BlogTài chính cá nhânKiếm tiền từ thương hiệu cá nhân thế nào khi còn là sinh viên?

Kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân thế nào khi còn là sinh viên?

RedBag Team 17/12/2021

Việc có một thương hiệu cá nhân tốt không chỉ mang đến nhiều lợi thế trong công việc mà còn mang đến cơ hội gia tăng thêm thu nhập. Vậy bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân như thế nào? Làm thế nào để gia tăng thu nhập dựa trên thương hiệu cá nhân từ khi còn là sinh viên? RedBag đã có cuộc trò chuyện với bạn Nguyễn Quỳnh Anh - Blogger "Quanh With GenZ" - Top 1% sinh viên xuất sắc khoa Tiếng Anh - Đại học Thương mại Hà Nội sẽ giúp chúng ta trả lời những câu hỏi này.

Trong những năm gần đây, cụm từ “thương hiệu cá nhân” đã không còn quá xa lạ với chúng ta, đặc biệt với các bạn trẻ. Thương hiệu cá nhân là tổng hòa những dấu hiệu và đặc điểm nhận biết về một cá nhân được đông đảo mọi người công nhận dựa trên ngoại hình, tính cách, lời nói, hành động và các giá trị đóng góp cho xã hội. Việc có một thương hiệu cá nhân tốt không chỉ mang đến cho chúng ta nhiều lợi thế trong công việc mà còn mang đến cơ hội gia tăng thêm thu nhập.

kiem-tien-tu-thuong-hieu-ca-nhan-the-nao-khi-con-la-sinh-vien-redbag

Vậy bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân như thế nào? Làm thế nào để gia tăng thu nhập dựa trên thương hiệu cá nhân từ khi còn là sinh viên? Để trả lời cho những câu hỏi này, RedBag đã có cuộc trò chuyện với bạn Nguyễn Quỳnh Anh - Top 1% sinh viên xuất sắc của khoa Tiếng Anh - Đại học Thương mại Hà Nội. Hiện tại cô nàng là một Blogger sở hữu Blog “Quanh with GenZ” đang được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Hãy xem cô gái trẻ của chúng ta mang đến những câu chuyện nào đặc biệt xoay quanh chủ đề quản lý tài chính cá nhân.

kiem-tien-tu-thuong-hieu-ca-nhan-redbag

Quỳnh Anh bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân từ khi nào?

Thương hiệu cá nhân đối với mình không phải là một cái gì đó quá xa vời. Khi lập trang Facebook cá nhân đầu tiên vào năm nhất đại học, mình đã tự nhủ phải cố gắng xây dựng một “profile” tích cực và văn minh nhất có thể. Chứ mình không tạo ra chỉ để kết nối và chia sẻ cuộc sống với mọi người, dù nó chỉ là một tài khoản ảo mà thôi.

Ngay từ thời điểm đó, dù không có chủ đích nhưng mình đã phần nào xây dựng được thương hiệu cá nhân từ những việc nhỏ như vậy.

Động lực thôi thúc mình xây dựng thương hiệu cá nhân không phải để gây sự chú ý hay tạo cơ hội việc làm. Mình đơn giản chỉ muốn thể hiện bản thân một cách tích cực. Mình cũng không muốn hình ảnh của mình trở nên xấu xí trong mắt người khác. Đấy là lý do mình muốn thương hiệu cá nhân của mình thật sự trong sạch.

Cơ duyên nào giúp bạn đến với nghề Blogger cũng như xây dựng Blog cho riêng mình?

Lúc đầu, mình không nghĩ sẽ có một ngày mình trở thành Blogger. Lúc ấy, khi mới chỉ là sinh viên năm 3, mình tình cờ tham gia vào các nhóm cộng đồng viết lách với mục đích chia sẻ những câu chuyện của mình cho mọi người. Rồi mình vô tình đọc được những bài viết về việc kiếm tiền từ viết lách, kinh doanh online, làm Blogger,... và được truyền cảm hứng từ đó. 

Thế rồi, mình bắt tay vào mày mò và lập Blog miễn phí. Sau đó, mình tìm hiểu nhiều hơn về cách kiếm tiền từ Blog. Dần dần mình nhận thấy mình có thể làm được rất nhiều thứ từ Blog và đó là lúc mình đến với nghề này.

