Thông tin về gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân Tp.HCM
- 1. Tình hình thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19 tại Tp.HCM hiện nay
- 2. Triển khai gói hỗ trợ thứ 3 cho người dân Tp.HCM sau 15/9
- 3. Thời gian và mức hỗ trợ cho người dân Tp.HCM trong đợt 3
- 1. Gói hỗ trợ theo nhân khẩu và an sinh xã hội
- 2. Gói hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước
- 4. Làm cách nào để nhận được gói hỗ trợ Covid-19 tại Tp.HCM?
- 1. Cách 1: Liên hệ với tổ trưởng hoặc các cơ quan chức năng
- 2. Cách 2: Truy cập ứng dụng An Sinh
- 3. Cách 3: Liên hệ cổng thông tin 1022
- 5. Người dân cần làm gì khi chưa nhận được gói hỗ trợ?
- 1. Cổng Dịch vụ công Quốc gia
- 2. Ngân hàng Chính sách Xã hội
Trước bối cảnh sẽ tiếp tục giãn cách xã hội đến hết tháng 9, Tp.HCM sẽ triển khai gói hỗ trợ đợt 3 với tổng kinh phí lên đến 8.000 tỷ đồng. Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 sau ngày 15/9.
Theo đó, gói hỗ trợ lần này cũng được mở rộng đối tượng tiếp nhận, ưu tiên cho những đối tượng phát sinh mới trong danh sách đợt 3. Để người dân có thể hiểu rõ hơn về gói hỗ trợ mới này của Tp.HCM, RedBag đã tổng hợp một số thông tin cần thiết ngay sau đây.
Tình hình thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19 tại Tp.HCM hiện nay
Lần lượt thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị 12 của Thành ủy Tp.HCM. Người dân chỉ được ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết.
Do đó, để giúp người dân tiếp tục vững lòng và nghiêm túc thực hiện giãn cách đến hết tháng 9, UBND Tp.HCM đã và đang triển khai các gói hỗ trợ. Nhằm giúp người dân Tp.HCM vượt qua được những khó khăn từ đại dịch Covid-19 và mau chóng trở lại cuộc sống bình thường mới.
Gói hỗ trợ thứ nhất thực hiện theo Nghị quyết số 09/NQ-HĐND dành cho 6 nhóm đối tượng chủ yếu là lao động tự do với quy mô 886 tỷ đồng. Theo đó, Tp.HCM cũng là một trong 4 địa phương (gồm Tp.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lâm Đồng) xác định thêm đối tượng đặc thù so với Nghị quyết 68/NQ-CP.
Trong đó, đối tượng đồng thời đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất và không được chi trùng người.
Trường hợp nào đã nhận được mức hỗ trợ theo Nghị quyết 09 nhưng thấp hơn Nghị quyết 68 thì sẽ được Tp.HCM hỗ trợ thêm khoản chênh lệch, bằng với quy định tại Nghị quyết 68.
Kết quả thực hiện gói hỗ trợ thứ nhất của HDND Tp.HCM tính từ ngày 25/6/2021:
Với quy mô 886 tỷ đồng, Tp.HCM đã hỗ trợ được cho hầu hết các đối tượng lao động tự do tại địa bàn. Cụ thể:
- 365.794 lao động tự do (tỷ lệ 100%) đã nhận hỗ trợ hơn 548 tỷ đồng.
- 56.300 lao động ở doanh nghiệp tạm ngừng việc, nghỉ việc không lương (trong tổng số 59.100 người chiếm 95%) đã nhận hỗ trợ gần 115 tỷ đồng.
- 170 lao động nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong tổng số 199 người, chiếm 85%) đã nhận hỗ trợ 353 triệu đồng.
- 5.900 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động (100%) đã nhận hỗ trợ gần 12 tỷ đồng.
- 17.000 thương nhân ở các chợ truyền thống (trong tổng số hơn 17.400 thương nhân, chiếm 97%) đã nhận hỗ trợ hơn 24 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ thứ hai được HDND Tp.HCM thông qua vào hồi đầu tháng 8, khi đợt dịch trở nên bùng phát mạnh và không có dấu hiệu thuyên giảm.
Cụ thể, ngoài các đối tượng là lao động tự do, thành phố hỗ trợ thêm khoảng 260.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động nghèo sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu phong tỏa,... Việc trợ giúp không phân biệt thường trú, tạm trú mà theo tiêu chí “thực sự khó khăn”.
Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 1 triệu đồng và Ủy ban MTTQ Việt Nam vận động hỗ trợ 500.000 đồng (200.000 đồng tiền mặt và một phần quà trị giá 300.000 đồng).
Cập nhật tiến độ thực hiện gói hỗ trợ thứ hai của HDND Tp.HCM:
Đã có hơn 180.000 người lao động tự do, 40.000 hộ nghèo, cận nghèo và 50.000 hộ lao động khó khăn ở các khu trọ, khu phong tỏa đã nhận hỗ trợ.
Theo chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết: “Với những ai chưa nhận được gói hỗ trợ lần 2, người dân hãy liên hệ với tổ trưởng, khu phố, phường để yêu cầu lập danh sách nhận hỗ trợ. Trường hợp người dân đã có tên trong danh sách hỗ trợ đợt 2 nhưng chưa nhận được tiền, chính quyền địa phương sẽ nhanh chóng rà soát và chuyển gói hỗ trợ đến người dân trong thời gian sớm nhất.”
Trong khi thực hiện gói thứ hai cũng là lúc Tp.HCM siết chặt hơn việc giãn cách xã hội. Đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn ngày càng tăng, khiến địa phương chưa bao phủ hết được. Do đó, Tp.HCM đã ngay lập tức triển khai gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân trên địa bàn.
Xem thêm: Từ A đến Z chuyện trợ cấp cho người dân mùa dịch
Triển khai gói hỗ trợ thứ 3 cho người dân Tp.HCM sau 15/9
Trong chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã có những chia sẻ và giải đáp thắc mắc của người dân xoay quanh các gói hỗ trợ. Ông khẳng định thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân sau 15/9 tùy theo diễn biến dịch bệnh và khả năng ngân sách.
Ngoài ra, khi triển khai các gói hỗ trợ trên, thành phố cũng nhận thấy một vài điểm hạn chế khi chưa bao quát hết được tình hình. Việc hỗ trợ đến từng người, từng hộ gia đình còn chậm trễ, bất hợp lý.
Ông Mãi cũng cho biết thêm: “Những ai chưa được nhận hoặc đủ điều kiện nhưng chưa có trong danh sách nhận hỗ trợ thì liên hệ ngay với chính quyền phường, xã, thị trấn để được cập nhật và bổ sung”.
Theo đó, chính sách hỗ trợ lần ba sẽ có chút thay đổi. Nhằm kịp thời chấn chỉnh lại những hạn chế và mở rộng thêm đối tượng nhận trợ cấp. Quyết không bỏ sót bất kỳ ai.
Những thay đổi được nêu ra là:
- Thứ nhất, không cần xác định đối tượng nào mà chỉ cần là người khó khăn với ba yếu tố không việc làm, không thu nhập, bị giãn cách thì được hỗ trợ.
- Thứ hai, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, ngay cả trẻ em sơ sinh cũng được tính là một người. “Quan điểm của thành phố là tính theo người, chứ không tính theo hộ”. Nếu tính theo hộ thì sẽ có tình trạng hộ hai người hay bốn người cũng chỉ có một suất.
- Thứ ba, thành phố đang xây dựng gói hỗ trợ theo định mức từng người tùy theo diễn biến dịch bệnh và khả năng ngân sách thành phố. Cụ thể sẽ có 2 gói:
- Gói hỗ trợ mang tính cần thiết được chăm lo phổ biến đều cho mọi người.
- Gói an sinh (ngân sách thành phố) nhằm giải quyết gấp cho dân vào những thời điểm cấp bách.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành phố cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét các gói hỗ trợ như giảm lãi suất, khoanh nợ, không thay đổi nhóm nợ,...
Đồng thời, sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng đặc biệt như cho vay kích cầu, hỗ trợ về mặt bằng, điện, nước,… để hỗ trợ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt, trong đợt hỗ trợ lần 3 với kinh phí dự kiến lên đến gần 8.000 tỷ đồng này, Tp.HCM sẽ ưu tiên giải quyết trước cho các đối tượng bổ sung phát sinh mới. Những người chưa nhận được hỗ trợ trong hai đợt đầu sẽ được cập nhật vào danh sách để nhận hỗ trợ trong đợt 3.
>>>Cách quản lý tài chính cá nhân
Thời gian và mức hỗ trợ cho người dân Tp.HCM trong đợt 3
Gói hỗ trợ theo nhân khẩu và an sinh xã hội
- Thời gian: Tháng 9 - 10/2021.
- Mức hỗ trợ theo nhân khẩu: 750.000 đồng/người/tháng.
- Đối tượng:
Thống nhất 2 diện đối tượng được hỗ trợ đợt 3, gồm:
- Người lao động bị mất việc, không có thu nhập, gặp khó khăn (không phân biệt người có hộ khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú) đang có mặt trên địa bàn Tp.HCM.
- Thân nhân của người lao động bị mất việc làm như cha, mẹ, vợ, chồng, con, bao gồm cả người già và trẻ em, người ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc đang có mặt trên địa bàn phường, xã, thị trấn tại thời điểm khảo sát.
Theo ước tính, Tp.HCM có khoảng 2,2 triệu hộ với 5,8 triệu nhân khẩu lâm vào cảnh khó khăn cần hỗ trợ. Thêm vào đó có khoảng 1,8 triệu người lao động tự do trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân... mất việc làm, không có thu nhập hoặc giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng cần hỗ trợ đợt 3.
Ngoài những diện hỗ trợ trên, Tp.HCM còn có gói cứu trợ các túi an sinh của Trung tâm an sinh Tp.HCM và không có điều kiện, chuẩn mực hay ràng buộc nào.
Túi an sinh này gồm nhu yếu phẩm có thể sử dụng trong vòng từ 5 - 7 ngày. Riêng đối với F0, túi an sinh còn có thêm sữa và cháo dành cho người ốm.
Gói hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước
Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, một trong những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai rất quyết liệt, đồng bộ đó là ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và sau đó là Thông tư 03. Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các Tổ chức Tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đáng chú ý lần này, NHNN vừa ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN (Thông tư 14) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 nhằm hỗ trợ người dân trong các hoạt động tín dụng như sau:
- Đối tượng: Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do thu nhập/doanh thu sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.
- Thời gian cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ: Hỗ trợ thêm 6 tháng, tới ngày 30/6/2022 so với quy định cũ.
Theo đó, ngân hàng sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trước ngày 1/8 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 30/6/2022.
Ngoài ra, Thông tư 14 cũng bổ sung thêm một trường hợp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là khi số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021.
Có thể nói, đây là những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho cá nhân và doanh nghiệp hiện nay. Bạn có thể trao đổi và liên hệ với ngân hàng nơi mình đăng ký vay để nhận được gói hỗ trợ này nhé.
Đặc biệt, trong thời gian giãn cách này, khách hàng có thể theo dõi khoản vay và mọi thông tin liên quan đến tài khoản của mình thông qua ngân hàng số. Nếu chưa biết cách tải ứng dụng ngân hàng số về máy, bạn cũng có thể truy cập vào RedBag để xem hướng dẫn cụ thể tại đây.
Làm cách nào để nhận được gói hỗ trợ Covid-19 tại Tp.HCM?
Có 3 cách để bạn nhận được gói trợ cấp tại Tp.HCM:
Cách 1: Liên hệ với tổ trưởng hoặc các cơ quan chức năng
- Cách thức: Để nhận hỗ trợ, người dân cần liên hệ tổ trưởng dân phố, khu phố hoặc cảnh sát khu vực nơi mình sống, kê khai thông tin yêu cầu hỗ trợ theo mẫu. Trưởng khu phố tổng hợp danh sách gửi chính quyền phường, xã thẩm định và xét duyệt.
- Thời gian: Quy trình xét duyệt không quá 7 ngày.
- Phương thức nhận: Qua tài khoản ngân hàng hoặc nhận tiền mặt.
Cách 2: Truy cập ứng dụng An Sinh
Người dân Tp.HCM có thể cài đặt ứng dụng “An Sinh” miễn phí từ Trung tâm An sinh Tp.HCM để gửi các yêu cầu cấp bách khi cần hỗ trợ.
Cụ thể:
- Đăng ký nhận túi an sinh từ Trung tâm An sinh Tp.HCM.
- Đăng ký nhận tiền hỗ trợ.
- Yêu cầu trợ giúp khẩn cấp về nhu yếu phẩm hoặc hỗ trợ y tế khi cần xe cấp cứu, bình ô xy, thuốc men, các thiết bị y tế phục vụ chống dịch Covid-19, cấp cứu đối với các tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trực tiếp hỗ trợ cho những người kém may mắn hơn mình thông qua tính năng “Nhà hảo tâm tặng tiền”. Hoặc tham gia vào các đội nhóm thiện nguyện hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Mặt khác, người dân cũng có thể liên hệ các đội nhóm trên để nhận được trợ giúp, tư vấn hoặc cứu trợ kịp thời.
Theo Trung tâm An Sinh TP, ứng dụng này còn cung cấp tính năng để người dân nắm rõ thông tin với mỗi yêu cầu mà mình đã gửi đi. Chẳng hạn các yêu cầu này đã được tiếp nhận hay chưa? Tiếp nhận vào thời gian nào? Những yêu cầu nào đang chờ xử lý, không hợp lệ hay đã được duyệt,... đều sẽ được ghi nhận và thông báo cụ thể tới người dân đã đăng ký tài khoản.
Hiện tại, bạn có thể tải ứng dụng “An Sinh” về điện thoại thông qua cửa hàng ứng dụng App Store hoặc CH Play.
Cách 3: Liên hệ cổng thông tin 1022
Người dân có thể gọi điện đến cổng thông tin 1022 để được hỗ trợ, cụ thể:
- Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19: 1022 - Nhấn phím 2.
- Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19: 1022 - Nhấn phím 3.
- Kết nối với mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn Tp.HCM: 1022 - Nhấn phím 4.
Người dân cần làm gì khi chưa nhận được gói hỗ trợ?
Không chỉ riêng tại địa bàn Tp.HCM, người dân tại nhiều tỉnh thành khác cũng đang phản ánh về việc chưa nhận được tiền trợ cấp từ chính phủ hoặc địa phương.
Để giúp bạn đọc có thể giải quyết được vấn đề của mình, RedBag đã tổng hợp dưới đây các kênh tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng mọi thắc mắc của người dân về việc hỗ trợ.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Người dân có thể gửi phản ánh kiến nghị của mình về việc hỗ trợ Covid-19 tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia qua các bước sau:
- Bước 1: Truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia, mục “Phản ánh kiến nghị”.
- Bước 2: Điền thông tin và nội dung kiến nghị, gửi tài liệu đính kèm (nếu có). Sau đó, chọn đơn vị tiếp nhận tại khu vực của bạn.
- Bước 3: Gửi phản ánh và chờ đợi câu trả lời từ đơn vị tiếp nhận trong 2 ngày.
Để tra cứu thông tin phản ánh kiến nghị, người dân chỉ cần nhập mã PAKN hoặc tên người gửi. Sau đó, nhấn nút “Tìm kiếm” để tra cứu thông tin trả lời.
Lưu ý: Hệ thống không tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn giải đáp pháp luật.
Ngân hàng Chính sách Xã hội
Cá nhân hoặc tổ chức khi có các vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ vay vốn, tín dụng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể liên hệ đến Ngân hàng Chính sách Xã hội.
- Bước 1: Truy cập vào website chính thức của Ngân hàng Chính sách Xã hội, mục “Liên hệ” để gửi câu hỏi của mình.
- Bước 2: Điền thông tin và nội dung ý kiến về việc hỗ trợ.
- Bước 3: Nhấn nút “Gửi đi” sau khi hoàn tất.
Trên đây là một số thông tin về việc triển khai gói hỗ trợ đợt 3 tại địa bàn Tp.HCM cho người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Khoản hỗ trợ này cũng là nỗ lực của thành phố để cùng bà con chia sẻ những khó khăn trong điều kiện dịch bệnh. Điều mong muốn sau cùng của các cấp lãnh đạo thành phố vẫn là đời sống người dân có thể sớm ổn định, mau chóng quay lại giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch.
Do đó, người dân cùng với thành phố cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chấp hành nghiêm chỉ thị giãn cách đến hết tháng 9. Để sớm ngày chúng ta có được cuộc sống an toàn, bình yên và hạnh phúc.
Đừng quên truy cập vào RedBag mỗi ngày để đón xem những bài viết mới và bổ ích nhé!
Bài viết mới nhất
Xem tất cảBật mí công thức 4M đầu tư chứng khoán không bao giờ sợ lỗ
Nhảy vào thị trường đầu tư chứng khoán với sự mơ hồ về kiến thức sẽ khiến cho người trẻ gặp phải những thất bại không đáng có. Hãy cẩn thận!
Giải quyết bài toán mua nhà cho gia đình với bản kế hoạch tài chính chi tiết
Sở hữu căn nhà cho riêng mình đã và đang là đích đến của nhiều người. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này vốn không phải là một điều dễ dàng nếu ngay từ đầu chúng ta không biết cách lập kế hoạch tài chính mua nhà.
Vũ Nhật Khánh: “Áp lực mục tiêu tài chính tuổi 30 là do mình tạo ra”
Bước đầu quản lý tài chính cá nhân, ai cũng sẽ có những mục tiêu cho riêng mình. Song mục tiêu tài chính tuổi 30 có lẽ sẽ đặc biệt hơn vì đây là cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Điều này tạo ra không ít áp lực dành cho những người trẻ.
Bài viết đọc nhiều
Tậu ngôi nhà, căn hộ đầu tiên của bạn: hướng dẫn từng bước
Những người trẻ tài năng đang có mục tiêu sở hữu ngôi nhà, căn hộ cho riêng mình trước tuổi 30, thường sẽ đối mặt với những băn khoăn, như: cần bao nhiêu tiền thì có thể tậu được ngôi nhà, căn hộ đầu tiên; quản trị tài chính cá nhân với khoản nợ, khoản trả góp mua nhà; các bước chi tiết để mua nhà. Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết của RedBag.
Nguyên tắc 28/36 giúp bạn giảm gánh nặng từ những khoản nợ
Gánh nặng nợ vay là nỗi ám ảnh lớn nhất của những người trẻ muốn sở hữu ngôi nhà của riêng mình từ sớm. Vay mua nhà và ngay sau khi tận hưởng được niềm vui của việc có nhà mới, người trẻ ngay lập tức phải gánh chịu những áp lực từ lãi vay và gánh nặng phải chi trả các khoản vay nợ mua nhà, mua đồ nội thất. Đây quả là một trải nghiệm không hề dễ chịu.
Ổn định tài chính - Bước chuyển mình quan trọng của người trẻ
Giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác luôn là những điều không dễ dàng đối với tất cả chúng ta. Đặc biệt là bước chuyển đổi từ giai đoạn mới đi làm sang giai đoạn ổn định tài chính. Tại đây, người trẻ phải đối mặt với rất nhiều điều mới mẻ, những kiến thức cần bổ sung và những kế hoạch mới phải thiết lập để sẵn sàng với thử thách mới.
10 thói quen để đạt được tự do tài chính, nghỉ hưu sớm
Tự do tài chính là mục tiêu chính trong cuộc sống của nhiều người. Nhưng, đạt đến tự do tài chính là một con đường dài và đầy khó khăn đối với người trẻ. Hình thành những thói quen tài chính đúng đắn ngay từ sớm là một cách đơn giản và hữu ích để người trẻ sớm thành công trong mục tiêu đạt được trạng thái tự do tài chính.
Gen Z đa nhiệm: Làm nhiều nghề cùng lúc, nhưng đôi khi bỏ quên việc tối ưu tài chính cá nhân
Đa nhiệm là một tính từ được dùng phổ biến khi nói đến Gen Z, để mô tả khả năng đảm nhiệm nhiều công việc, trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng một lúc. Đây là một trong những đặc điểm giúp cho Gen Z nổi bật hơn những thế hệ trước. Đa nhiệm, năng động, tự tin, sáng tạo là một bộ những tính từ gắn liền với Gen Z. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá tính đa nhiệm của Gen Z trong công việc.
Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!
Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN