Có nên mua bảo hiểm nhân thọ không? Khi nào nên mua bảo hiểm nhân thọ?
Nếu bạn đang có những thắc mắc như: Tại sao tôi phải mua bảo hiểm nhân thọ? Tôi đang có thu nhập ổn định và đầu tư tốt cũng không chịu trách nhiệm tài chính với ai thì có cần thiết mua bảo hiểm hay không? Bảo hiểm nhân thọ chỉ toàn lừa đảo và đa cấp làm sao tôi dám mua?
Vấn đề này sẽ được chuyên gia giải đáp chi tiết trong bài viết hôm nay với chủ đề là: Có nên mua bảo hiểm nhân thọ hay không? Chuyên gia trò chuyện với RedBag ngày hôm nay là anh Nguyễn Đức - Nhà sáng lập Học viện Huấn luyện Tài chính (FCI) - Nguyên Giám đốc Huấn luyện Sức khỏe Tài chính tại VNDirect.
1. Bảo hiểm nhân thọ có đặc điểm gì khác biệt so với các loại bảo hiểm hiện nay?
Vừa có tính bảo vệ vừa có khả năng tích lũy
Bảo hiểm nhân thọ vừa có tính bảo vệ vừa có khả năng tích lũy. Những loại bảo hiểm khác thì chỉ có tính năng bảo vệ mà thôi. Sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng, khách hàng sẽ không có số tiền tích lũy hay hoàn lại gì cả.
Do vậy, có thể thấy, bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò rất lớn trong việc thay thế thu nhập cho người trụ cột khi xảy ra rủi ro.
Phí đóng bảo hiểm nhân thọ theo kỳ và tự động tái tục hằng năm chứ không cần thẩm định lại
*Tái tục nghĩa là khách hàng vẫn được bảo hiểm các rủi ro mà không bị ràng buộc bởi thời gian chờ hoặc các điều loại trừ ở quyền lợi như năm đầu tiên tham gia bảo hiểm.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ thì mỗi năm bạn sẽ phải mất phí thẩm định. Không những vậy mức phí này còn có sự thay đổi. Riêng với bảo hiểm nhân thọ thì khách hàng sẽ đóng phí theo kỳ và được tái tục hằng năm mà không cần phải thẩm định lại giúp tiện lợi hơn cho bạn.
Có đa dạng và linh hoạt các quyền lợi đi kèm
Một lý do nên mua bảo hiểm nhân thọ nữa đó tính đa dạng và linh hoạt khi có các quyền lợi khác đi kèm giúp tối ưu chi phí cho khách hàng.
Tức là trong bảo hiểm nhân thọ sẽ có các loại bảo hiểm khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn,… Khi mình mua bảo hiểm nhân thọ thì giống như mua “All In One” (tất cả trong một) vậy.
2. Vai trò của bảo hiểm nhân thọ trong cấu trúc tài chính cá nhân?
Để trả lời cho câu hỏi: Có nên mua bảo hiểm nhân thọ không? Thì với tư cách là một người làm huấn luyện sức khỏe tài chính, anh thấy bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò rất quan trọng trong cấu trúc tài chính của mỗi người. Bảo hiểm nhân thọ là ưu tiên thứ hai đứng sau quỹ khẩn cấp, giúp bảo vệ tài chính. Có thể coi nó là tầng đáy của tháp tài sản.
Đối với những khách hàng mà anh huấn luyện thì bắt buộc họ phải có quỹ dự phòng hoặc quỹ khẩn cấp trước. Sau đó chắc chắn phải có bảo hiểm nhân thọ rồi mới đi đầu tư hoặc làm những việc khác được. Nếu không thì sẽ rất khó đầu tư bởi có nhiều rủi ro khi chúng ta không có nền tảng tài chính vững vàng ngay từ đầu.
Bảo hiểm nhân thọ giống như tấm lưới an toàn cho người nghệ sĩ đi trên dây vậy. Bản thân chúng ta đôi khi cả đời không cần dùng đến bảo hiểm nhân thọ và người nghệ sĩ có khi cũng không cần dùng đến tấm lưới bảo vệ đó.
Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu không có tấm lưới đó thì người nghệ sĩ sẽ không thể bước đi vững vàng trên dây được. Bởi vì trong họ sẽ luôn có những nỗi sợ rình rập.
Như vậy, vai trò rất lớn của bảo hiểm nhân thọ là mang lại sự bình an và vững vàng để chúng ta có thể tập trung làm việc và tận hưởng cuộc sống.
3. Dù biết bảo hiểm nhân thọ rất cần thiết và quan trọng thế nhưng trên thực tế tỉ lệ người mua bảo hiểm nhân thọ vẫn còn khá ít. Nguyên nhân do đâu?
Thật ra bảo hiểm nhân thọ đã hoạt động ở Việt Nam được khoảng 26 năm rồi. Tuy nhiên, số lượng người mua bảo hiểm nhân thọ chỉ chiếm đâu đó khoảng 13% dân số Việt Nam mà thôi. Có một vài nguyên nhân dẫn đến điều này đó là:
Thứ nhất, Việt Nam đang là một nước công nghiệp hóa. Người dân trước kia chủ yếu sống ở nông thôn và làm nông. Mà làm nông thì thu nhập bấp bênh và đôi khi không đủ để mua bảo hiểm nhân thọ.
Thứ hai, do những sai lầm trong việc triển khai trong thời gian đầu đã gây ra những điều tiếng và định kiến về bảo hiểm nhân thọ.
Thứ ba, do bản thân chúng ta còn chủ quan, chưa đánh giá được vai trò và tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ trong cấu trúc tài chính và cuộc sống của mình.
Cuối cùng, đó là do đặc tính văn hóa của người Việt. Trong một gia đình Việt thường có nhiều thế hệ sống cùng nhau. Do đó, khi có sự kiện hay vấn đề nào đó xảy ra thì chúng ta luôn có sự hỗ trợ từ ông bà, cha mẹ, anh, chị em,... Từ đó mà sinh ra tâm lý hay ỷ lại.
Chính yếu tố đùm bọc như “lá lành đùm lá rách” hay “tương thân tương ái” đã khiến cho rất nhiều người ỷ y và chưa mua bảo hiểm nhân thọ.
4. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về nguyên nhân khiến nhiều người trở nên có định kiến về bảo hiểm nhân thọ hay không?
Nguyên nhân này thường xuất phát từ phía người mua cũng như người tư vấn.
Đầu tiên, vì người mua quá tin tưởng, cả nể, cứ cắm đầu vào mua bảo hiểm mà không đọc kỹ các điều kiện, điều khoản có trong hợp đồng. Đến khi có vấn đề xảy ra khiến bạn không nhận lại được số tiền mong muốn thì liền cho rằng công ty bảo hiểm đang lừa đảo mình. Ví dụ như đóng phí bảo hiểm 3 năm rồi nghỉ ngang không đóng nữa hoặc vi phạm các điều khoản đã đưa ra,...
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn đến từ người tư vấn như:
- Không đủ trình độ và khả năng tư vấn.
- Trong giai đoạn đầu, quy định và luật về hành nghề còn hơi lỏng lẻo. Điều này khiến cho một số nhân viên tư vấn lợi dụng lòng tin của khách hàng và trục lợi cho mình. Trong khi đó, bản chất công ty bảo hiểm nhân thọ luôn được cấp phép và quản lý chặc chẽ bởi Bộ Tài chính nên không có chuyện công ty bảo hiểm nhân thọ lừa đảo mà chỉ có người tư vấn lừa đảo.
5. Khi nhắc đến bảo hiểm người ta sẽ nghĩ đến sự an toàn và đảm bảo, còn đầu tư thì thường gắn liền với rủi ro. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện thêm loại bảo hiểm liên kết đầu tư. Ý kiến của anh về loại bảo hiểm này thế nào?
Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư sẽ có hai dạng:
Bảo hiểm đầu tư liên kết chung (UL)
Khi mua bảo hiểm liên kết chung (UL) bạn sẽ được cam kết về phần lãi chia, tối thiểu 3%. Nghĩa là khi bắt đầu tham gia bạn đã nhận được tối thiểu 3% số tiền rồi. Nếu đầu tư tốt thì khách hàng sẽ nhận được số tiền lãi cao hơn.
Bảo hiểm đầu tư liên kết đơn vị (ILP)
Còn riêng với sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị (ILP) thì số tiền đóng vào sẽ được chia vào hai nhóm sau đây:
- Bảo vệ tài chính cho khách hàng (tương đương với 3-5 năm chi phí đóng vào ban đầu).
- Đầu tư mua chứng chỉ quỹ.