Bạn có bao giờ gặp phải những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua hay không?

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với mình đó là khoảng thời gian đầu mình không định hình được phong cách viết. Mình đã thử và làm rất nhiều thứ nhưng cũng vì thế mà mình hoang mang hơn bởi vì mình không biết mình đang theo đuổi điều gì. Đã có lúc mình nản chí và muốn bỏ cuộc đấy.

Con đường theo đuổi nghề Blogger thật ra không màu hồng như nhiều người vẫn nghĩ, nó cần bạn đánh đổi rất nhiều nỗ lực và đặc biệt là sự kiên trì. Bởi lúc đầu bạn sẽ không kiếm được gì từ Blog và cũng không ai biết đến bạn. Lúc ấy, các bạn sẽ rất dễ nản lòng. Nhưng khi nhìn lại tất cả những gì đã nỗ lực và tự hỏi mình có muốn tiếp tục không? Chắc hẳn bạn sẽ muốn tiếp tục bước tiếp và vượt qua được những khó khăn này.

Trên con đường xây dựng thương hiệu cá nhân, bạn làm thế nào để định vị bản thân?

Chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe đến Ikigai. Có thể hiểu nó là 4 vòng tròn, khi mình tìm được hồng tâm của 4 vòng tròn đấy thì có nghĩa là mình đã tìm ra được giá trị sống của mình. Nó giống như lý do để bạn thức dậy mỗi sáng vậy. Thật ra, mình không có đến 4 vòng tròn đâu, mình chỉ có 3 thôi, đó là: Năng lực - Đam mê - Giá trị.

kiem-tien-tu-thuong-hieu-ca-nhan-redbag-002

Để xây dựng thương hiệu cá nhân thì điều quan trọng đầu tiên là năng lực. Bạn phải giỏi một cái gì đấy thì người khác mới tin tưởng bạn. Mình khuyên là bạn nên viết ra giấy hết những lĩnh vực mà bạn giỏi, đừng chỉ nghĩ trong đầu vì nó sẽ rất rối. Ví dụ như khả năng giao tiếp, viết lách giỏi hay nấu ăn ngon,... Nếu bạn không biết mình thật sự giỏi cái gì, bạn nên tham vấn người thân hoặc bạn bè của mình. Đó là một trong những cách giúp bạn biết được điểm mạnh của mình là gì.

Tiếp đến là đam mê, đó có thể là thứ bạn không giỏi nhưng lại là thứ bạn yêu thích. Bởi khi làm một việc mình không yêu thích thì rất dễ nản lòng. Hãy tìm kiếm sự yêu thích từ những việc bạn làm nhé!

Cuối cùng là giá trị bản thân, những điều mà xã hội đang cần ở bạn. Người khác đang gặp vấn đề gì và bạn có thể giải quyết được hay không?

Sau khi liệt kê xong xuôi, giá trị của bản thân sẽ là điểm giao giữa thứ bạn thích, bạn giỏi và thứ xã hội đang cần.

Lộ trình xây dựng thương hiệu cá nhân trong tương lai của bạn là gì?

Dù không bắt buộc bản thân sau này phải trở thành người như thế nào nhưng mình cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn với Blog, mình sẽ đặt KPI cho mỗi tháng như: Bao nhiêu lượt view cho một bài viết? Số lượng người dùng? Phản hồi của người dùng? Đây có thể xem là thước đo để biết mình có đang đi lên không hay chỉ đang dậm chân tại chỗ.

Mình không có lộ trình cụ thể từng bước phải như thế nào nhưng mình nghĩ khi xây dựng những nội dung có giá trị tự khắc thương hiệu cá nhân của bạn sẽ được lan tỏa tự nhiên. Chắc hẳn các bạn sẽ mong muốn nhận được câu trả lời từ mình về việc: Làm thế nào để kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân? Thực chất, tiền sẽ theo sau giá trị, nó chỉ là một công cụ để trao đổi giá trị. Bạn càng có nhiều giá trị để trao đi thì tiền sẽ càng đến với bạn.

kiem-tien-tu-thuong-hieu-ca-nhan-redbag

Bạn có thể bật mí những nguồn thu nhập hiện tại của mình được không? 

Cuối năm thứ nhất, mình đã đi làm thêm và công việc đầu tiên của mình là làm trợ giảng cho một Trung tâm Tiếng Anh. Mình làm công việc này cũng khoảng 1-2 năm và sau đó trở thành giáo viên luôn.

Song mình cũng làm một cô nhân viên văn phòng xử lý dữ liệu Tiếng Anh tại một công ty Thương mại Điện tử. Gần đây nhất mình được mời về làm nhân sự tại một công ty về Tài chính - Chứng khoán. Mình nhận được lời mời này nhờ việc xây dựng thương hiệu cá nhân tốt từ trước. Thật trùng hợp với những gì chúng ta đang nói nhỉ?

Bên cạnh đó, mình còn có nguồn thu nhập thụ động đến từ Blog. Hiện nó chiếm khoảng 40% tổng thu nhập của mình. Mình chủ yếu kiếm tiền từ việc làm Affiliate Marketing. Nghĩa là thông qua việc chia sẻ những sản phẩm mình đang dùng qua các bài viết trên Blog. Độc giả nếu cảm thấy sản phẩm đó hữu ích với họ, họ nhấn vào link mình chia sẻ và mua chúng thì mình sẽ nhận được tiền hoa hồng từ nhãn hàng. Đấy là nguồn thu nhập thụ động đến từ Blog của mình.

Trong tương lai mình sẽ mở rộng thêm việc kiếm tiền từ Blog, bởi mình cũng nhận thấy đây là một kênh rất tiềm năng. Ngoài ra, mình cũng làm Freelancer và nhận viết nội dung cho các website trong lúc rảnh rỗi. Qua công việc này, mình cũng muốn nâng cao hơn kỹ năng viết lách.

kiem-tien-tu-thuong-hieu-ca-nhan-redbag

Làm thế nào để bạn tăng thêm thu nhập từ thương hiệu cá nhân?

Đó là đừng chỉ nghĩ đến tiền. Vì nó sẽ tạo ra loại năng lượng làm người khác né tránh bạn. Bạn nên tạo ra giá trị thật sự hữu ích với mọi người chứ không phải chỉ tạo ra giá trị cho mình. Khi hiểu được những người xung quanh đang cần gì ở mình. Đồng thời tập trung tạo ra những điều phù hợp với đối tượng mình hướng đến. Tự khắc người khác sẽ muốn trả tiền cho những gì bạn xứng đáng nhận được.

Sau cùng, mình muốn đúc kết lại là: “Hãy tập trung tạo ra giá trị và trao đi giá trị rồi bạn sẽ nhận được thứ mình cần.

Quỳnh Anh có thể nói rõ hơn về kế hoạch mở rộng nguồn thu nhập với Blog hay không?

Mình vẫn đang trau dồi bản thân từng ngày để Blog sau này không chỉ là một nơi chia sẻ những thông tin hữu ích mà còn được xem như là một “doanh nghiệp” riêng của mình. Chứ mình sẽ không xác định sẽ đi làm thuê cả đời. Vậy nên ngay từ đầu mình sẽ xác định ngách cho Blog của mình. 

Ví dụ, mình đang muốn xây dựng bản thân là một người chia sẻ và đưa ra những lời khuyên, kinh nghiệm để giúp đỡ các bạn trẻ tháo gỡ những khúc mắc trong cuộc sống. Sau này khi đã đủ khả năng, mình sẽ mở thêm các khóa học liên quan đến kỹ năng hoặc tư vấn. Có lẽ, chúng sẽ giúp mình có thêm nguồn thu nhập từ đó.

Ngoài ra, Blog sẽ giúp mình kiếm thêm tiền từ quảng cáo nếu mình xây dựng được một thương hiệu đủ lớn và tiếp cận được nhiều người. Đấy cũng là kế hoạch sau này mình với Blog “Quanh with GenZ”.

Với đa dạng nguồn thu nhập như hiện tại bạn đã phân bổ chúng như thế nào?
 
Mình thường phân bổ tiền vào một số nguồn chính như:

kiem-tien-tu-thuong-hieu-ca-nhan-redbag

Thông thường với một số người, họ sẽ phân bổ luôn 50-55% thu nhập cho các chi tiêu thiết yếu, mình thì lại không như thế. Mình sẽ dành tháng đầu tiên để liệt kê ra hết các khoản mình đã chi tiêu. Sau đó, mình sẽ tổng kết lại để xem phần chi tiêu trong tháng vừa rồi chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm tổng thu nhập. Đến những tháng sau, mình sẽ để phân bổ đúng số tiền ấy vào quỹ chi tiêu thiết yếu của mình.

Tuy nhiên, khi vừa nhận được lương, mình sẽ không phân bổ tiền ngay quỹ thiết yếu mà sẽ đưa vào quỹ tiết kiệm đầu tiên. Bởi đối với mình, tích lũy cho tương lai là một việc quan trọng. Mình hiện giờ rất quan tâm đến việc tiết kiệm và đầu tư cho kế hoạch tự do tài chính sau này. Có thể mình sẽ dành đến 40% thu nhập cho quỹ tiết kiệm. Với nguồn thu nhập hiện tại mình nghĩ tiết kiệm 40% thu nhập sẽ không quá sức với mình. 

Sau cùng, mình mới phân bổ tiền lần lượt vào các quỹ còn lại và chỉ chi tiêu trong hạn mức cho phép.
 
Mình cũng đặc biệt quan tâm đến quỹ giáo dục bởi nếu muốn tăng thu nhập thì việc đầu tư vào kiến thức và kỹ năng của bản thân cũng cực kỳ quan trọng. Chỉ cần các bạn có tư duy tích lũy và đầu tư, không chỉ đầu tư tài chính như chứng khoán hay mua vàng mà đầu tư vào chính bản thân mình cũng sẽ giúp cải thiện nguồn thu nhập hiệu quả. Hiện mình dành khoảng 10-20% thu nhập cho quỹ này.

Cuối cùng, đó là quỹ cá nhân, mình nghĩ nhiều người sẽ cho rằng không cần thiết phải có quỹ cá nhân, nhưng mình thì ngược lại. Đôi lúc chúng ta cũng cần giải trí sau mỗi giờ làm việc căng thẳng và mệt mỏi. Chẳng hạn như xem phim, nghe nhạc hay đọc sách,... Quỹ cá nhân này sẽ giúp mình có thêm nguồn năng lượng mới để tiếp tục làm việc và kiếm tiền.

Bạn học được cách phân bổ này từ đâu? Bạn có thể chia sẻ thêm về quỹ khẩn cấp của mình được không?

Mình học được từ chú Hiếu Nguyễn khi chú chia sẻ về hành trình tự do tài chính. Để nói về quỹ khẩn cấp thì đây không phải khoản tiền mình có thể rút ra rút vào bất kỳ lúc nào mình muốn, nó chỉ dành cho những vấn đề khó khăn thật sự mà mình không thể làm gì hơn. Chẳng hạn như tai nạn, thất nghiệp, bệnh tật,... Đây có thể xem như là khoản phòng thân cho mình vậy.

Quỹ khẩn cấp này sẽ bằng 6-12 tháng tiền chi tiêu tối thiểu của mình. Nghĩa là mỗi tháng mình chi tiêu khoảng 3.000.000 x 12 tháng = 36.000.000 thì đây là con số dành cho quỹ khẩn cấp của mình.

Mình nghĩ còn một khoản tiền nữa cũng rất quan trọng đó là quỹ dành cho những kế hoạch trong tương lai như mua laptop, mua xe hoặc đi du lịch,.. Giả sử, bạn muốn mua laptop với giá 20.000.000 đồng trong vòng 6 tháng tới, bạn sẽ tính xem là mỗi tháng mình cần bỏ vào quỹ này khoảng bao nhiêu tiền, bằng cách lấy 20.000.000 chia cho 6, bạn sẽ có được con số cụ thể.

Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là bạn cần làm đầy quỹ khẩn cấp trước nhé. Khi bạn đã lấp đầy hết các quỹ rồi thì hãy để tiền vào đầu tư để tiền sinh sôi hơn.

kiem-tien-tu-thuong-hieu-ca-nhan-redbag

Được biết Quỳnh Anh là một người trẻ luôn sống có mục tiêu và làm việc theo kế hoạch. Đây có phải là lý do chính giúp bạn đạt được thành công như hiện tại hay không?

Hiện tại, mình vẫn chưa thể nói tất cả những gì mình đạt được đều là thành công. Vì mình vẫn đang cố gắng rất nhiều cho những mục tiêu xa hơn. Để mà nói cụ thể, mình nghĩ mục tiêu và kế hoạch là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công. Bên cạnh đó, thành công còn đến từ sự may mắn và nỗ lực. Đặc biệt, mình thấy khá thích câu nói “may mắn từ những nỗ lực”. Nó chứng minh hai điều quan trọng để đạt được thành công, một là luôn có mục tiêu và hai là nỗ lực hết mình.

Có thể ngay từ đầu bạn chỉ có một mục tiêu duy nhất nhưng không có nghĩa rằng bạn chỉ đạt được mỗi mục tiêu đấy. Trên con đường bạn cố gắng và nỗ lực, bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội mới và thành công sẽ đến trong những lúc không ngờ tới.

Bạn thường xuyên đề cập đến việc đầu tư kiến thức và kỹ năng cho bản thân mình. Thế nhưng giữa vô vàn những khóa học được quảng cáo hiện nay, bạn làm thế nào để tìm thấy một khóa học chất lượng và phù hợp?

Tiêu chí để mình chọn lựa một khóa học phù hợp đó là:

Căn cứ vào nhu cầu bản thân để biết mình muốn học cái gì, mình còn thiếu điều gì để tìm kiếm khóa học phù hợp.

Giả sử mình muốn học về Blog toàn diện, mình sẽ không hướng đến các khóa học về Content, Marketing hay một ngách nào cụ thể mà mình sẽ tìm đến các khóa học tổng hợp. Tuy nhiên, mình nghĩ tham khảo trên mạng thôi chưa đủ, chúng ta cũng nên lắng nghe ý kiến từ bạn bè và người thân của mình. Thật ra, những nơi mình đang học đều tham khảo từ người thân là chính.

Tìm hiểu sâu về khóa học mình muốn đăng ký.

Ví dụ như người tổ chức khóa học này là ai? Nội dung họ mang đến là gì? Mình sẽ không đăng ký ồ ạt nhiều khóa học cùng lúc để rồi không có thời gian học sẽ rất phí. Theo đó, mình sẽ từ từ nghiên cứu và theo dõi một thời gian để biết người ta đang chia sẻ những gì? Họ có đang tập trung truyền tải những kiến thức bổ ích và có giá trị hay không hay chỉ đang bán khóa học? Khi mình quan sát đủ lâu và cảm thấy hệ giá trị của họ phù hợp với những gì mình đang theo đuổi, mình sẽ đăng ký học ngay.

Không biết bạn quản lý thời gian của mình như thế nào để cân bằng cuộc sống và công việc nhỉ?

Mình cũng thấy khá nhiều bạn thắc mắc về điều này (cười). Thật ra, mình sẽ phân bổ thời gian tham gia các hoạt động theo giai đoạn chứ không bắt đầu làm nhiều thứ cùng một lúc.

Ví dụ vào khoảng thời gian đầu khi còn là sinh viên, mình sẽ không nghĩ ngay đến chuyện đi làm thêm bởi vẫn còn chưa quen với môi trường mới. Sau khi thích nghi dần với mọi thứ, mình mới tham gia vào các câu lạc bộ để trau dồi kỹ năng và mở rộng mối quan hệ. Đến khoảng cuối năm nhất, mình mới nghĩ đến chuyện đi làm thêm để nâng cao kỹ năng thực tế.

Mình luôn phân chia từng hoạt động theo một khoảng thời gian cụ thể đủ để mình quen dần. Tuy nhiên, mình cũng không thuộc tuýp người nếu làm cái này rồi thì sẽ bỏ cái kia. Mà mình sẽ cố gắng sắp xếp và cân bằng mọi thứ để chúng không quá tải với mình.

kiem-tien-tu-thuong-hieu-ca-nhan-redbag

Tóm lại khi nói về kỹ năng quản lý thời gian mình nghĩ nó cũng giống như việc phân bổ chi tiêu vậy. Mình sẽ:

Xem xét hiện tại mình dành thời gian cho những việc gì?

Mỗi người sẽ có hoàn cảnh sống, công việc và các mối quan hệ khác nhau. Do đó, chúng ta không thể nào áp dụng 100% những nguyên tắc quản lý thời gian của người khác vào mình nếu như chưa hiểu thời gian của bản thân.

Ghi chép và tổng hợp lại quỹ thời gian

Ví dụ như bạn ăn uống hết bao nhiêu tiếng? Lướt web hết bao nhiêu giờ? Nhiều bạn thường nói với mình rằng khi lên đại học, họ chẳng còn nhiều thời gian dành cho bản thân ngoài việc học và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thế nhưng, đến khi tổng kết lại thời gian trong một ngày, nhiều người mới tá hỏa là mình đã tiêu tốn hết thời gian cho việc lướt web, chơi game,... còn nhiều hơn cả việc học.

Phân bổ thời gian hợp lý

Khi bạn đã biết được mình dành thời gian cho những việc nào cần thiết và không cần thiết? Bạn mới bắt đầu phân bổ lại thời gian của mình cho thật hợp lý. Hãy hỏi mình có muốn dành thời gian cho việc nào khác nữa hay không?

Như mình sẽ dành 50% thời gian cho việc học và nghiên cứu trên lớp, 20% cho các hoạt động ngoại khóa, 20% thời gian làm thêm và cuối cùng quỹ thời gian cá nhân sẽ chiếm 10%.

Mình nghĩ đối với sinh viên, không nhất thiết phải đi làm thêm từ sớm. Bạn có thể tham gia vào các câu lạc bộ để xây dựng mối quan hệ và nâng cao kỹ năng mềm cho mình. Mình thấy đa phần sinh viên khi đi làm đều thiếu kỹ năng mềm khá nhiều. Chúng ta có đến tận 4 năm thanh xuân, nhìn thì thấy dài nhưng thật sự nó trôi qua rất nhanh. Thay vì mải miết đi làm thêm kiếm tiền, mình nghĩ chúng ta nên dành thời gian để trau dồi bản thân trước khi đi làm. Bởi sau này chúng ta có cả đời để đi làm nhưng thanh xuân để học hỏi và trải nghiệm thì rất ngắn.

Mình nói như vậy không có ý đánh giá thấp chuyện đi làm thêm, mình chỉ mong muốn các bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tham gia các hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, mình cũng khuyến khích các bạn nên lựa chọn những công việc bỗ trợ cho việc học của mình. Điều này không chỉ giúp bạn phát triển bản thân, tăng thu nhập mà không bị tốn thời gian cho các công việc khác không liên quan. Đó là bí quyết giúp mình cân bằng thời gian hiệu quả.

Sau cùng, bạn có lời khuyên nào muốn dành cho độc giả của RedBag về việc kiếm thêm thu nhập từ thương hiệu cá nhân hay không?

Mình nghĩ điều quan trọng trước tiên đó là các bạn phải hiểu được mình. Hiểu mình có gì và nên trao giá trị gì cho người khác. Thương hiệu cá nhân là tổng hòa của năng lực, giá trị bạn trao đi và tần suất bạn xuất hiện trước mặt mọi người. Đấy là điều đầu tiên các bạn cần phải xác định.

Song để kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân còn là cả một quá trình và mình khuyên các bạn đừng nên vội. Khi xây dựng thương hiệu cá nhân đừng chỉ nghĩ đến tiền. Nếu bạn chỉ chăm chăm nghĩ đến tiền khi làm điều gì đó cho người khác, họ sẽ nhận thấy được mục đích của bạn và tránh xa. Như mình đã nói, khi bạn trao đi giá trị thực sự, bạn sẽ nhận được thêm nhiều giá trị khác. Hãy nghĩ đến giá trị mà bạn mang đến cho cộng đồng!

Một lần nữa RedBag rất cảm ơn về những lời chia sẻ đầy bổ ích và giá trị từ Quỳnh Anh. Chúc bạn sẽ luôn giữ được “lửa” trong các dự án của mình cũng như trao đi nhiều giá trị hơn cho cộng đồng.

Nhìn quanh để biết” là series phỏng vấn người thật việc thật về những vấn đề quen thuộc xoay quanh tài chính cá nhân. Thông qua chia sẻ của các khách mời, RedBag hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được những mẹo hay để ứng dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình.

RedBag

Bài viết mới nhất

Xem tất cả

Bài viết đọc nhiều

Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!

Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN