Ai nên là người quản lý chi tiêu trong gia đình?
Nói đến việc quản lý tài chính trong gia đình, phụ nữ chẳng hiểu nổi vì sao đàn ông lại có thể chi tiền triệu cho một bữa nhậu. Trong khi đó đàn ông cũng cảm thấy vô lý khi vợ mình mua chiếc túi xách hết cả nửa tháng lương. Tiền bạc đôi lúc là vấn đề chính gây ra xung đột giữa vợ chồng nếu cả hai không có sự thống nhất và trao đổi thẳng thắn với nhau về tiền.
Vậy vợ chồng nên quản lý thu chi thế nào để không gặp trục trặc trong hôn nhân? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Phương Chi, tác giả của Blog nổi tiếng “The Present Writer” đã chia sẻ 3 cách quản lý thu nhập phổ biến trong gia đình. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng. Vì vậy bạn cần cân nhắc kỹ khi áp dụng cho gia đình mình. Nếu có thể, hãy thử nghiệm cả 3 phương pháp này trong ít nhất một tháng để biết được phương pháp nào phù hợp với mình nhất.
Kiểu 1: Chỉ vợ hoặc chồng giữ tiền
Có thể thấy, đây là kiểu quản lý tiền bạc phổ biến nhất trong mỗi gia đình Việt. Vợ hoặc chồng sẽ là người nắm giữ toàn bộ thu nhập và phụ trách chi tiêu cho cả gia đình.
Ưu điểm | Nhược điểm |
Thu nhập được kiểm soát tập trung, chặt chẽ và dễ dàng quản lý. | Áp lực trong mọi quyết định tài chính sẽ đè nặng lên một người, người còn lại dễ trở nên bàng quan và thiếu sự đồng cảm nếu đôi bên không thường xuyên chia sẻ. |
Giải pháp:
- Trong gia đình, ai cũng muốn mình là người có quyền đưa ra quyết định tài chính. Tuy nhiên, chuyện quản lý tiền bạc lại là vấn đề chung. Bất kỳ quyết định nào liên quan đến tiền bạc đều nên có sự đồng thuận của cả hai để xây dựng sự tin tưởng ở nhau.
- Ngoài ra, tiền nên được giao cho người có khả năng quản lý tài chính tốt hơn chứ không nhất phải là người vợ hoặc người kiếm được nhiều hơn giữ tiền. Người cầm tiền cũng phải là người biết sắp xếp thu chi rõ ràng và minh bạch, luôn có sự thỏa hiệp trong mọi quyết định tài chính của gia đình.
Kiểu 2: Tiền của ai người nấy giữ
Đây là kiểu mỗi người sẽ tự quản lý thu nhập của mình, chỉ đóng góp một phần vào chi tiêu chung của gia đình như tiền sinh hoạt, ăn uống, học phí cho con cái,...
Ưu điểm | Nhược điểm |
Đôi bên sẽ có được sự tự do tuyệt đối với đồng lương của mình sau khi đã đóng góp một khoản cho gia đình. Mọi thứ đều được phân chia rạch ròi, tránh va chạm lẫn nhau. |
Thiếu cái nhìn tổng quát về tình hình hình tài chính chung của cả gia đình: Người này có thể không biết người kia kiếm được bao nhiêu tiền và chi tiêu vào những gì? Khi gia đình có những mục tiêu tài chính lớn như mua nhà, mua xe, đầu tư hay tiết kiệm thì sẽ rất khó để thống nhất và thực hiện hiệu quả.
Thiếu công bằng nếu một trong hai người không có nguồn thu nhập ngang nhau. Đôi khi sẽ gây ra áp lực hoặc bức bối cho người còn lại khi không đủ tiềm lực tài chính để đáp ứng cho các khoản chi tiêu chung của gia đình. |
Giải pháp:
- Trong hôn nhân không nên có bí mật tài chính giữa hai người. Do đó, cả hai vợ chồng nên công khai thu nhập và phân chia tỷ lệ đóng góp cho gia đình theo mức thu nhập của mỗi người. Chẳng hạn nếu người chồng có thu nhập cao hơn, chi tiêu nhiều hơn thì có thể đóng góp 60% lương tháng cho quỹ chung thay vì chia 50-50 như thông thường.
- Đồng thời, rạch ròi trong tài chính là tốt nhưng vẫn cần có sự trao đổi thường xuyên giữa vợ chồng để gắn kết và thực hiện mục tiêu tài chính chung hiệu quả.
Kiểu 3: Hai túi tiền thông nhau
Vợ chồng sẽ hợp nhất thu nhập của mình lại và cùng nhau quản lý chi tiêu đồng đều. Thu nhập sẽ được phân chia cho các khoản cố định hàng tháng, khoản tiết kiệm, đầu tư và có cả khoản tiền tiêu riêng của mỗi người.
Để dễ dàng theo dõi, vợ chồng nên có một tài khoản ngân hàng chung, khi một người rút tiền để chi tiêu cho việc nào đó, người còn lại cũng sẽ theo dõi được.
Ưu điểm | Nhược điểm |
Mọi thứ đều rõ ràng và minh bạch. Vợ chồng có tiếng nói chung, phấn đấu vì mục đích chung nhưng vẫn có sự tự do nhất định. | Chi tiêu không tập trung nên khó quản lý và đôi khi tạo ra sự bất đồng nếu cả hai không thường xuyên trao đổi và có kế hoạch tài chính chung rõ ràng. |
Giải pháp:
- Trang bị kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và dựa vào điểm mạnh của đối phương để đưa ra những quyết định tốt nhất.
- Cần có sự thống nhất trong kế hoạch phân bổ thu chi cho gia đình. Nếu nhận thấy cả hai có một vài điểm bất đồng ý kiến, hãy trình bày rõ ràng về quan điểm của mình để cùng nhau tìm ra cách giải quyết phù hợp.
- Sau cùng, dành cho những cặp vợ chồng hay chi tiêu qua thẻ chung, bạn cần sử dụng thêm app quản lý chi tiêu để dễ dàng theo dõi và kiểm soát nguồn tiền. Hiện nay, một số ứng dụng đã cho liên kết với tài khoản ngân hàng có thể kể đến như Misa, Money Lover, Mint, YNAB,...
Tựu chung, không quan trọng ai là người giữ tiền, quan trọng là vợ chồng bạn chọn được cách quản lý thu chi phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình. Điều quan trọng để tài chính gia đình luôn ổn định và bền vững đó là đôi bên cùng tin tưởng và chia sẻ với nhau. Đồng thời phải luôn trau dồi những kỹ năng quản lý tài chính cần có để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình mình.
(Bài viết tham khảo từ tác giả Nguyễn Phương Chi - The Present Writer.)
Để cập nhật thêm nhiều kiến thức và phương pháp quản lý tài chính hiệu quả. Hãy nhấn nút “ĐĂNG KÝ NGAY” ở phía dưới để nhận thông báo mới mỗi ngày.