BlogTài chính cá nhânLàm thế nào để bước qua những cột mốc quan trọng với tài chính sẵn sàng? (Kỳ 2)

Làm thế nào để bước qua những cột mốc quan trọng với tài chính sẵn sàng? (Kỳ 2)

RedBag Team 25/01/2022

Tiếp nối kỳ 1 với sự chuẩn bị tài chính cho các cột mốc quan trọng trong sự nghiệp và ổn định cuộc sống tuổi 30. Khách mời của "Nhìn quanh để biết" tuần này, chị Mina Chung (Đại sứ của nền tảng cộng đồng phụ nữ chuyên về tài chính và sự nghiệp - 15 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính ngân hàng toàn cầu) sẽ tiếp tục chia sẻ với chúng ta về kế hoạch tài chính chuẩn bị cho hôn nhân và cuộc sống nghỉ hưu.

lap-ngan-sach-cho-gia-dinh-redbag

Nhiều người thường trăn trở với quyết định tiến đến hôn nhân bởi lẽ để đảm bảo một cuộc sống gia đình vững vàng thì cần có sự ổn định về mặt tài chính. Vậy chúng ta cần chuẩn bị gì về tài chính trước khi kết hôn?

Thật sự chị cũng không phải là một bác sĩ tâm lý hay nhà tư vấn hôn nhân gia đình nên chỉ có thể chia sẻ với kinh nghiệm riêng của mình mà thôi. Chị với ông xã bên nhau đến nay cũng đã được 26 năm. Yêu nhau và đến được với nhau đã là một điều hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc này phải đi đôi với trách nhiệm, trách nhiệm với bản thân và gia đình.

Khi bạn bước vào cuộc sống hôn nhân thì tài chính là một vấn đề quan trọng. Trong một bài báo chị viết, theo thống kê từ văn phòng luật sư khi nói về nguyên nhân khiến các cặp đôi ly dị đến từ các vấn đề về tài chính, chiếm khoảng 30%.

Đôi khi, cả hai cũng nên có những nguyên tắc về tài chính giữa vợ chồng. Ngày đó, vợ chồng chị phải đợi đến 10 năm mới dám kết hôn. Bởi cả hai đều không muốn vì tổ chức một đám cưới thật hoành tráng mà phải nợ nần và đánh đổi với cuộc sống hôn nhân đầy những áp lực tài chính về sau.

Câu chuyện nói đến ở đây chính là sự minh bạch và chia sẻ trách nhiệm tài chính gia đình. Nếu một người trong gia đình bạn có thể quán xuyến được việc đó mà không xảy ra bất kỳ mâu thuẫn nào trong chuyện tình cảm thì không sao. Mình không bàn đến tính đúng sai ở đây. Miễn sao bạn cảm thấy mối quan hệ của bạn vững chắc hơn là được.

Khi bắt đầu hôn nhân, chúng ta cần lập ngân sách chung cho gia đình như thế nào?

Nếu như ngân sách cá nhân giúp bạn quản lý tiền của mình tốt hơn thì ngân sách gia đình chính là cơ sở cho việc quản lý chi tiêu trong gia đình. Ngân sách gia đình hình thành dựa trên sự đóng góp tài chính của các thành viên trong gia đình. Do đó, mỗi người đều phải có trách nhiệm kiểm soát và quản lý chi tiêu tốt hơn.

Trong ngân sách gia đình quan trọng nhất vẫn là sự đóng góp nguồn thu của mỗi người. Mình nên phân chia vai trò cho từng người một cách rõ ràng. Bởi vì góp là một chuyện nhưng người nào sẽ tổng kết và thanh toán lại là chuyện khác. Đến lúc cần lại không biết ai đảm đương việc này rồi xảy ra mâu thuẫn với nhau.

Đôi khi, chúng ta cũng phải ngồi lại để xem xét và cân đối bản kế hoạch thu chi cho gia đình. Hai vợ chồng chị thường có Financial Date - Ngày hẹn hò và nói chuyện về tài chính để chia sẻ với nhau về thu nhập, chi tiêu, số dư và kể cả những việc rất tế nhị như là: Từ lúc hẹn hò đến khi kết hôn có còn nợ hay không? Có gửi tiền về cho cha mẹ mình mỗi tháng hay không? Số tiền đó lấy từ quỹ riêng hay quỹ chung? Minh bạch trong vấn đề tiền bạc và chia sẻ cùng nhau rất quan trọng. 

Ngoài ra, để xem cụ thể về bảng ngân sách cho gia đình, các bạn cũng có thể tìm đến trang Mina Chung và tải xuống. Dựa trên đó để ghi chép thu chi cho gia đình mình.

>>>Xem thêm cách lập kế hoạch tài chính cá nhân tại link này

chuan-bi-tai-chinh-cho-gia-dinh-redbag

Xem thêm: Ai nên là người quản lý chi tiêu trong gia đình?

Trong những bước vừa nêu, chị thấy các cặp vợ chồng thường gặp khó khăn ở những bước nào? Chị có lời khuyên nào dành cho họ hay không?

Việc không minh bạch và thường xuyên chia sẻ với nhau ngay từ đầu sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề. Nó sẽ đưa bạn vào một tình thế mà bạn không dám nói cũng không dám hỏi. Giả sử, trong ngày hẹn hò, bạn sẽ rất khó để mở lời khi hỏi về lương tháng của đối phương. Nhưng bạn phải mạnh dạn bước qua được trở ngại tâm lý đó để cả hai sau này có thể thoải mái trao đổi với nhau về chuyện tiền bạc. 

Sẵn tiện, chị cũng có viết 10 câu hỏi để các cặp đôi trả lời cùng nhau như sau:

  1. Anh và em nghĩ thế nào về việc cho ba mẹ hoặc họ hàng mượn tiền?
  2. Chúng ta đã dành dụm được bao nhiêu tiền? 
  3. Anh và em có còn nợ hay không?
  4. Chúng ta thích đầu tư sinh lời thế nào?
  5. Bạn là người thích tiết kiệm hay sống hưởng thụ cho bản thân?
  6. Có nên có ngân sách chi tiêu cá nhân không? 
  7. Nếu một trong hai mất việc hoặc muốn nghỉ làm 1-2 năm để chuẩn bị cho dự định riêng thì người còn lại có sẵn sàng hỗ trợ hay không?
  8. Các hóa đơn hàng tháng sẽ được chi trả như thế nào? Ai là người thanh toán?
  9. Mơ ước của anh và em là gì? (Tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được ước mơ.)
  10. Có nên có quỹ chung hay không?

Đây là những câu chuyện chúng ta hoàn toàn có thể nói với nhau. Tuy nhiên đừng hỏi hết những câu này trong một buổi Financial Date. Nó được đút kết từ 26 năm của vợ chồng chị nên các bạn đừng vội vã. Có thể năm nay bạn chỉ hỏi một câu và năm sau thì hỏi thêm 1-2 câu nữa. Bởi vì khi nói đến chuyện tiền bạc mình cũng phải nên nhẹ nhàng và tế nhị một chút.

Xem thêm: Kinh nghiệm quản lý tài chính gia đình giúp vợ chồng hạnh phúc.

chuan-bi-tai-chinh-ca-nhan-cho-nghi-huu-redbag

“Mỗi người phải xác định được thời gian nghỉ hưu cho mình”. Nó không phải là thời gian quy định của nhà nước hay công việc mà nó phụ thuộc vào chính bản thân mình. Theo chị, chúng ta nên bắt đầu chuẩn bị gì cho kế hoạch nghỉ hưu? Thời điểm nào nên có kế hoạch này?

Nhớ lại câu trả lời lúc nãy đó là: “Bạn phải lên kế hoạch này từ ngày hôm qua”. Nếu bạn chưa nghĩ đến con số cuối cùng mình muốn đạt được hoặc mình muốn nghỉ hưu trong khoảng thời gian nào thì hãy làm ngay từ lúc này. Chị cũng có chia sẻ rất nhiều thông tin để giúp các bạn tính ra được số tiền cần có để nghỉ hưu. 

Tuy nhiên, chị cũng muốn nhắn gửi thêm là: Nếu bạn đạt được một số tiền trong khoản thời gian mong muốn thì không có nghĩa là bạn đã tới đích rồi. Ví dụ 45 tuổi là 3 tỷ hay 55 tuổi là 5 tỷ. Đừng bao giờ quên điều này. Bởi việc kế tiếp bạn cần làm đó là bảo đảm con số này sẽ đi theo mình cho đến khi mình qua đời. 

Mình không thể ngồi đây và nói là đến 85 tuổi tôi chết rồi, chỉ dành dụm tiền đến 85 tuổi rồi thôi. Vậy nếu bạn sống đến 100 tuổi thì sao? Hãy tiếp tục hiệu quả hóa số tiền đó để mình không sống thọ hơn tiền. Đây là những điều bạn nên biết để chuẩn bị kế hoạch nghỉ hưu cho mình ngay từ bây giờ.

chuan-bi-tai-chinh-cho-cuoc-song-nghi-huu-redbag

Nhân tiện chị có thể chia sẻ thêm về công thức tính quỹ hưu trí được không?

Đầu tiên bạn cần tính toán được chi phí tối thiểu cho mỗi tháng. Ví dụ như tiền nhà, điện nước, xăng xe, ăn uống,... Song bạn có thể cộng thêm khoản giải trí cho mình. Giả dụ, một tháng bạn chi tiêu tối thiểu 7 triệu, giải trí 3 triệu. Tổng cộng hàng tháng bạn sẽ cần 10 triệu, một năm là 120 triệu.

Theo quy tắc nhân 25 lần, mình sẽ lấy 120 triệu x 25 = 3 tỷ. Con số này nói cho bạn biết bạn có quyền xài 10 triệu/tháng trong thời gian mình nghỉ hưu. Ngoài ra, bạn cần bảo đảm 3 tỷ này ổn định cho tới khi mình 85 hay 100 tuổi. Do đó, bạn phải tiếp tục đem con số này đi đầu tư sinh lãi ổn định. Bạn có thể đầu tư vào trái phiếu hay cổ phiếu, tùy bạn. Mỗi năm rút ra 4% và chỉ chi tiêu trên 4% đó để đảm bảo quỹ hưu trí này không cạn kiệt.

Bạn cũng đừng quên sức khỏe và nhà cửa của mình. Đến lúc đó hãy cố gắng bảo đảm sức khỏe và nhà cửa phải ổn định. Nếu không bạn sẽ phải gia tăng chi phí mỗi tháng. Tốt nhất là đừng để nó xê dịch quá nhiều ra khỏi mức chi tiêu tối thiểu và giải trí mà mình đã tính toán ngay từ đầu.

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ những thông tin bổ ích về bức tranh tài chính cho các giai đoạn quan trọng trong cuộc đời. RedBag hy vọng thông qua cuộc trò chuyện lần này, mọi người sẽ hình dung được mục tiêu và kế hoạch tài chính sắp tới cho mình. Tại sao phải đợi khi bạn có thể bắt đầu ngay từ hôm nay?

Hãy để lại bình luận chia sẻ những mong muốn của bạn trong từng cột mốc quan trọng của cuộc đời. Đừng quên nhấn “Đăng ký ngay” ở phía dưới để cập nhật thêm nhiều bài viết mới và thú vị xoay quanh tài chính cá nhân nhé.

Nhìn quanh để biết” là series phỏng vấn người thật việc thật về những vấn đề quen thuộc xoay quanh tài chính cá nhân. Thông qua chia sẻ của các khách mời, RedBag hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được những mẹo hay để ứng dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình.

RedBag

Bài viết mới nhất

Xem tất cả

Bài viết đọc nhiều

Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!

Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN