BlogTài chính cá nhânRecap sự kiện: “Khởi động 2022 - Xóa bỏ những sai lầm trong tài chính cá nhân”

Recap sự kiện: “Khởi động 2022 - Xóa bỏ những sai lầm trong tài chính cá nhân”

RedBag Team 26/01/2022
Loading...
  1. 1. Phần 1: Khách mời chia sẻ về những sai lầm thường gặp của cá nhân trong quản lý tài chính
    1. 1. Sẽ thế nào nếu không có kiến thức cơ bản về tài chính - Vi Trần
    2. 2. Mẹo tiết kiệm và sinh lời hiệu quả - My Dương
    3. 3. Tâm lý FOMO trong đầu tư chứng khoán - Nguyễn Tuấn Anh
  2. 2. Phần 2: Q&A (Hỏi - Đáp)

Chủ nhật ngày 23/01/2022 vừa qua, sự kiện “Khởi động 2022 - Xóa bỏ những sai lầm trong tài chính cá nhân” do RedBag tổ chức đã diễn ra thành công và thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia. 

Sự kiện mang đến những thông tin bổ ích xoay quanh các vấn đề về thu chi, tiết kiệm và đầu tư. Nhằm giúp mọi người xóa bỏ được những thói quen sai lầm trong kiểm soát tiền của cá nhân.

Đến với sự kiện lần này, các bạn trẻ đã có cơ hội lắng nghe những chia sẻ tâm huyết đến từ 3 vị khách mời vô cùng đặc biệt:

xoa-bo-nhung-sai-lam-trong-tai-chinh-ca-nhan-redbag

Hãy cùng RedBag theo dõi những nội dung chính diễn ra trong sự kiện: “Khởi động 2022 - Xóa bỏ những sai lầm trong tài chính cá nhân” ngay sau đây.

>>>Top Cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả: Kiến thức & Quy tắc

Phần 1: Khách mời chia sẻ về những sai lầm thường gặp của cá nhân trong quản lý tài chính

Sai lầm đầu tiên đó là việc không trang bị kiến thức quản lý tài chính cho mình. Nhiều người thường nghĩ đó là những kiến thức và kỹ năng không mấy quan trọng, thậm chí có phần khô khan và phức tạp. Chia sẻ về vấn đề này, khách mời Vi Trần đã có sự kết nối với hai diễn giả còn lại để cùng bàn luận và trao đổi.

Sẽ thế nào nếu không có kiến thức cơ bản về tài chính - Vi Trần

Trong phần chia sẻ đầu tiên, Blogger Vi Trần đã đặt ra câu hỏi: Suy nghĩ của chị My Dương về kỹ năng quản lý tài chính? Khó hay dễ? Chúng ta nên bắt đầu xây dựng kiến thức này từ đâu?

Đáp lại câu hỏi trên, chị My Dương chia sẻ: “Đối với chị, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng khó trong giai đoạn đầu khi chúng ta chưa có nhiều kiến thức về tài chính. Điều quan trọng nhất đó chính là ý thức của mỗi người về việc xây dựng kiến thức quản lý thu chi và bảo vệ nguồn thu nhập cho mình. 

Chị nghĩ trước khi ý thức được điều đó, chúng ta cũng đã trả giá ít nhiều. Bản thân chị cũng đã từng trả giá cho việc kiếm được bao nhiêu thì chi xài bấy nhiêu. Đến khoảng 24-25 tuổi, chị mới nhìn nhận lại là mình chẳng có gì sau một khoảng thời gian dài đi làm kiếm tiền. Lúc đó mình mới vỡ lẽ ra một điều đó là mình chẳng có chút kiến thức gì về quản lý tài chính cho các cá nhân huống chi cho gia đình sau này.

Tuy khó khăn là thế nhưng quan trọng là chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc trang bị kiến thức về quản lý tài chính cho mỗi cá nhân, rồi tự mình đi tìm lời giải đáp. Chị nghĩ nó cũng chẳng cần khóa học nào đâu. Chị thường tìm hiểu qua sách báo và qua những series mà Vi chia sẻ. Đối với các bạn trẻ, tùy vào điều kiện của mỗi người, các bạn có thể tìm đến các khóa học ngắn hạn hoặc tìm đọc qua sách báo và linh động theo cuộc sống thực tế của chính mình.”

se-the-nao-neu-khong-co-kien-thuc-quan-ly-tai-chinh-ca-nhan-redbag

Tiếp tục trao đổi về vấn đề này, chị Vi Trần cũng đặt ra câu hỏi với anh Tuấn Anh: Theo góc nhìn từ một nhà đầu tư, anh thường quản lý tài chính của cá nhân mình như thế nào? Anh phân bổ dòng tiền ra sao?

Anh Tuấn Anh chia sẻ như sau: “Từ năm 2016 đến bây giờ, chủ đề quản lý tài chính cá nhân là chủ đề mà anh quan tâm chính. Nói về kiến thức quản lý tài chính, theo anh là chúng ta đã có ngay từ đầu rồi, chẳng qua khi chúng ta lớn lên với những trải nghiệm theo năm tháng, chúng ta mới dần đánh mất nó. Bởi vì một nguyên tắc rất đơn giản đó là lúc còn nhỏ chúng ta chỉ có thể tiêu những gì chúng ta có. Khi lớn lên, mọi người để ý kỹ sẽ thấy ngay từ năm đầu tiên khi có công ăn việc làm là bắt đầu mọi người tiêu quá lố. Đấy là sai lầm đầu tiên của chúng ta trong sử dụng tài chính của cá nhân.

Lúc còn trẻ anh còn mắc một sai lầm nữa đó là khi kiếm được nhiều tiền thì mức chi tiêu của anh cũng leo thang theo mức thu nhập. Nếu mọi người còn nhớ thì vào năm 2007-2008, dân Trader kiếm được rất nhiều tiền, anh có thể kiếm được 1 triệu đô rất nhanh chỉ trong vòng 1 năm. Sau đó thì mức sống của anh cũng tăng khủng khiếp. Thật ra, chi tiêu “leo thang” không khó nhưng để “tuột thang” thì lại khó.

Quay lại câu hỏi về việc phân bổ thì anh vẫn rất tôn trọng tính tự nhiên, nghĩa là đầu tiên mình có thật sự thích điều đó không? Đó cũng là lời chia sẻ đầu tiên của anh dành cho mọi người.”

Sau khi lắng nghe hai câu trả lời trên, khách mời Vi Trần cũng tiếp tục chia sẻ về góc nhìn của mình: “Thật ra không có kỹ năng nào về quản lý tài chính mà chúng ta được học ở trường lớp. Vi thường tham gia các buổi workshop hay tham khảo các tập tài liệu và trên hành trình thực tế, Vi cũng đã đúc kết được bảng “Review tài chính cá nhân”.

Nói về quản lý thu chi, Vi thường áp dụng công thức: Thu nhập - Tiết kiệm = Chi tiêu. Bởi vì, Vi cũng đã xác định được mong muốn của mình đó là gia tăng tài sản cho bản thân. Do đó, Vi cố gắng mỗi tháng mình phải quản lý thu chi và tiết kiệm như thế nào để đạt được mục tiêu. Vi gia tăng tài sản bằng cách đặt mục tiêu đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó cũng lập ra quỹ dự phòng cho bản thân. 

Nghe có vẻ dễ nhưng để cân bằng thu chi mỗi tháng thật sự không đơn giản chút nào. Bởi khi lương về chúng ta thường có xu hướng dùng tiền để chi trả các hóa đơn và trả nợ. Do đó, để thực hiện nguyên tắc này với các bạn mới bắt đầu là không hề dễ. Vi nghĩ rằng kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân nó sẽ được lượm lặt từ nhiều nguồn khác nhau và sẽ tùy thuộc vào tính cách lẫn nhu cầu của mỗi người.

Đặc biệt, mỗi chúng ta cần phải xác định mục tiêu cho mình. Mọi người thường nói đến tự do tài chính, Vi lại nghĩ tự do tài chính là một con số mình có thể tính được theo công thức, nhưng khi mình đạt được con số đó sớm mình có dừng lại hay không? Đôi khí làm việc kiếm tiền không hẳn vì tiền mà nó đã là một phần cuộc sống của mình.

Tóm lại là chúng ta phải xác định được mình mong muốn điều gì trên hành trình quản lý tài sản của mình. Hãy đặt ra câu hỏi: Tại sao? Như thế nào? Đồng thời tìm kiếm những công cụ quản lý tài chính nhằm giúp mình giữ được tính kỷ luật, nhất là kiểm soát cảm xúc trong mọi quyết định tài chính.”

Mẹo tiết kiệm và sinh lời hiệu quả - My Dương

Tiếp nối sai lầm trong việc trang bị kiến thức tài chính cho cá nhân, một yếu tố quan trọng nữa khiến nhiều người gặp khó khăn trong vấn đề tiền bạc đó là: Không biết cách tiết kiệm hiệu quả. Trong phần chia sẻ của mình, chị My Dương cũng lần lượt đưa ra các mẹo tiết kiệm hiệu quả dành cho các bạn trẻ như sau.

meo-tiet-kiem-sinh-loi-hieu-qua-redbag

“Theo chị, tiết kiệm nó sẽ không sinh lời hiệu quả mà để bảo vệ nguồn thu nhập của mình. Từ khía cạnh cá nhân, chị không khuyến khích các bạn có tiền thì nên gửi vào ngân hàng bởi lãi suất khá thấp. Chị thường tiết kiệm bằng cách mua vàng để đảm bảo mình không tùy hứng mà chi xài. Ngoài ra, còn một hình thức tiết kiệm nữa mà các bạn có thể tham khảo đó là tham gia bảo hiểm nhân thọ, nhằm bảo vệ mình và người thân trước những bất trắc xảy ra trong cuộc sống.” (My Dương)

Mua vàng và tham gia bảo hiểm là hai hình thức tiết kiệm mà các bạn trẻ có thể tham khảo và áp dụng. Bên cạnh tiết kiệm, nhiều người cũng quan tâm đến việc đầu tư thế nào để sinh lời hiệu quả? Tuy nhiên, một trong những sai lầm mà họ thường gặp phải đó là tâm lý FOMO trong đầu tư chứng khoán. Chia sẻ về vấn đề này anh Nguyễn Tuấn Anh đã đưa ra những giải pháp nào?

Tâm lý FOMO trong đầu tư chứng khoán - Nguyễn Tuấn Anh

Trước khi nói đến tâm lý FOMO trong đầu tư, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh cũng có một vài chia sẻ xoay quanh vấn đề tiết kiệm:

“Thật ra mình phải hiểu đầu tư để làm gì? Giống như mục đích tiết kiệm mọi người vừa đề cập ban nãy. Thật ra, tiết kiệm là để bảo vệ cuộc sống của mình chứ không phải đem đi để đầu tư rủi ro. Đối với anh, không có chuyện tối ưu việc tiết kiệm. Không thể nào nói để tiền ngân hàng lãi suất thấp thì phải đổi kênh tiết kiệm khác tốt hơn. Thực chất, lãi suất thấp đó hàm chứa sự không rủi ro. Không thể nào mình dùng số tiền bảo đảm cho mình trong những lúc rủi ro để đi chơi rủi ro. Điều đó không hợp lý.”

tam-ly-fomo-trong-dau-tu-chung-khoan-redbag

Bàn đến tâm lý FOMO trong đầu tư chứng khoán, anh nói:

“Đầu tư chỉ dành cho những người đã có quỹ dự phòng cho mình. Tiếp tục, hãy chia phần tiền đầu tư đó làm đôi: Đầu tư dài hạn và đầu cơ.

Trong đó, đầu tư dài hạn nghĩa là mình giữ được một khoản tiền trong thời gian dài, khoảng tầm 3 năm, 5 năm hay 10 năm. Khi mình đã chuẩn bị tài chính cho những tình huống khó khăn rồi thì khả năng mình dùng nó cho khoản đầu tư dài hạn là rất ít. Còn về đầu cơ, nó giống như một công việc tay trái và để làm được công việc đó bạn cũng phải đi học. Ở tuổi trẻ, anh khuyên mọi người nên đầu cơ, bởi lúc đầu số tiền của các bạn sẽ không nhiều, lợi suất yêu cầu cao. Đến sau này, số tiền đó có thể nhân rộng hơn thì lúc đó lợi suất của mình sẽ phải hạ xuống để hạn chế rủi ro. 

Thử lấy một con số, giả sử bạn có 10 triệu thì bạn nên chịu rủi ro cao để rèn luyện, nhưng nếu ở độ tuổi 40, 45 bạn có đến 10 tỷ, 20 tỷ thì bạn không thể nào chịu rủi ro cao như lúc còn trẻ được. Lúc có được bức tranh tài chính cho mình bạn sẽ biết được mình nên đầu tư như thế nào để đạt được mục tiêu. Do đó, Fomo gần đây trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán và kể cả lĩnh vực khác thì thật ra cũng là bình thường thôi dĩ nhiên trong trường hợp mình quy hoạch tài chính cho cá nhân tốt. Ngược lại, nếu mình không kế hoạch tài chính và Fomo tất cả số tiền mình có thì rõ ràng nó không tốt rồi.”

Phần 2: Q&A (Hỏi - Đáp)

Phần Hỏi - Đáp đã diễn ra sôi nổi với những câu hỏi trực tiếp tại sự kiện. Sau đây, RedBag xin tóm tắt một số câu hỏi nổi bật từ các bạn tham gia:

Hoàng Phúc: Theo em quan sát thì một số người trẻ chưa nghĩ tới kế hoạch nghỉ hưu sau này. Anh chị có quan điểm gì về việc này và cách mà anh chị đang chuẩn bị cho tài chính sau khi nghỉ hưu là gì ạ? 

My Dương: Trong nhiều năm đi làm tại các doanh nghiệp và được tham gia vào một số loại bảo hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước, dù số tiền mình nhận về sẽ cao, nhưng chị lại không chắc chắn về tính bền vững. Do đó, chị sẽ chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu bằng cách tiết kiệm và tích lũy như đã chia sẻ. Đặc biệt, khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, nếu mình may mắn không gặp phải bất kỳ trục trặc nào thì sau 15-20 năm tùy thời gian đáo hạn, mình sẽ nhận được một khoản tiền.

Hiện tại, chị vẫn luôn tìm kiếm những kênh đầu tư giá trị và dài hạn. Chứng khoán sẽ nằm trong danh mục ưu tiên của chị khi đầu tư vào một số công ty mà chị tin tưởng và có đủ kiến thức về nó. Ngoài ra, chị cũng đầu tư vào bất động sản để hy vọng nó sẽ tăng giá trị dần theo thời gian hoặc cho thuê để tạo ra dòng thu nhập thụ động.

Chị chia nhỏ rủi ro bằng nhiều nguồn thu khác nhau như vậy để đến khi nghỉ hưu mình sẽ có khoản hưu trí đảm bảo.

Tuấn Anh: Anh thấy đa số các bạn tham gia sự kiện ngày hôm nay đều là các bạn trẻ. Cá nhân anh thì anh chưa vội quan tâm lắm đến vấn đề này. Bởi đây là giai đoạn chúng ta có nhiều năng lượng nhất để tập trung tăng thu nhập. Nếu bây giờ chúng ta chuẩn bị cho một tương lai cố định thì anh nghĩ nó quá sớm. Thật ra, bản chất của việc tăng thu thì đấy là những gì tốt nhất chúng ta có thể làm ở hiện tại dành cho hưu trí.

Ở độ tuổi tầm 22-28 chúng ta hãy tạm quên về khái niệm hưu trí để tập trung nâng cao năng lực bản thân và tăng thu nhập. Đồng thời rèn luyện thói quen giảm chi bằng nhiều cách chẳng hạn như: Thu chi - Tiết kiệm = Chi tiêu. Mở rộng hơn chúng ta hãy nắm vững khái niệm chi tiêu tối thiểu. Chẳng hạn, mua điện thoại để đáp ứng các nhu cầu sử dụng cơ bản và mua điện thoại sang chảnh đó đã là hai sự lựa chọn khác nhau rồi. Ngày ví dụ này thôi cũng cho thấy việc kiểm soát chi tiêu đã là một vấn đề.

Tóm lại, anh nghĩ điều quan trọng trong kế hoạch nghỉ hưu ở giai đoạn này chính là: Tăng thu - Kiểm soát chi.

Minh Đức: Làm thế nào để quy hoạch tài chính cho cá nhân tốt?

Tuấn Anh: Đầu tiên hãy nhớ đến việc quy hoạch tài chính cho cá nhân để làm gì? Đó là bảo vệ bản thân trước, là bảo vệ sức khỏe, sức lao động và tương lai của chính mình. Từ đó mình mới có thể giúp đỡ người khác được. Tùy lựa chọn của mỗi người mà chúng ta có thể lựa chọn chăm sóc cho con cái trước, bố mẹ mình trước hay cho tương lai của mình trước. Điều anh muốn nói đến ở đây đó là việc xác định mục tiêu ưu tiên ở hiện tại rất quan trọng.

Quy hoạch tài chính cho cá nhân trước hết là xác định cho mình, cho người thân,... Và xác định mức độ quy hoạch vừa đủ tùy theo mỗi cấp độ. Ý anh nói đến ở đây là mức độ chi tiêu tối thiểu, bởi chi phí cho cuộc sống không nhiều như chúng ta nghĩ. Chỉ cần tối thiểu tiền ăn, tiền ở vậy là đủ để chúng ta tồn tại.

My Trần: Em hay bị chi quá ngân sách dự định của mình. Có cách nào để tối ưu phần chi tiêu của mình không? Có công cụ hay phương pháp nào hay không ạ?

Vi Trần: Trước khi nói đến phương pháp hay công cụ nào, mình cần phải biết nguyên nhân vì sao mình hay chi tiêu vượt quá ngân sách. Bạn cần có bảng review tài chính cho mình trong vòng 1 tuần, 1 tháng hay 3 tháng để biết mình thu chi như thế nào. Theo đó, bạn sẽ theo dõi được cách mình phân bổ thu chi. Chẳng hạn sẽ có khoản chi tiêu tối thiểu như anh Tuấn Anh đã nói, nguồn chi cơ bản và nguồn chi hoang phí những lúc không ngờ tới.

Từ đó bạn sẽ xác định được vấn đề của mình. Ví dụ như thu nhập của bạn 10 triệu nhưng bạn chi tiêu hết 12 triệu vì lý do phụ giúp gia đình. Mỗi người sẽ có những hoàn cảnh và nguyên nhân khác nhau.

Tiếp theo, bạn cần phải lập ra mục tiêu mình cần quản lý tài chính như thế nào? Phương pháp như thế nào sẽ tùy vào mỗi người nhưng điều quan trọng đó là cần xác định được vấn đề của mình thì mới tính đến chuyện sử dụng công cụ để hỗ trợ. 

Tuấn Anh: Thật ra nói về công cụ quản lý tài chính thì có rất nhiều, mọi người có thể tìm kiếm trên Internet. Trong quá trình sử dụng công cụ quản lý tài chính anh thấy mọi người thường nghĩ đến việc siết chặt dòng tiền của mình. Quan điểm của anh đó là mình hãy tận dụng tốt những thứ mình đang có. Bạn có thể chi tiêu cho sở thích của mình nhưng hãy xem nó có thật cần thiết hay không? Nó giống với việc mình mua nhiều quần áo nhưng lại không mặc đến vậy.

Khang Nguyễn: Anh có thể giới thiệu một số quyển sách dành cho người mới bắt đầu đầu tư được không ạ?

Tuấn Anh: Có 3 quyển sách dành cho bạn nào muốn học về đầu tư ở dạng cơ bản:

Phần cuối chương trình, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh cũng mang đên một thông điệp cho tất cả các bạn trẻ tham gia sự kiện: “Nguồn cội của tài chính của cá nhân đó là tận dụng những gì mình đang có. Trời sinh ra chúng ta đã phù hợp với một ngành nghề nên hãy hết mình với công việc đấy rồi thì chúng sẽ trả lại cho bạn những gì bạn xứng đáng nhận được. Bạn không cần quá vội vàng trong những bước đi tài chính của mình. Ngược lại, tài chính cá nhân phải đi học bởi đó là một kỹ năng cần thiết với tất cả chúng ta.”

Sau cùng, RedBag hy vọng với hơn 60 phút ngắn ngủi, sự kiện “Khởi động 2022 - Xóa bỏ những sai lầm trong tài chính của cá nhân” đã phần nào giúp mọi người trả lời được những băn khoăn của bản thân cũng như gỡ bỏ được những sai lầm trong hành trình tài chính của mình.

RedBag

Bài viết mới nhất

Xem tất cả

Bài viết đọc nhiều

Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!

Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN