Tại sao chúng ta thường sẵn sàng chi tiền cho những thứ không cần thiết?
Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác sau khi mua được một bộ quần áo mới sẽ ngay lập tức tìm thêm đôi giày khác phù hợp hơn với món đồ mình vừa sở hữu, dù trong tủ giày đã có rất nhiều kiểu dáng khác nhau? Tại sao chúng ta vẫn luôn sẵn sàng chi tiền cho những thứ không cần thiết?
Câu trả lời sẽ được anh Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối Tài chính cá nhân FIDT - Thạc sĩ Financial Planning tại Úc - Nguyên Giám đốc Tài chính tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Ampharco chia sẻ với chúng ta qua bài viết sau đây.
1. Theo anh, những ảnh hưởng của việc chi tiêu mua sắm vô tội vạ đến tài chính cá nhân là gì?
Ảnh hưởng đến khoản tiết kiệm và cơ hội đầu tư sớm cho tương lai
Khi chi tiêu mua sắm những món đồ không cần thiết đồng nghĩa với việc bạn đã tự tay cắt xén đi một khoản tiết kiệm cho tương lai của mình. Đồng thời, chúng ta cũng đang lấy đi không gian và thời gian cho việc tích lũy sớm. Mà ai cũng biết rõ nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho mình.
Ví dụ, khi có nhiều tiền tiết kiệm, chúng ta có thể đầu tư vào các loại tài sản để tạo ra thu nhập thụ động. Đồng thời cũng mang lại cho chúng ta những trải nghiệm và bài học quý giá.
Ngược lại, nếu không quản lý tốt chi tiêu để có khoản tích lũy từ sớm, chúng ta sẽ phải làm việc này muộn hơn. Và khi chúng ta có ít thời gian hơn để làm thì những sai lầm về đầu tư có thể phải trả giá đắt hơn.
Ảnh hưởng đến tinh thần và đời sống
Tiếp theo, việc chi tiêu mua sắm không kiểm soát khiến chúng ta phải làm việc cật lực hơn để tạo ra nhiều nguồn thu nhập. Kéo theo nhiều áp lực và ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân nếu làm việc quá sức.
Không chỉ vậy, nếu cứ lo làm việc để đáp ứng nhu cầu mua sắm chúng ta sẽ dần đánh mất đi thời gian dành cho gia đình và những thú vui lành mạnh trong cuộc sống.
Mua sắm là thú vui nhưng chưa chắc nó đã vui và mang lại hạnh phúc thực sự như chúng ta vẫn nghĩ.
Theo khảo sát từ FIDT, khoảng 65% khách hàng cảm thấy không cần thiết phải mua những món đồ đắt tiền mà họ đã mua trong 12 tháng vừa qua.
Trong số đó, có 50% trả lời rằng họ ước gì mình đã không mua những món đồ này. Vì ngay sau đó họ lại thích một món đồ khác tốt hơn, một phiên bản mới được cập nhật hiện đại hơn,... và hóa ra việc mua sắm này chỉ mang lại cho họ cảm giác thỏa mãn trong vài ngày. Còn cảm giác tiếc nuối, khó chịu vì có thể mua được một món đồ tốt hơn lại kéo dài trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Thế nên kết quả là họ không hạnh phúc như họ nghĩ.
2. Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng mua sắm quá đà?
Nguyên nhân thứ nhất bắt nguồn từ tâm lý tiêu dùng cá nhân
Xét về khía cạnh này thì có một số bẫy tâm lý mà rất nhiều người trong chúng ta thường mắc phải như:
Bẫy số 1: Tạo dựng mối quan hệ quá mức cần thiết
Mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp hay đối tác đều là các mối quan hệ quan trọng trong sự nghiệp và cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên việc nhận lời mời đi ăn uống, nhậu nhẹt bất kể thời gian, công việc, học tập,... đều không tốt. Chúng ta thường quên đi một yếu tố lớn hơn đằng sau đó chính là việc có thể tạo ra được nhiều nguồn thu nhập trong khoảng thời gian đó.
Ví dụ thay vì dành thời gian đó để học tập và nâng cao năng lực bản thân chúng ta lại đắm chìm quá nhiều vào những cuộc vui không cần thiết. Việc giao thiệp quá mức cần thiết không chỉ lãng phí thời gian mà còn lãng phí tiền bạc. Nó không phải một số tiền lớn để chúng ta dễ dàng nhìn thấy được mức độ quan trọng. Nhưng nó sẽ có các chi phí nhỏ lẻ khác, âm ỉ bào mòn tài chính của chúng ta.
Bẫy số 2: Dự báo sai về nhu cầu sử dụng do sự hưng phấn tức thời
Cái tên hơi dài nhưng đơn giản đó là hiện tượng người tiêu dùng đánh giá sai nhu cầu sử dụng của họ về một món đồ nào đó.
Ví dụ: Trong các dịp khuyến mãi lớn như Black Friday, chúng ta thường mua quá lố quần áo, thức ăn,... đến mức quên sử dụng.
Đặc biệt, có những trường hợp khách hàng sẵn sàng chi tiền cho các vật dụng, thiết bị điện tử đắt tiền như máy sấy tóc với giá 10 triệu. Thực tế sau 2-3 tháng, họ sẽ cảm thấy đó là khoản chi tiêu vô cùng lãng phí vì nó không mang lại lợi ích nhiều như họ nghĩ.
Bẫy số 3: Present Bias - Thiên lệch về nhu cầu tận hưởng ở thời điểm hiện tại
Khác với bẫy tâm lý số hai, lỗi này thường diễn ra ở nhóm người dễ bị tác động bởi các nhu cầu tức thời và dễ dãi trong chi tiêu vì không có kế hoạch kiểm soát. Ví dụ khi thích một chiếc túi xách hoặc hứng thú về địa điểm du lịch nào đó, các bạn sẽ phải tìm mọi cách để thỏa mãn bản thân ngay lập tức chứ không thể chờ tiết kiệm đủ. Thậm chí còn vay nợ để thỏa mãn nhu cầu đó.
Nguyên nhân thứ hai do không có biện pháp quản lý chi tiêu đúng
Theo khảo sát trên 235 khách hàng tại FIDT, khoảng 80% khách hàng chỉ quản lý tiền bạc bằng thói quen chứ không hề có số liệu cụ thể. Trong đó, có khoảng 35% người sử dụng các app quản lý chi tiêu nhưng chỉ kéo dài được vài tuần. Lý do từ bỏ vì cảm thấy tốn thời gian và bức bối khó chịu.
Cũng trong khảo sát này, có 20% người quản lý chi tiêu bằng việc ghi chép hoặc sử dụng File Excel. Tuy nhiên, phần lớn họ cũng sớm từ bỏ thói quen này vì cảm thấy mệt mỏi. Chỉ có 5% người sử dụng thuần thục các kỹ năng quản lý chi tiêu và cảm thấy thoải mái.
Qua khảo sát có thể thấy tỷ lệ những người không có định hướng và biện pháp quản lý chi tiêu là rất lớn. Từ đó dẫn đến việc chúng ta chi tiêu thiếu kiểm soát và mua sắm không hiệu quả.
Nói về cách khắc phục, anh có một phương pháp khá hay được áp dụng thành công với những khách hàng mà anh đã từng tư vấn đó là chia thu nhập làm 3 phần sau đây:
- Tiết kiệm và đầu tư: 10-40%
- Giải trí: 10-15%
- Chi phí thiết yếu: Còn lại
(Phương pháp này được điều chỉnh từ nguyên tắc quản lý chi tiêu 50-30-20)
Biện pháp này hiệu quả ở đâu? Đó là khi bạn dành khoản tiền riêng cho việc giải trí và khi đi du lịch, ăn ngoài hay mua sắm,... chúng ta chỉ sử dụng số tiền có trong tài khoản này. Tuyệt đối không đụng đến các tài khoản khác đã phân bổ.
Cuối mỗi tháng khi kiểm tra lại mà thấy tài khoản này vẫn còn tiền thì cứ để yên đó. Cứ tiếp tục trích 10-15% thu nhập vào và chờ như thế đến 5, 6 tháng sau, số tiền dư ra chúng ta có thể dùng để đi du lịch hoặc mua sắm những món đồ đắt tiền mà không sợ vượt ngân sách. Đồng thời vẫn cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn nhu cầu bản thân.
3. Bên cạnh một số những nguyên nhân vừa nêu, còn có một nguyên nhân khác liên quan đến việc chi tiêu thiếu kiểm soát đó là “FOMO - Tâm lý sợ bỏ lỡ”. Theo anh, tâm lý này ảnh hưởng như thế nào đến hành vi chi tiêu của mọi người?
FOMO (Fear Of Missing Out) là tâm lý sợ bỏ lỡ một thứ nào đó tốt đẹp mà đám đông có được còn bản thân thì không.
Tâm lý này diễn ra phổ biến trong đầu tư, nhất là khi thị trường chứng khoán hay bất động sản có các đợt sóng tăng giá nhiều. Thấy người khác kiếm lời nhanh chóng thì mình cũng quyết định lao vào mặc dù chỉ mới tham gia thị trường và chưa tìm hiểu kỹ. Khi đó một số trường hợp bất trắc có thể xảy ra.
Tương tự với chi tiêu, người dùng cũng có tâm lý lo sợ sẽ có các đợt khuyến mãi nào đó mà mình đã bỏ lỡ trong khi ngoài kia hàng ngàn, hàng triệu người lại dễ dàng có được. Ví dụ đối với các chương trình mua sắm như mua một tặng một, giảm giá 70% sập sàn,... họ sẽ rất sốt sắng để có được lợi ích kinh tế như những người khác.
Bản chất của vấn đề này xuất phát từ tâm lý thích được mua đồ giá rẻ của đám đông. Đây cũng là yếu tố để các nhà bán hàng luôn khai thác và tận dụng triệt để. Nguyên nhân thì như anh đã chia sẻ ở phần trên.
>>>Đọc thêm cách quản lý chi tiêu cá nhân tại đây.
4. Cách giải quyết tâm lý FOMO trong chi tiêu mua sắm?
Khi đứng trước một đợt khuyến mãi thì hãy cứ bình tĩnh vì trong năm còn có rất nhiều đợt khuyến mãi khác. Chúng ta đừng sợ hết khuyến mãi vì xã hội hiện nay thiên về kích cầu nên những chương trình thế này diễn ra rất thường xuyên.
Theo đó, chúng ta có thể chậm lại để nghiên cứu thói quen, lịch sử và khả năng chi tiêu của mình. Nhớ và kiểm tra lại trong quá khứ mình đã có món đồ này chưa? Mua rồi thì có xài không hay lại để mốc trong tủ?
Một biện pháp đơn giản nữa để giải quyết FOMO đó là có kế hoạch quản lý chi tiêu hợp lý. Khi đã có một ngân sách cụ thể rồi thì các bạn chỉ cần tuân thủ theo mà thôi. Cái khó ở đây đó là bạn có kỷ luật bản thân để tuân thủ theo hay không?
5. Có những quy tắc nào để chi tiêu mua sắm hiệu quả?
Thật ra, nếu quá siết chặt chi tiêu chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái. Do vậy, anh sẽ nêu một vài cách giúp mọi người vừa có thể cân đối chi tiêu vừa có thể tận hưởng cuộc sống dễ dàng:
Thứ nhất, kiên nhẫn với phương pháp quản lý tài chính mà mình đã lựa chọn. Các bạn có thể lựa chọn phương pháp chia thu nhập làm 3 phần như anh đã nêu.
Thứ hai, xây dựng tính kỷ luật. Cái này không phải ngày một ngày hai là có thể thực hiện được mà cần có sự nỗ lực từ chính mình.
Để được như thế chúng ta nên có mục tiêu tài chính cụ thể. Ví dụ 2 năm nữa tôi phải mua được xe máy hoặc tôi phải có 100 triệu dể dẫn bố mẹ đi du lịch,... Như thế các bạn mới có động lực để tuân thủ theo kế hoạch. Chứ đừng tiết kiệm cho chơi mà không có hiệu quả.
Thứ ba, nên mua sắm vào các dịp khuyến mãi lớn nhưng mua theo ngân sách đã có.
Thứ tư, đối với các mặt hàng thông dụng, các bạn có thể mua sắm tại nhiều nguồn khác nhau để lựa chọn được nơi có giá tốt. Ví dụ, các bạn có thể mua xà bông tại BigC, Coopmart, Lotte rồi so sánh giá, chất lượng với nhau để lấy kinh nghiệm.
Anh nhớ khoảng thời gian đi học ở bên Úc, anh từng mua thịt gà, thịt heo, bò,... ở tất cả các loại hình siêu thị khác nhau để cuối cùng có thể lựa chọn được một nơi có giá thành tốt nhất. Mất khoảng 1-2 tháng cho việc này nhưng hiệu quả thì kéo dài đến 1-2 năm.
Cuối cùng đó là sử dụng thẻ tín dụng. Anh sẽ chỉ cho mọi người cách nhận biết khi nào nên và không nên dùng thẻ tín dụng.
Chúng ta chỉ nên sử dụng thẻ tín dụng cho các hóa đơn có hoàn phí. Hiện nay một số ngân hàng phát hành thẻ tín dụng đang có ưu đãi hoàn phí từ 2-3%, thậm chí lên đến 4%.
Ngược lại, đối với những chi tiêu đột xuất như ăn uống cùng bạn bè ở một nơi nào đó mà dịch vụ của nó không nằm trong chương trình hoàn phí của thẻ thì chúng ta không nên dùng. Vì thẻ tín dụng sẽ tạo ra tâm lý chi tiêu lớn hơn thu nhập kiếm được. Đây là một tâm lý phải tuyệt đối hạn chế từ sớm.
6. Chúng ta có thể tận dụng các đợt SALE lớn như thế nào để tối ưu chi phí?
Một là tìm thêm người mua chung để nhận được nhiều ưu đãi khi mua với số lượng lớn.
Hai là nhắm cụ thể vào món hàng mục tiêu. Ví dụ bạn có kế hoạch mua 1-2 chai nước hoa trong năm nay. Khi những dịp khuyến mãi lớn diễn ra, bạn chỉ cần tập trung vào chai nước hoa mình muốn mua mà thôi. Tránh trường hợp không biết mình muốn mua món đồ gì và cứ thế mua sắm theo cảm tính. Thấy gì cũng muốn mua thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến túi tiền.
7. Khi gặp một món đồ giảm giá nằm ngoài kế hoạch, chúng ta sẽ tự vấn bản thân những câu hỏi nào để đưa ra quyết định đúng đắn?
Anh sẽ chia sẻ 3 kinh nghiệm nhỏ nhưng rất hiệu quả từ bản thân và từ các khách hàng của anh như sau:
Một, kiểm tra lại kết quả tương tự với món đồ đắt tiền mình từng mua
Có một khách hàng đã từng chia sẻ với anh rằng: Khi họ đứng trước một thiết bị điện tử, một cây quạt hoặc một máy sấy tóc với giá trị lên đến 15 - 16 triệu thì họ sẽ khựng lại trong 3-5 ngày.
Họ sẽ nhớ lại trong quá khứ mình đã từng mua món đồ nào đắt tiền tương tự? Chúng có thay đổi gì đặc biệt không? Thông thường câu trả lời đều là không và họ sẽ cảm thấy nuối tiếc vô cùng khi mua những món đồ gây lãng phí như vậy.
Khi kiểm tra lại bản thân bằng những trải nghiệm trong quá khứ chúng ta sẽ chủ động tạo ra tâm lý trì trệ. Tâm lý này giúp mọi người kìm hãm được sự hưng phấn nhất thời để nghiêm túc nhìn nhận lại xem khoản chi đó có thật sự cần thiết hay không?
Hai, nếu xác định mình vẫn cần món đồ đó thì hãy tìm hiểu xem có chương trình khuyến mãi nào để sở hữu món đồ này với giá tốt hơn không?
Ba, quan trọng nhất và cũng khó làm nhất đó là: Nghĩ đến một thứ khác tốt hơn bạn có thể làm với ngân sách này
Ví dụ, nếu mua túi xách thì các bạn sẽ tạm mất đi cơ hội được đi du lịch. Hoặc nếu mua túi xách với giá 5 triệu và đi du lịch nhưng phải ở khách sạn 3 sao thì các bạn có chịu đánh đổi không?
Do vậy, trước khi mua một món đồ đắt tiền, hãy nghĩ xem chúng ta có thể dùng ngân sách này để làm điều gì đó tốt hơn không? Liệu món đồ đó có thật sự đáng giá để mình đánh đổi những mục tiêu tài chính khác quan trọng hơn không? Khi trả lời được những câu hỏi này anh tin là mọi người sẽ có được những quyết định đúng đắn cho mình trong chi tiêu.
8. Anh đã áp dụng các cách kiểm soát chi tiêu mua sắm như thế nào và nó giúp thay đổi tài chính cũng như cuộc sống của anh ra sao?
Anh là dân học về tài chính nên từ rất sớm anh đã xác định được mục tiêu cho mình. Anh cũng phân bổ thu nhập thành 3 nhóm chính đó là: Chi tiêu thiết yếu, giải trí và tiết kiệm. Tuy nhiên, phần tiết kiệm của anh khác với mọi người một chút, đó là nó còn dùng để trả nợ vay thế chấp ngân hàng khi mua bất động sản.
Như mọi người cũng đã biết, bất động sản là một loại tài sản tăng trưởng rất nhanh, trung bình từ 10-15%/năm với chu trình dài khoảng 5-10 năm. Trong khi lãi suất vay, trừ một vài giai đoạn lạm phát lớn thì nó sẽ dao động từ 8-9%. Như vậy, khi chúng ta trả nợ vay thế chấp để mua bất động sản thì bản chất chúng ta đang đầu tư trả góp.
Việc này vừa giúp anh đầu tư tăng trưởng tài sản, tăng thu nhập thụ động, vừa cho anh một áp lực, một công cụ kiểm soát tài chính vô hình, đó là ngân hàng. Ngân hàng là người giúp anh kiểm soát chi phí tiết kiệm mỗi tháng.
Vì sao anh lại chọn phương án đó từ rất sớm, khi anh chỉ mới ra trường? Đó là vì anh luôn bắt bản thân mình phải nợ. Anh sợ nếu mình chỉ tiết kiệm đơn thuần thôi thì rất dễ lấy tiền này ra để mua sắm tùy hứng.
Tuy nhiên, nếu nợ ngân hàng thì mình phải suy xét cẩn thận, vì tới tháng là phải trả nợ. Nếu không trả nợ thì rất mệt mỏi, sẽ bị nợ xấu, bị vi phạm pháp luật và nhiều thứ khác nữa. Chính nhờ đó mà anh đã tự hình thành thói quen kỷ luật tuyệt đối với bản thân mình.
Tất nhiên, khi mọi người quyết định vay thế chấp bất động sản để đầu tư thì nên tìm hiểu kỹ một chút. Không phải loại hình bất động sản nào cũng có thể áp dụng phương hướng này được.
Tóm lại, theo anh, nếu các bạn không thể tự tiết kiệm được thì nên tìm kiếm một nơi hoặc một người giúp mình kiểm soát tốt chi tiêu. Chẳng hạn như vay thế chấp với một tài sản bất động sản phù hợp. Nó là cách thức kiểm soát vấn đề phù hợp và tạo ra tài sản trong tương lai cho các bạn.
RedBag xin cảm ơn anh về những chia sẻ chân thành và bổ ích vừa rồi! Chúc anh có thật nhiều sức khỏe và thành công trong cuộc sống.
“Nhìn quanh để biết” là series phỏng vấn người thật việc thật về những vấn đề quen thuộc xoay quanh tài chính cá nhân. Thông qua chia sẻ của các khách mời, RedBag hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được những mẹo hay để ứng dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình.
Bài viết mới nhất
Xem tất cảBật mí công thức 4M đầu tư chứng khoán không bao giờ sợ lỗ
Nhảy vào thị trường đầu tư chứng khoán với sự mơ hồ về kiến thức sẽ khiến cho người trẻ gặp phải những thất bại không đáng có. Hãy cẩn thận!
Giải quyết bài toán mua nhà cho gia đình với bản kế hoạch tài chính chi tiết
Sở hữu căn nhà cho riêng mình đã và đang là đích đến của nhiều người. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này vốn không phải là một điều dễ dàng nếu ngay từ đầu chúng ta không biết cách lập kế hoạch tài chính mua nhà.
Vũ Nhật Khánh: “Áp lực mục tiêu tài chính tuổi 30 là do mình tạo ra”
Bước đầu quản lý tài chính cá nhân, ai cũng sẽ có những mục tiêu cho riêng mình. Song mục tiêu tài chính tuổi 30 có lẽ sẽ đặc biệt hơn vì đây là cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Điều này tạo ra không ít áp lực dành cho những người trẻ.
Bài viết đọc nhiều
Tậu ngôi nhà, căn hộ đầu tiên của bạn: hướng dẫn từng bước
Những người trẻ tài năng đang có mục tiêu sở hữu ngôi nhà, căn hộ cho riêng mình trước tuổi 30, thường sẽ đối mặt với những băn khoăn, như: cần bao nhiêu tiền thì có thể tậu được ngôi nhà, căn hộ đầu tiên; quản trị tài chính cá nhân với khoản nợ, khoản trả góp mua nhà; các bước chi tiết để mua nhà. Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết của RedBag.
Nguyên tắc 28/36 giúp bạn giảm gánh nặng từ những khoản nợ
Gánh nặng nợ vay là nỗi ám ảnh lớn nhất của những người trẻ muốn sở hữu ngôi nhà của riêng mình từ sớm. Vay mua nhà và ngay sau khi tận hưởng được niềm vui của việc có nhà mới, người trẻ ngay lập tức phải gánh chịu những áp lực từ lãi vay và gánh nặng phải chi trả các khoản vay nợ mua nhà, mua đồ nội thất. Đây quả là một trải nghiệm không hề dễ chịu.
Ổn định tài chính - Bước chuyển mình quan trọng của người trẻ
Giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác luôn là những điều không dễ dàng đối với tất cả chúng ta. Đặc biệt là bước chuyển đổi từ giai đoạn mới đi làm sang giai đoạn ổn định tài chính. Tại đây, người trẻ phải đối mặt với rất nhiều điều mới mẻ, những kiến thức cần bổ sung và những kế hoạch mới phải thiết lập để sẵn sàng với thử thách mới.
10 thói quen để đạt được tự do tài chính, nghỉ hưu sớm
Tự do tài chính là mục tiêu chính trong cuộc sống của nhiều người. Nhưng, đạt đến tự do tài chính là một con đường dài và đầy khó khăn đối với người trẻ. Hình thành những thói quen tài chính đúng đắn ngay từ sớm là một cách đơn giản và hữu ích để người trẻ sớm thành công trong mục tiêu đạt được trạng thái tự do tài chính.
Gen Z đa nhiệm: Làm nhiều nghề cùng lúc, nhưng đôi khi bỏ quên việc tối ưu tài chính cá nhân
Đa nhiệm là một tính từ được dùng phổ biến khi nói đến Gen Z, để mô tả khả năng đảm nhiệm nhiều công việc, trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng một lúc. Đây là một trong những đặc điểm giúp cho Gen Z nổi bật hơn những thế hệ trước. Đa nhiệm, năng động, tự tin, sáng tạo là một bộ những tính từ gắn liền với Gen Z. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá tính đa nhiệm của Gen Z trong công việc.
Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!
Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN