redbag.vn

Làm thế nào để đạt được tự do tài chính càng sớm càng tốt?

RedBag Team
26/09/2021

Tự do tài chính không phải là một tờ vé số, giữa hàng triệu người thì may mắn có người giành được giải độc đắc. Tự do tài chính phải là một bản kế hoạch của cuộc sống mà chúng ta có thể tạo lập và hiện thực hóa chúng. 

Vậy bạn mong chờ gì ở bài viết dưới đây? Một bản kế hoạch hoàn hảo được thiết lập sẵn dành cho bạn? Không. RedBag sẽ ở đây để gợi mở cách thức giúp bạn xây dựng được kế hoạch tự do tài chính cho riêng mình. Hãy cùng theo dõi và không bỏ sót bất kỳ phần nào dưới đây nhé.

Tự do tài chính là gì?

Khoan chưa bàn tới tự do tài chính là gì? RedBag muốn bạn thật sự hiểu rõ về khái niệm “Tự Do” trước. Bởi hầu hết mọi người đều mong muốn được tự do nhưng vẫn còn nhầm lẫn về khái niệm này.

Thực chất, tự do không phải là cách sống buông thả, không có kỷ luật, giới hạn nào. Tự do là một khái niệm dùng trong triết học chính trị, mô tả tình trạng cá nhân hoặc tổ chức không chịu sự ép buộc bởi bất kỳ ai, có cơ hội để lựa chọn và hành động theo đúng ý chí và nguyện vọng của mình.

Theo đó, tự do tài chính cũng mang khái niệm tương tự.

Hiểu đơn giản, tự do tài chính là trạng thái có đủ nguồn tiền để chi trả hoặc đưa ra các quyết định mà không vướng bận bất kỳ điều gì.

lam-the-nao-de-dat-duoc-tu-do-tai-chinh-cang-som-cang-tot-redbag

Nếu đọc đến đây, bạn vẫn còn đang mơ hồ về khái niệm tự do tài chính thì hãy dành vài phút đọc qua câu chuyện sau đây.

Câu chuyện Pablo đến với tự do tài chính

Ở một ngôi làng nhỏ xa xôi, có hai người bạn tên là Pablo và Bruno. Cả hai đều là những người đi làm thuê gánh nước, nhưng luôn mong muốn có được cuộc sống sang giàu, hạnh phúc.

Bruno, chàng trai hiền lành và chăm chỉ. Anh ấy rất hài lòng với công việc hiện tại và tin chắc rằng một ngày nào đó anh có thể đạt được những gì mình mong muốn. Vậy nên, để tăng thu nhập, Bruno dùng những xô nước lớn hơn và đi nhiều chuyến hơn. 

Đây cũng là cách mà chúng ta thường chọn: Làm việc nhiều hơn và dùng thời gian để đổi lấy tiền bạc.

Ngược lại, Pablo lại không quá hài lòng với công việc của mình. Vì sau mỗi lần làm việc liên hồi, Pablo đều cảm thấy nhức mỏi và mệt nhoài. Chợt Pablo nghĩ về một ngày nào đó khi anh sẽ không thể dùng sức và thời gian để kiếm tiền được nữa. Vậy anh sẽ phải làm gì để nuôi sống mình?

Suy nghĩ đó thôi thúc anh xây dựng nên một hệ thống dẫn nước về làng. Thay vì phải gánh nước như trước, hệ thống này có thể giúp anh kiếm tiền ngay cả khi anh đang ngủ. Miễn sao nước vẫn chảy qua hệ thống của anh thì nguồn thu nhập vẫn sẽ được bảo đảm duy trì.

Bạn thấy đấy, Pablo đã đạt được tự do tài chính cho riêng mình bằng cách tạo ra nguồn thu nhập không bị gián đoạn. Anh ấy đã có thể sống cuộc sống mình muốn mà không cần bận tâm đến tiền bạc.

Có thể bạn đang nghĩ: Để đạt được tự do tài chính như Pablo thật dễ dàng? Câu trả lời có lẽ sẽ khiến bạn thất vọng, đó là: Không hề dễ dàng như bạn nghĩ.

Để nghiên cứu và phát triển thành công hệ thống dẫn nước này, Pablo đã phải nỗ lực gấp đôi, thậm chí gấp ba những người khác. Pablo cũng phải hy sinh thời gian, những thú vui, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu và chủ động trong thu nhập. Sau cùng mới thành công bước đến con đường tự do tài chính của riêng mình.

Cũng giống như Pablo, hành trình đến với tự do tài chính của mỗi người cũng cần có sự kiên trì, chấp nhận hy sinh một vài nhu cầu trước mắt và có kế hoạch tài chính rõ ràng mới có thể đạt được mục tiêu mình mong muốn.

Vậy ngoài Pablo, ai trong chúng ta có thể đạt được tự do tài chính?

Ai có thể đạt được tự do tài chính?

Bất kỳ ai cũng có thể đạt được tự do tài chính. Dù bạn là người bình thường, có thu nhập thấp, làm công ăn lương,... Miễn là bạn có kỷ luật cao trong việc kiểm soát chi tiêu, tiết kiệm, biết cách đầu tư thông minh, hiệu quả thì cơ hội đạt được tự do tài chính sẽ không bao giờ vượt quá tầm với.

Tuy nhiên, những người không thể hoặc không muốn tiết kiệm. Đồng thời, không biết hy sinh những nhu cầu trước mắt vì mục đích tài chính lâu dài sẽ rất khó đạt được tự do tài chính.

Trường hợp, bạn cảm thấy đủ với số tiền mình kiếm được và hài lòng với công việc hiện tại. Vậy bạn cũng không cần nhất thiết phải đạt được tự do tài chính.

Trào lưu FIRE và con đường đi đến tự do tài chính

Khi nói đến tự do tài chính, không thể không nhắc đến một trào lưu đang phát triển mạnh mẽ hiện nay đó là FIRE.

FIRE viết tắt cho Financial Independence (Độc lập tài chính)Retire Early (Về hưu sớm). Đây là một trào lưu sống hướng tới mục tiêu làm chủ hoàn toàn về tài chính.

Mục tiêu này được thực hiện bằng cách tiết kiệm và đầu tư từ 50 - 70% thu nhập. Cho đến khi số tiền bạn có được bằng khoảng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm. Khi đó, bạn đạt được tự do tài chính.

FI = Số tiền tiêu hàng năm x 25

Ví dụ, một gia đình trung bình chi tiêu tối thiểu hết 180 triệu đồng/năm (15 triệu đồng/tháng). Vậy con số để gia đình này đạt được tự do tài chính đó là:

180.000.000 x 25 = 4.500.000.000 (4 tỷ 500 triệu đồng).

Nào bây giờ! Bạn hãy thử lấy giấy bút và máy tính ra, tính toán xem con số để đạt được tự do tài chính của mình là bao nhiêu nhé.

trao-luu-fire-va-con-duong-di-den-tu-do-tai-chinh-redbag-002

Vậy làm thế nào để đạt được FI? Nên nhớ, FI trong trào lưu này mang ý nghĩa hoàn toàn giống với tự do tài chính.

Phần lớn người theo đuổi FI đều dựa vào quy tắc 4%

Quy tắc này xuất phát từ một cuốn sách xuất bản năm 1994 của nhà tư vấn tài chính William Bengen. Khi nghiên cứu về chứng khoán, ông đã tìm kiếm được con số 4% này nhằm chứng minh nó phù hợp và an toàn để rút tiền đầu tư, ngay cả khi nó đang trong giai đoạn thị trường khủng hoảng.

Nghĩa là, sau khi tính toán được con số FI cho mình. Bạn dùng số tiền này để đầu tư, thu lãi ròng. Hằng năm, nếu bạn rút ra khoảng 4% số tiền đầu tư này để sống thì khoản tiền của bạn cũng không vơi đi quá nhiều. Nói cách khác, bạn không cần thiết phải cật lực đi làm để có thu nhập nữa. 

FIRE vì thế tạo cơ hội để bạn nghỉ hưu sớm hơn.

Đạt được tự do tài chính có thể giúp bạn nghỉ hưu sớm

Cũng trong trào lưu FIRE, một khi đạt được FI, bạn thực chất không cần phải đi làm và phụ thuộc vào đồng lương hàng tháng để sinh tồn nữa. Bởi vậy, bạn hoàn toàn có đủ điều kiện để có thể nghỉ hưu sớm hơn trước 40 hoặc 50 tuổi, tùy vào kế hoạch tiết kiệm và đầu tư của mình.

Tuy nhiên, không phải ai khi đạt được FI cũng về hưu sớm với ý nghĩ truyền thống là không làm gì, chỉ nghỉ ngơi, nằm một chỗ để hưởng thụ mỗi ngày,...

tu-do-tai-chinh-va-nghi-huu-som-redbag-003

Phần lớn người thành công với FIRE sau khi về hưu đều theo đuổi những sở thích, thực hiện những ước mơ riêng mà ngày trước mình đã không thể làm được. Chẳng hạn như viết sách, vẽ tranh, trồng hoa, khám phá những miền đất mới,... Có người lại tiếp tục chọn cách quay trở lại công việc bình thường vì yêu thích và không muốn rời bỏ vị trí của mình.

Điểm khác biệt lớn nhất ở đây là một khi đạt được FI, bạn không bị buộc làm bất cứ điều gì vì đồng tiền, vì miếng cơm, manh áo,... Bạn làm chỉ vì bạn yêu thích.

Đó cũng là lý do vì sao trào lưu FIRE và quan điểm tự do tài chính tại Việt Nam mang cùng một ý nghĩa như nhau. Bởi nó mở ra cho những người bình thường một hướng đi tài chính mới, một cơ hội để tự mình thiết kế cuộc sống theo cách riêng. Đó cũng chính là giá trị quan trọng nhất của tự do tài chính.

Tự do tài chính là điều mà ai cũng muốn, nhưng không phải ai cũng biết cách đạt được nó. Phần tiếp theo của bài viết sẽ giúp bạn tìm thấy rõ hướng đi cho mình.

5 bước quan trọng để giúp bạn đạt được tự do tài chính

Bước 1: Trả hết toàn bộ nợ nần

Trong quyển sách “7 bước tiến tới tự do tài chính”, tác giả Dave Ramsey đã nhấn mạnh đến việc trả hết toàn bộ nợ nần sẽ giúp bạn đến gần hơn với tự do tài chính.

Nhiều người có thể tranh luận rằng nếu khoản tiền lãi suất phải trả cho nợ nần thấp hơn khoản tiền lãi nhận được khi đầu tư. Vậy tại sao không giữ nợ để tập trung kiếm tiền từ đầu tư?

  •  Nợ nần không phải là một cảm giác tuyệt vời. Bạn nghĩ thế nào khi thu nhập hàng tháng của mình đều dành ra một khoản lớn để trả nợ? Đồng thời, khi mang trạng thái nợ nần kéo dài trong một khoảng thời gian, bạn sẽ dễ cảm thấy chán nản và trở nên áp lực. Càng trong tâm thế vay nợ nghĩa là bạn đang không tự do tài chính.
  • Bạn chưa tính đến mức độ rủi ro khi khoản đầu tư gặp phải thất bại? Không phải ai cũng chắc chắn công việc đầu tư của mình sẽ thành công. Lúc này, bạn không phải quay trở về con số 0 nữa mà có khi đang bắt đầu lại ở con số âm, nợ chồng thêm nợ. 
  • Nên tách bạch được quan điểm đầu tư để đạt được tự do tài chính sẽ khác với đầu tư làm giàu. Khoản đầu tư để đạt được tự do tài chính là khoản đầu tư dài hạn và an toàn ngay cả khi nền kinh tế xoay chuyển. Nó đi từ việc bạn tiết kiệm và tích lũy dần để đầu tư. Chứ nó không phải là khoản đầu tư sinh lời cao mà bạn luôn trong tâm thế vay nợ để kiếm tiền.

tra-het-toan-bo-no-nan-de-tu-do-tai-chinh-redbag-004

Vậy nên, trong phương pháp SnowBall, Dave Ramsey cũng lần lượt đưa ra các bước giải quyết dứt nợ nần như sau:

Thứ nhất: Lập danh sách cho tất cả các khoản nợ của bạn và sắp xếp chúng từ nhỏ đến lớn theo thứ tự tăng dần, không cần cân nhắc lãi suất.

Lưu ý:

  • Khi bạn có hai khoản nợ có cùng số tiền đến hạn thì liệt kê khoản có lãi suất cao nhất trước.
  • Hãy ngồi xuống và chia sẻ về vấn đề hiện tại của bạn với người thân, để gia hạn thêm các khoản nợ không lãi suất. Tập trung trả trước các khoản nợ từ ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, để không phải chịu lãi suất cao về sau. Tuy nhiên, cần hết sức chú ý về thời gian đã gia hạn từ trước đó với người thân và tuyệt đối đừng đánh mất lòng tin của những người đã giúp đỡ bạn lúc khó khăn này.

Thứ hai: Bắt đầu trả dứt điểm khoản nợ nhỏ nhất, với những khoản nợ còn lại, bạn chỉ cần thanh toán ở mức tối thiểu được yêu cầu để không bị rơi vào nợ xấu.

Thứ ba:  Khi khoản nợ đầu tiên được trả hết, bạn sẽ chuyển sang khoản nợ thứ hai (bây giờ đây là khoản nhỏ nhất). Những khoản còn lại cũng trả theo mức tối thiểu.

Thứ tư: Lặp lại cho đến khi tất cả các khoản nợ của bạn được thanh toán hoàn toàn.

Điểm đặc biệt của phương pháp này đó là nhắm mục tiêu trả dứt nợ đến khoản vay thấp nhất. Nếu đổi ngược lại, bạn có thể sẽ bị mắc kẹt với một số tiền nợ khổng lồ trong một thời gian dài. 

Ngoài ra, việc trả dứt nợ cho khoản vay đầu tiên sẽ mang lại kết quả tức thì. Đồng thời, thúc đẩy bạn tiếp tục xóa bỏ từng khoản vay một. Vào thời điểm thanh toán cho các khoản nợ cao hơn nghĩa bạn cũng đã giải phóng được nhiều tiền hơn trước. Khi bạn nhìn thấy rõ khoản nợ giảm mạnh bạn sẽ có động lực bước đến gần hơn với tự do tài chính.

Bước 2: Tính toán con số đạt được tự do tài chính cho riêng mình

Bạn cần có bao nhiêu tiền để trở nên tự do tài chính? Hãy nhớ tới quy tắc 4% và công thức: Số tiền tiêu hằng năm x 25

Một khi đã có con số của mình, bạn mới có thể tính toán là mình cần bao nhiêu năm để đạt được tự do tài chính? Theo đó, thiết lập sẵn cho mình mục tiêu cụ thể và một kế hoạch tài chính rõ ràng.

Bước 3: Theo dõi và kiểm soát chi tiêu

Đây là giai đoạn quan trọng không chỉ dành cho người muốn đạt được tự do tài chính mà còn dành cho bất kỳ ai đang tự mình quản lý tài chính cá nhân. Kiểm soát chi tiêu ở đây là việc bạn nắm rõ tình hình tài chính của mình. Đồng thời, biết cách chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được nhằm tiết kiệm hiệu quả.

Vậy nên để kiểm soát chi tiêu hiệu quả, việc bạn cần làm ngay từ bây giờ đó chính là ghi lại các khoản đã chi theo các mục sau:

  • Tên của món đã chi trả.
  • Thời gian chi.
  • Tổng số tiền đã chi tiêu.

Bạn có thể chọn ghi chú trong sổ tay hoặc thông qua ứng dụng trên điện thoại. Hãy nhớ ghi lại toàn bộ và tuyệt đối không bỏ sót bất kỳ khoản nào. Vì sẽ có một số loại chi phí thoạt nhìn bạn sẽ nghĩ nó quá nhỏ và không đáng ghi vào. Nhưng sau khi tổng hợp lại bạn sẽ nhìn rõ được nó đang chiếm một khoản tiền chi tiêu không hề nhỏ. Đây sẽ là cách giúp bạn đưa ra được nhận định chính xác hơn.

liet-ke-chi-tiet-thu-chi-redbag-005

Tiếp theo, lập một bảng tính để phân loại chi phí, khác với bước đầu chúng ta chỉ đang thu thập dữ liệu mà thôi. Bạn có thể sử dụng bảng tính của Excel hoặc bất kỳ công cụ thống kê nào mà bạn quen thuộc.

Phương pháp phân loại đơn giản nhất là chia nó thành 3 nhóm: 

  • Nhóm 1: Nhóm chi tiêu bắt buộc.
  • Nhóm 2: Nhóm chi tiêu không cần thiết (tiệc tùng, ăn nhậu, shopping ngẫu hứng,...).
  • Nhóm 3: Nhóm chi tiêu đầu tư cho bản thân (tập gym, mua sách, mua khóa học,...).

Sau khi đã thu thập và phân loại đầy đủ các khoản chi tiêu, bạn cũng cần thống kê lại các khoản thu nhập sau thuế của mình. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra so sánh và cân bằng thu chi hiệu quả.

Cách tốt nhất là bạn vẫn nên kiểm soát chi tiêu làm sao để vừa đảm bảo đáp ứng đầy đủ cho những nhu cầu cấp thiết. Song cũng vừa đạt được mức tiết kiệm 50-70% cho mục tiêu tự do tài chính của mình.

Bước 4: Thiết lập dòng tiền và tích lũy

Khi thực hiện các bước trên, đặc biệt là giai đoạn kiểm soát chi tiêu và tiết kiệm, bạn cần phải có tính kiên nhẫn và kỷ luật cao. Nếu không kiên nhẫn bạn rất khó có thể đến được bước này. Đây là bước tăng tốc giúp bạn đến gần hơn với tự do tài chính thông qua việc tăng thu nhập và tích lũy đầu tư.

Phương pháp hữu hiệu nhất chính là đưa dòng tiền của mình vào 3 quỹ sau:

Quỹ khẩn cấp (Emergency Fund)

Quỹ khẩn cấp thường được sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng như bệnh tật, thất nghiệp,... Theo đó, nên dành ra bao nhiêu tiền là phù hợp cho một quỹ khẩn cấp? 

Lời khuyên từ các chuyên gia tài chính đó là bạn nên dành tối thiểu 6 tháng hoặc lý tưởng hơn là 12 tháng tiền tiết kiệm riêng dành cho quỹ này. Giả sử, một tháng bạn kiếm được 30 triệu, chi tiêu tối thiểu 20 triệu, còn lại 10 triệu dành cho quỹ khẩn cấp. Bạn có thể lập riêng một tài khoản ngân hàng dành cho quỹ này và nên để nó khuất càng xa càng tốt. Tránh dùng nó cho việc chi tiêu không cần thiết.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt lệnh chuyển khoản hàng tháng, để mỗi khi có lương, số tiền này sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản khẩn cấp của bạn. Vậy là bạn không cần phải bận tâm đến nó nữa.

Quỹ chìm (Sinking Fund)

Quỹ này thường được sử dụng cho những mục đích nhất định ở tương lai. Có hai cách để thiết lập dòng tiền cho quỹ chìm (Sinking Fund):

  • Một là nó sẽ phụ thuộc vào kế hoạch sắp tới mà bạn cần phải chi. Từ đó tính ra được con số cần thiết.
  • Hai là nếu bạn chưa có kế hoạch cần chi những gì cho tương lai, bạn có thể đặt mục tiêu từ 3 - 6 tháng tiền tiết kiệm. Để khi nào bạn cần dùng đến bạn có thể lấy nó ra và sử dụng cho mục đích của mình.

Quỹ đầu tư (Investment)

Đây là quỹ sử dụng cho các hoạt động đầu tư hiệu quả. Với quỹ đầu tư này, bạn càng đưa nhiều tiền vào thì càng tốt.

Lưu ý, khi đưa dòng tiền lần lượt vào các quỹ, bạn cần lấp đầy quỹ khẩn cấp trước rồi đến quỹ chìm, sau cùng mới là quỹ đầu tư. Vì đây chính là hai lớp bảo vệ cho dòng tiền của bạn. Để khi xảy ra bất kỳ rủi ro nào trong đầu tư, bạn cũng có riêng cho mình một khoản tiền vững chắc nhằm có đủ thời gian xoay sở, lấy lại sự ổn định.

Tuy lúc này, khi thực hiện kế hoạch tự do tài chính của mình, bạn có thể không còn được sống thoải mái như lúc trước nữa. Nhưng kể từ nay, bạn sẽ sống với một tâm trạng vững chãi hơn về tài chính, tâm trí cũng thoải mái hơn.

Bạn sẽ dễ dàng đưa ra được nhiều lựa chọn hơn cho cuộc sống của mình mà không cần phải bận tâm bất kỳ điều gì. Đó là một điều xa xỉ mà không phải ai cũng có. Hơn hết, nó còn là giá trị đích thực mà tự do tài chính mang lại cho bạn so với cuộc sống lúc nào loay hoay, chật vật với số tiền kiếm được mỗi tháng. 

Bước 5: Đừng quên tìm cho mình một sở thích khi đã sẵn sàng “nghỉ hưu sớm”

Trong cuốn sách “5 điều nuối tiếc nhất của người đang hấp hối”, nữ y tá Bronnie Ware đã chia sẻ về khoảng thời gian chăm sóc và gần gũi với những bệnh nhân ở giai đoạn cuối. Được nghe họ kể về những điều trăn trở hay nuối tiếc vì đã không làm được khi còn khoẻ mạnh.

Điều tiếc nuối phổ biến nhất đó là: “Ước gì tôi đã để bản thân mình được sống hạnh phúc hơn”. Dẫu sao thì hạnh phúc cũng là một sự lựa chọn. Bạn có thể chọn cách sống mà bạn muốn, nhận ra được giá trị của bản thân chứ không phải sống theo sự mong đợi của bất kỳ ai.

Vậy tại sao chúng ta không thể sống hạnh phúc hơn mỗi ngày, bằng cách đạt được tự do tài chính càng sớm càng tốt. Để rồi có thêm nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình, cho những dự định mà từ lâu bạn đã ấp ủ,...

tu-do-tai-chinh-tu-do-lam-dieu-minh-thich-redbag-006

Một khi đã đạt được tự do tài chính, hãy làm những việc mà từ trước đến nay bạn chưa thể làm được. Đó có thể là:

  • Theo đuổi công việc bạn yêu thích, một Travel Blogger (người làm nội dung sáng tạo về du lịch), một đầu bếp thực thụ hay mở cửa hàng kinh doanh món đồ Handmade nào đó,... 
  • Dành nhiều thời gian bên cạnh những người thân yêu, cùng nhau đi du lịch để tận hưởng cuộc sống và khám phá những điều mới mẻ.
  • Học thêm một kỹ năng mới theo sở thích, chẳng hạn như đàn, hát, vẽ tranh, thiết kế, viết lách, nấu ăn,...
  • Làm từ thiện hoặc tham gia các hoạt động xã hội.
  • Tập thể dục, chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, hãy lên sẵn kế hoạch này khi bạn đã sẵn sàng nghỉ hưu. Đừng đợi đến lúc bắt đầu mới nghĩ. Vì thời gian là điều trân quý hơn bao giờ hết.

Kết

Dù kế hoạch về tự do tài chính của mỗi người có thể sẽ khác nhau. Nhưng tựu trung lại, những người đang theo đuổi tự do tài chính đều hiểu rõ rằng:

Thứ nhất, tự do tài chính không phải là một kết quả tình cờ, càng không phải là việc nếu nhớ đến thì mới làm. Tự do tài chính là một kế hoạch của cuộc sống. Mà ở đó việc chi tiêu tiết kiệm và tích lũy đầu tư là điều quan trọng không thể thiếu.

Thứ hai, tự do tài chính không phải cứ muốn là sẽ có được. Nó là cả một quá trình mà bạn cần phải phấn đấu, kiên trì và chấp nhận hy sinh những nhu cầu trước mắt vì mục đích lâu dài. 

Thứ ba, bạn nên nhớ một điều là bất kỳ ai cũng có thể kiếm được tiền. Nhưng chỉ những người khôn ngoan mới muốn tiền của họ làm việc thay cho mình, để họ có được thời gian tận hưởng cuộc sống thật sự.

Lời khuyên ở đây là: Nếu muốn đạt được tự do tài chính, không có cách nào khác là chúng ta phải có kế hoạch đạt được nó càng sớm càng tốt. Bạn sẽ bắt đầu ngay bây giờ hay là không bao giờ?

Đừng quên truy cập vào RedBag mỗi ngày để đón xem nhiều bài viết mới và thú vị về tài chính nhé!