Thông thường thị trường sẽ có 3 loại chứng chỉ quỹ như sau:
- Chứng chỉ quỹ an toàn
- Chứng chỉ quỹ cân bằng
- Chứng chỉ quỹ phát triển
Như vậy, tuy sản phẩm đã tách bạch bảo hiểm và đầu tư như đã nói, nhưng vẫn sẽ có rủi ro trong đầu tư.
Chính vì có thể có rủi ro nên thông thường với sản phẩm ILP thì trong vòng 3-4 năm đầu họ sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Tức là trong trường hợp giá trị tài khoản bảo hiểm nhỏ hơn 0 thì khách hàng vẫn có thể nhận được giá trị bảo vệ giống như hợp đồng trong 3-4 năm đầu tiên, tùy doanh nghiệp quy định.
Tuy nhiên, nếu không đầu tư, bạn sẽ gặp phải rủi ro khác lớn hơn đó là lạm phát. Lạm phát sẽ luôn đi cùng với thời gian và thực tế con số này còn lớn hơn con số thường được công bố.
Nếu sử dụng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống thì qua thời gian, khả năng bảo vệ của nó sẽ đi xuống do lạm phát. Thế nhưng, nếu mua bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư bạn sẽ hạn chế được rủi ro mất giá trên. Vì thế, bạn có thể cân nhắc mua sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư như một cách bảo vệ tài chính cho mình.
Bây giờ bàn đến khả năng sinh lời của 2 sản phẩm UL và ILP như sau:
- Bảo hiểm đầu tư liên kết chung (UL): Sản phẩm chủ yếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ, lãi suất khoảng 2.4 - 2.9%, cho kỳ hạn 10 năm. Khả năng sinh lời của quỹ thấp.
- Bảo hiểm đầu tư liên kết đơn vị (ILP): Sản phẩm chủ yếu đầu tư vào bộ danh mục của những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Trong ngắn hạn sẽ có những rủi ro của từng mã. Tuy nhiên, trong dài hạn thì bao giờ chứng khoán cũng có những thành tích tốt hơn những kênh còn lại.
Mà đặc điểm của bảo hiểm đó là đóng phí định kỳ. Cho nên phía công ty bảo hiểm sẽ mua chứng khoán cho khách hàng theo kỳ hạn như vậy. Cách mua này gọi là System Metric Plan – System Investment Plan (đầu tư tích lũy định kỳ). Do đó, nó đã dàn trải thời gian mua và hạn chế nhiều rủi ro rồi.
Hơn nữa, tài sản của công ty bảo hiểm khi đầu tư sẽ được quản lý và giám sát nghiêm ngặt dưới quy định của Bộ Tài chính. Thế nên, họ sẽ không tham gia vào những tài sản quá nguy hiểm. Họ sẽ lựa chọn và quản lý các quỹ tốt, an toàn nên rủi ro này tính ra còn ít hơn câu chuyện rủi ro do lạm phát nữa.
6. Theo anh khi nào nên mua bảo hiểm nhân thọ?
Theo anh, những rủi ro, bất trắc trong cuộc sống có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Do đó, ngay khi vừa có thu nhập, chúng ta nên nghĩ đến việc mua bảo hiểm nhân thọ.
Đối với các bạn trẻ mới ra trường, đi làm, chưa có nhiều tiền thì mình chịu khó tiết kiệm một chút và có thể bắt đầu với một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhỏ thôi cũng được, để ít nhất nó bảo vệ tài chính cho mình. Thật ra khi mình có ít tiền thì rủi ro của mình còn lớn hơn người khác nữa. Bởi nếu có rủi ro xảy ra phải nằm viện thì tiền đâu để trang trải?
Tóm lại, chúng ta nên mua càng sớm càng tốt, ngay khi có thu nhập. Sau khi thu nhập cải thiện hơn thì chúng ta có thể mua thêm hợp đồng hoặc nâng cấp hợp đồng cũ.
7. Tại sao không nên mua bảo hiểm nhân thọ khi đã lớn tuổi?
Đó là vì phía công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ xác định chi phí dựa trên độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe của khách hàng. Người càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh và rủi ro càng cao. Khi đó chi phí bảo hiểm cũng sẽ tăng theo.
Thế nên, nếu đóng sớm thì mình sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn như phí rẻ, ít gặp phải các trường hợp loại trừ khiến mình không được thanh toán các chi phí.
8. Chúng ta nên ưu tiên mua bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ cho ai?
Khi mua bảo hiểm nhân thọ thì lúc nào cũng nên ưu tiên mua bảo vệ cho người trụ cột trước. Người trụ cột là người có thu nhập lớn nhất và là người gánh vác tài chính cho gia đình.
Tuy nhiên, trong bảo hiểm nhân thọ cũng có nhiều quyền lợi bổ sung. Do đó, nếu dư dả, chúng ta có thể mua thêm quyền lợi bổ sung cho vợ, cho con,... dạng như bảo hiểm cho gia đình vậy.
9. Có thể mua nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cùng lúc được không?
Tất nhiên rồi! Đối với bảo hiểm nhân thọ thì người mua có thể cùng lúc mua nhiều hợp đồng bảo hiểm khác nhau nếu có khả năng. Tuy nhiên, không phải cứ mua nhiều là tốt, chúng ta chỉ cần mua đúng, mua đủ mà thôi. Vì nếu mua quá nhiều thì chúng ta có thể đánh mất đi chi phí cơ hội dành cho những mục tiêu khác quan trọng hơn.
10. Tiêu chí nào giúp lựa chọn được bảo hiểm nhân thọ phù hợp?
Khả năng tài chính của bản thân
Tiêu chí đầu tiên quan trọng giúp lựa chọn được bảo hiểm nhân thọ phù hợp đó là khả năng tài chính của bản thân ở hiện tại và tương lai.
Có những khách hàng có khả năng mua bảo hiểm nhân thọ với giá trị rất lớn ở thời điểm hiện tại, nhưng có chắc những năm sau bạn cũng sẽ duy trì được điều đó hay không?
Thậm chí, có một số khách hàng khi nghe tư vấn liền cảm thấy thích thú và đồng ý mua bảo hiểm lớn, nhưng lại không suy xét đến tình hình tài chính của bản thân. Kết quả là những năm sau đó họ không có đủ khả năng để duy trì được mức phí đó nữa và không được phí bảo hiểm thanh toán.
Giá trị bảo vệ và quyền lợi phù hợp
Khi mua bảo hiểm nhân thọ chúng ta cũng nên xem xét đến giá trị bảo vệ và quyền lợi có phù hợp với nhu cầu của bản thân hay không?
Ví dụ, có người mua bảo hiểm để tích lũy cho con cái hoặc dành cho lúc nghỉ hưu,... Dù là mua loại bảo hiểm nào tốt đi chăng nữa thì chúng ta cũng nên xem xét đến giá trị bảo vệ của nó có lớn nhất chưa? Quyền lợi có phù hợp với nhu cầu hay không?
Quy trình bồi thường phải nhanh chóng, đơn giản và tiện lợi
Ví dụ, trong đợt dịch vừa rồi, có một số công ty bảo hiểm đã số hóa quy trình tiện lợi hơn rất nhiều. Chúng ta có thể xem xét thêm yếu tố này để cân nhắc lựa chọn bảo hiểm nhân thọ.
Sản phẩm bổ trợ đa dạng và hợp lý
Tiêu chí tiếp theo để biết được mua bảo hiểm nhân thọ có lợi gì cho mình thì đó là sản phẩm bổ trợ. Sản phẩm bổ trợ có đa dạng và hợp lý về kinh tế hay không? Vì khi mua bảo hiểm chính rồi, mình sẽ có rất nhiều quyền lợi mua bảo hiểm phụ mà bình thường không có bảo hiểm chính, mình sẽ không mua được với giá tốt như vậy.
Thời gian hợp đồng phải khớp với kế hoạch tài chính
Cuối cùng là thời gian hợp đồng phải khớp với kế hoạch tài chính của mình. Ví dụ con mình 10 năm nữa bước vào đại học thì thời gian hợp đồng phải khớp với 10 năm đó.
11. Cách lựa chọn công ty bảo hiểm uy tín?
Theo cá nhân anh đánh giá, tất cả công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường hiện nay đều uy tín. Bởi không phải đơn giản để một công ty bảo hiểm bước chân được vào thị trường Việt Nam. Họ đều phải trải qua những yêu cầu khắt khe từ Bộ Tài chính mới có thể hoạt động được.
Vậy để biết mình nên mua bảo hiểm nhân thọ của công ty nào uy tín và phù hợp bạn có thể suy xét dựa trên 2 tiêu chí sau:
Một, đánh giá qua nhân viên tư vấn, người trực tiếp mang đến dịch vụ cho bạn
- Người tư vấn phải có kiến thức, tâm huyết và trách nhiệm để tư vấn đúng, đủ cho khách hàng. Họ phải đứng trên quyền lợi của bạn chứ không phải họ.
- Khi rủi ro xảy ra họ vẫn có thể tiếp tục hỗ trợ bạn, chứ không phải bán xong rồi biến mất. Khi bạn cần thì họ lại không có mặt.
Hai, chất lượng dịch vụ của công ty bảo hiểm
Tiếp theo, chúng ta cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ của công ty bảo hiểm. Ví dụ như công ty có tư vấn online hay không?
12. Khi mua bảo hiểm nhân thọ, công ty sẽ yêu cầu người mua đáp ứng những điều kiện gì?
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là giao kết giữa hai bên. Phía bảo hiểm cam kết sẽ trả cho khách hàng một số tiền nhất định khi rủi ro xảy ra nhưng với điều kiện là khách hàng phải thanh toán phí bảo hiểm cho công ty đúng, đủ và đều đặn theo kỳ. Do đó, điều kiện đầu tiên để công ty bảo hiểm xem xét đó là khả năng tài chính của khách hàng.
Thứ hai họ sẽ yêu cầu mình kê khai thông tin trung thực và đầy đủ. Nếu mình kê khai thông tin không minh bạch thì khi sự kiện bảo hiểm xảy ra họ có thể loại trừ mình, không thanh toán luôn. Do vậy, khi có những thay đổi lớn liên quan thì bạn phải cập nhật kịp thời cho công ty.
Thứ ba, công ty sẽ yêu cầu mình lưu giữ các giấy tờ và hóa đơn liên quan đến việc thanh toán.
Ngoài ra, có một yêu cầu khác đó là khi xuất ngoại thì khách hàng phải thông báo với bên bảo hiểm.
13. Trong hợp đồng bảo hiểm sẽ có những mục nào quan trọng mà người mua cần phải đặc biệt lưu ý?
Đúng là khi mua bảo hiểm mình cần phải đọc và bỏ thời gian ra để nghiên cứu về các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng, để ít nhất phải hiểu và sử dụng cho đúng. Bên cạnh đó vẫn sẽ có một vài điều cần lưu ý kỹ hơn như sau:
Một, kiểm tra đối tượng bảo hiểm xem đã đúng chưa?
Hai, phạm vi quyền lợi của người mua bảo hiểm nhân thọ như thế nào?
Thông thường sẽ có hai loại quyền lợi như sau:
- Quyền lợi có đảm bảo: Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra thì chắc chắn khách hàng sẽ nhận được số tiền theo quy định trong hợp đồng.
- Quyền lợi không đảm bảo: Liên quan đến những sản phẩm có đầu tư như anh đã nói. Đầu tư thì phụ thuộc vào thị trường, cho nên những thứ trong bảng minh họa thì bạn đừng tin quá 100%.
Ba, xem xét kỹ điều khoản loại trừ
Một điều rất quan trọng mà các bạn cần để ý đến đó là các điều khoản loại trừ. Điều khoản loại trừ sẽ gồm những gì? Có các loại bệnh tật gì? Mình cần phải tìm hiểu kỹ. Mỗi loại hợp đồng sẽ có những điều khoản loại trừ khác nhau.
Bốn, thủ tục giải quyết các quyền lợi bảo hiểm
Ví dụ, khi bạn nhập viện và ra viện nhưng bạn không lấy đúng, đủ các loại giấy tờ phía bảo hiểm yêu cầu thì sẽ giải quyết như thế nào? Do đó, bạn cũng cần xem xét kỹ đến các thủ tục này trong hợp đồng.
Năm, thời hạn kết thúc hợp đồng
Cuối cùng là để ý xem điều khoản hợp đồng sẽ chấm dứt khi nào. Ngoài chuyện hợp đồng chấm dứt khi đáo hạn thì còn có rất nhiều trường hợp khác khiến cho hợp đồng của bạn bị chấm dứt. Do đó, bạn cần phải xem kỹ các điều khoản liên quan đến phần này.
14. Lời khuyên sau cùng từ anh khi lựa chọn sản phẩm bảo hiểm dành cho mọi người?
Nếu bạn vẫn đang tự hỏi: Có nên mua bảo hiểm nhân thọ không? Thì anh chỉ muốn chia sẻ rằng những rủi ro và bất trắc trong cuộc sống có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, nếu thật sự yêu thương bản thân, gia đình thì ít nhất chúng ta cũng nên có một loại bảo hiểm nhân thọ để mang lại sự bình an và vững vàng cho mình.
Bản thân bình an và vững vàng thì mới có thể yêu thương, giúp đỡ người khác và sống hạnh phúc được.
RedBag xin cảm ơn anh Đức về những chia sẻ chân thành và bổ ích vừa rồi! Chúc anh có thật nhiều sức khỏe và thành công trong cuộc sống.
“Nhìn quanh để biết” là series phỏng vấn người thật việc thật về những vấn đề quen thuộc xoay quanh tài chính cá nhân. Thông qua chia sẻ của các khách mời, RedBag hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được những mẹo hay để ứng dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình.
Bài viết mới nhất
Xem tất cảBật mí công thức 4M đầu tư chứng khoán không bao giờ sợ lỗ
Nhảy vào thị trường đầu tư chứng khoán với sự mơ hồ về kiến thức sẽ khiến cho người trẻ gặp phải những thất bại không đáng có. Hãy cẩn thận!
Giải quyết bài toán mua nhà cho gia đình với bản kế hoạch tài chính chi tiết
Sở hữu căn nhà cho riêng mình đã và đang là đích đến của nhiều người. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này vốn không phải là một điều dễ dàng nếu ngay từ đầu chúng ta không biết cách lập kế hoạch tài chính mua nhà.
Vũ Nhật Khánh: “Áp lực mục tiêu tài chính tuổi 30 là do mình tạo ra”
Bước đầu quản lý tài chính cá nhân, ai cũng sẽ có những mục tiêu cho riêng mình. Song mục tiêu tài chính tuổi 30 có lẽ sẽ đặc biệt hơn vì đây là cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Điều này tạo ra không ít áp lực dành cho những người trẻ.
Bài viết đọc nhiều
Tậu ngôi nhà, căn hộ đầu tiên của bạn: hướng dẫn từng bước
Những người trẻ tài năng đang có mục tiêu sở hữu ngôi nhà, căn hộ cho riêng mình trước tuổi 30, thường sẽ đối mặt với những băn khoăn, như: cần bao nhiêu tiền thì có thể tậu được ngôi nhà, căn hộ đầu tiên; quản trị tài chính cá nhân với khoản nợ, khoản trả góp mua nhà; các bước chi tiết để mua nhà. Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết của RedBag.
Nguyên tắc 28/36 giúp bạn giảm gánh nặng từ những khoản nợ
Gánh nặng nợ vay là nỗi ám ảnh lớn nhất của những người trẻ muốn sở hữu ngôi nhà của riêng mình từ sớm. Vay mua nhà và ngay sau khi tận hưởng được niềm vui của việc có nhà mới, người trẻ ngay lập tức phải gánh chịu những áp lực từ lãi vay và gánh nặng phải chi trả các khoản vay nợ mua nhà, mua đồ nội thất. Đây quả là một trải nghiệm không hề dễ chịu.
Ổn định tài chính - Bước chuyển mình quan trọng của người trẻ
Giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác luôn là những điều không dễ dàng đối với tất cả chúng ta. Đặc biệt là bước chuyển đổi từ giai đoạn mới đi làm sang giai đoạn ổn định tài chính. Tại đây, người trẻ phải đối mặt với rất nhiều điều mới mẻ, những kiến thức cần bổ sung và những kế hoạch mới phải thiết lập để sẵn sàng với thử thách mới.
10 thói quen để đạt được tự do tài chính, nghỉ hưu sớm
Tự do tài chính là mục tiêu chính trong cuộc sống của nhiều người. Nhưng, đạt đến tự do tài chính là một con đường dài và đầy khó khăn đối với người trẻ. Hình thành những thói quen tài chính đúng đắn ngay từ sớm là một cách đơn giản và hữu ích để người trẻ sớm thành công trong mục tiêu đạt được trạng thái tự do tài chính.
Gen Z đa nhiệm: Làm nhiều nghề cùng lúc, nhưng đôi khi bỏ quên việc tối ưu tài chính cá nhân
Đa nhiệm là một tính từ được dùng phổ biến khi nói đến Gen Z, để mô tả khả năng đảm nhiệm nhiều công việc, trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng một lúc. Đây là một trong những đặc điểm giúp cho Gen Z nổi bật hơn những thế hệ trước. Đa nhiệm, năng động, tự tin, sáng tạo là một bộ những tính từ gắn liền với Gen Z. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá tính đa nhiệm của Gen Z trong công việc.
Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!
Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN