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hay gia đình là một điều gì đó vĩ mô và phức tạp. Nó đơn giản chỉ là cách chúng ta sắp xếp thu chi một cách hợp lý để phù hợp với tình hình tài chính hiện tại và nhu cầu của bản thân, gia đình.

Hy vọng những người phụ nữ xinh đẹp của RedBag đều có thể tự tại trong tài chính, tự làm chủ cuộc đời mình và sống thật hạnh phúc.

RedBag

Bài viết mới nhất

Xem tất cả

Bài viết đọc nhiều

Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!

Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN