BlogTài chính cá nhânLàm thế nào để bước qua những cột mốc quan trọng với tài chính sẵn sàng? (Kỳ 1)

Làm thế nào để bước qua những cột mốc quan trọng với tài chính sẵn sàng? (Kỳ 1)

RedBag Team 19/01/2022

“Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại” - Benjamin Franklin

Thực tế, nhiều người trong chúng ta đều có mục tiêu tài chính cho riêng mình. Thế nhưng, mọi mục tiêu sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn chỉ nghĩ mà không làm. “Không chuẩn bị” chính là không hành động. Đừng để đến lúc thất nghiệp, bệnh tật, tai nạn hay nghỉ hưu bạn mới nghĩ đến việc chuẩn bị tài chính cho bản thân mình.

Từ những việc nhỏ như lập kế hoạch và quản lý thu chi cho bản thân mỗi ngày đã là “tảng băng chìm” cho một nền tảng tài chính vững chắc sau này.

Nếu bạn vẫn chưa biết cách chuẩn bị tài chính cho các cột mốc quan trọng trong đời. Hãy cùng RedBag lắng nghe những chia sẻ từ chị Mina Chung (Đại sứ của nền tảng cộng đồng phụ nữ chuyên về tài chính và sự nghiệp - 15 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính ngân hàng toàn cầu) về cách bước qua những cột mốc quan trọng với tài chính sẵn sàng ngay sau đây:

Theo chị những cột mốc quan trọng nào trong cuộc đời sẽ cần có sự chuẩn bị về tài chính?

Mình có thể nhìn theo nhiều góc độ khác nhau. Nếu xét về độ tuổi, các bạn có thể lấy cột mốc đầu tiên khi mình 25 tuổi, mới ra trường và kiếm được đồng lương đầu tiên. Khi đó, bạn chắc chắn sẽ quan tâm đến việc quản lý tài chính cá nhân. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt cột mốc sau mười năm một lần như 35, 45 hay 55 tuổi là độ tuổi nghỉ hưu chẳng hạn. Đó là từng cột mốc quan trọng về độ tuổi. 

Tuy nhiên, nếu xét về hoàn cảnh, ví dụ bạn là sinh viên mới ra trường, bạn độc thân, bạn đang chuẩn bị cho hôn nhân hoặc sắp có con thì nó lại không liên quan đến độ tuổi nữa rồi. Có thể bạn sẽ kết hôn và có con trước 30 tuổi hoặc 40 tuổi. Suy cho cùng, đối với các cột mốc có sự chuyển đổi này thì việc chuẩn bị tài chính là rất quan trọng.

Vì thế, mình có thể nhìn vào độ tuổi và hoàn cảnh để biết được những bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Từ đó chuẩn bị tài chính để phục vụ cho những cột mốc đó. Mỗi người sẽ có những quy trình và hành trình quản lý tài chính khác nhau tùy theo góc nhìn và mục tiêu của mình.

>>>Xem thêm: Xây dựng bảng kế hoạch tài chính cá nhân ngắn hạn, dài hạn, trọn đời

chuan-bi-tai-chinh-ca-nhan-cho-cac-cot-moc-quan-trong-redbag

Trong những cột mốc vừa nêu, đâu là cột mốc quan trọng và có tính bước ngoặt nhất?

Nói về độ tuổi thì đặt thời gian cho việc nghỉ hưu rất quan trọng. Vì đó là đích đến cuối cùng của mỗi người. Theo luật, độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sẽ là 55, nam giới thì 60. Nếu không nói về luật thì về sức khỏe hay tinh thần, khi tới một độ tuổi nhất định, bạn cũng sẽ không còn đủ sức khỏe và năng lực để tiếp tục công việc. Công ty cũng sẽ không tiếp tục thuê bạn nữa. Bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề về tài chính nên hành trình bạn chuẩn bị từ bây giờ đến khi đó rất quan trọng. 

Mỗi người sẽ có những đường băng nghỉ hưu khác nhau, có thể là 25 năm, 30 năm,... Trong khoảng thời gian này, nếu bạn không có dòng thu nhập cho bản thân nữa thì bạn cần phải chuẩn bị tài chính ổn định để có thể sống đến cuối đời. Còn nếu bạn lập mục tiêu dựa vào con cái thì đó lại là câu chuyện khác. 

Đối với cột mốc cuối cùng của cuộc đời, chị cảm thấy mọi người đều nghĩ nó rất xa vời: “Em còn trẻ, em không muốn nghĩ tới” hay “Để sau đi, em tính chuyện khác trước.” Thế nhưng ai rồi cũng sẽ đến giai đoạn đó. Việc bạn đối diện với nó từ bây giờ sẽ có lợi hơn so với những người bắt đầu trễ.

Dĩ nhiên, còn có rất nhiều những bước ngoặt lớn và quan trọng khác. Chẳng hạn như lúc không có tiền và có tiền, lúc độc thân và lập gia đình hoặc lúc ở Việt Nam và đi nước ngoài,... Đó đều là những bước ngoặt để bạn biết được rằng tài chính của mình có sự thay đổi và vì sự thay đổi đó bạn phải lên kế hoạch quản lý tài chính chặt chẽ ra sao để đạt được ước nguyện.

Mỗi người đều có những bước ngoặt và cột mốc quan trọng khác nhau. Mình không thể ngồi đây để định ra cho các bạn những cột mốc nào là quan trọng, đó là chỉ là ý kiến cá nhân. Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ đi đến những cột mốc đó. Ăn thua sự chuẩn bị tài chính bây giờ của các bạn như thế nào để đối mặt với nó mới là điều quan trọng.

tang-thu-nhap-trong-giai-doan-dau-tu-lap-redbag

Người trẻ khi mới bắt đầu quản lý tài chính cá nhân thì nên tập trung vào yếu tố gì?

Thông thường, trong những buổi Workshop hay chia sẻ cùng các bạn về hành trình quản lý tài chính cá nhân, chị có nhắc đến vòng xoay dòng tiền bao gồm 5 bước: 

Khi nói đến 5 bước này, yếu tố đầu tiên là kiếm tiền và tăng thu nhập. Bởi nếu không có dòng vào thì mình quản lý cái gì? Mình cũng không thể tiếp tục các bước kế tiếp được. Do vậy thu nhập là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt với cột mốc 20. Đây là khoảng thời gian rất có lợi vì đường băng thời gian của bạn tới tuổi nghỉ hưu dài hơn người khác. Nếu bạn bắt đầu từ bây giờ bạn sẽ có lợi hơn rất nhiều so với những người bắt đầu từ năm 40 tuổi. Bởi vì họ chỉ còn 10 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu nên phải tăng tốc để theo kịp bạn.

ke-hoach-tai-chinh-ca-nhan-cho-cac-cot-moc-quan-trong-redbag

Trong những buổi chia sẻ với các bạn trong cộng đồng, chị cũng hay nói về việc mình phải tập trung tăng trưởng nó như thế nào? Lương cứng là chưa đủ. Mặc dù với lương cứng bạn cũng phải có kế hoạch tăng lương. Nhưng bạn có ngồi xuống để trao đổi với sếp hay không? Bạn có mạnh dạn chủ động hỏi về công việc, mục tiêu và nếu mình đạt được thì trong những năm tới mình có được tăng lương hay không? Đây là những câu chuyện mà chị cảm thấy mọi người vẫn còn rất e dè.

Quan trọng ở đây là không ai muốn mức lương của mình sau 5 năm hay 10 năm đều nằm yên một chỗ. Bạn phải tập trung đến việc đề nghị với sếp của mình, dù sếp không “open mind” lắm thì bạn cũng đã thử và chủ động rồi. Sau nhiều lần thử, hãy đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là môi trường để mình phát triển bản thân hay không?” 

Ngoài lương cứng thì sẽ có những khoản khác đến từ công việc Freelance hay từ những dự án bên ngoài. Có thể bạn sinh ra đã phát hiện được tài năng của mình. Hãy xem mình có thể kiếm được thu nhập nhờ tài năng đó hay không? Còn với ai chưa biết thì nên tìm kiếm kỹ năng mới phù hợp để phát triển.

Ví dụ, bản thân chị là dân học tài chính, đi làm về tài chính nhưng lại có đam mê với trang trí nội thất và gỗ. Chị cũng phải tự đi học và đi làm rồi sau đó mới dám nhận các dự án thiết kế nội thất cho khách hàng hay bạn bè. Nói về sở thích thì chị thích nhảy và chị cũng phải rèn luyện để phát triển kỹ năng đó. Cho tới lúc này thì chị hoàn toàn tự tin khi nói mình có thể mở lớp dạy và kiếm thêm thu nhập. Đây đều là những việc chúng ta có thể làm tùy theo thời gian và động lực của mình.

Ngoài ra, chúng ta có thể học về đầu tư, chứng khoán nếu đây là lúc bạn muốn xây dựng tài sản và tạo thu nhập thụ động cho bản thân. Đừng quên bản thân mình chính là tài sản lớn nhất. Quan trọng bạn có chủ động phát triển bản thân mình hay không? Có nắm lấy cơ hội để tăng thu nhập hay không? Hãy tập trung vào dòng thu nhập của mình và luôn có mục tiêu hướng đến cho năm sau. Đồng thời đặt ra kế hoạch cho bản thân để đạt được mục tiêu đó.

nguoi-tre-can-chuan-bi-gi-ve-tai-chinh-ca-nhan-redbag

Xem thêm: Sở hữu cuốn bách khoa toàn thư về thu nhập miễn phí

Người trẻ nên làm gì để tăng thu nhập trong giai đoạn đầu phát triển sự nghiệp?

Nói về sự nghiệp thì điều đầu tiên quan trọng đó là phải có trách nhiệm với công việc mình làm. Bằng cấp hay kỹ năng đều dễ dàng có được nếu bạn chịu khó dành thời gian học tập. Nhưng nếu bạn tạo dựng được thái độ và trách nhiệm với công việc thì những mục tiêu đưa ra 100% bạn hoàn toàn có thể đạt được 110%. Đây là nền tảng mà bạn có thể đặt điều kiện với công ty mình. Rằng bạn đã đóng góp nhiều cho công ty và mong muốn thấy được hướng phát triển sự nghiệp lâu dài ở môi trường này.

Tuy nhiên, bạn cũng nên cho đi nhiều hơn, không chỉ cho công việc của mình mà còn cho khách hàng, đồng nghiệp và những người xung quanh. Biết đâu trong những mối quan hệ đó bạn sẽ tìm kiếm được cơ hội trong tương lai và những nguồn thu nhập khác mà bạn không hề biết trước.

Nói về phát triển bản thân thì đương nhiên chúng ta sẽ phải dành thời gian học hỏi và trau dồi. Có thể thời gian đầu bạn theo đuổi đam mê đó nhưng sau này thì không. Hoặc bạn không kiếm được thu nhập nào từ đam mê đó. Điều đó là hoàn toàn bình thường.

Hãy cứ nghĩ là mình đã phát triển được một kỹ năng cho bản thân và từ đó mở ra cho mình những cánh cửa mới. Bạn sẽ tiếp tục cho đến khi cảm thấy những gì bạn học được ngày hôm nay đã giúp bạn nâng tầm kỹ năng và kiến thức để áp dụng và kiếm tiền. Đó sẽ là kết quả xứng đáng dành cho bạn và là động lực để bạn bước tiếp.

Một số người trẻ dù đã có thu nhập ổn định nhưng vẫn chưa biết cách tiết kiệm. Chị có thể chia sẻ một vài mẹo tiết kiệm hiệu quả để mọi người cùng tham khảo được không?

Sau khi tập trung nhiều vào thu nhập thì việc kế tiếp cần làm ngay đó là tiết kiệm. Nên nhớ hãy làm việc này trước khi chi tiêu. Đó là mẹo đầu tiên. 

Mọi người cứ nghĩ là lương tháng về thì mình cứ chi tiêu trước đã, còn dư bao nhiêu mới tiết kiệm, không thì thôi hoặc có một số suy nghĩ là: “Tôi đi làm lương có 6 triệu/tháng còn không đủ sống thì lấy gì tiết kiệm.” Quản lý tài chính không phải dành cho người giàu hoặc người nghèo mà cho tất cả chúng ta.

Hãy nhớ tiết kiệm trước, cắt một phần thu nhập để trả cho bản thân và gia đình rồi mới chi tiêu các phần còn lại. Nếu không tiết kiệm được ít nhất 5% thu nhập thì bạn đã sống quá khả năng của mình rồi. Dù lời khuyên chung là tiết kiệm 20% nhưng nếu tháng này bạn không tiết kiệm được thì tháng sau bạn phải cố gắng cắt giảm một chút để bù vào. Đừng quên đích đến cuối cùng của mình.

chuan-bi-tai-chinh-ca-nhan-cho-nguoi-tre-redbag

Mẹo thứ hai đó là lập quỹ dự phòng. Mọi người hay nói quỹ dự phòng cũng là quỹ tiết kiệm, nhưng chị thường khuyên các bạn là nên tách ra luôn. Tiết kiệm là tiết kiệm lâu dài cho những mục đích lớn của cuộc sống như mua nhà hay nghỉ hưu, còn dự phòng sẽ dành cho những trường hợp bất trắc không nằm trong kế hoạch của mình. Không có quỹ này thì bạn phải lấy quỹ tiết kiệm để đắp vào.

Tương tự trong thời kỳ COVID, mất việc, hư xe, nằm viện hay tất cả những thứ nằm ngoài kế hoạch của chúng ta. Nếu không có quỹ dự phòng bạn cũng phải bán chứng khoán hay tài sản mình đang có để đắp vào. Vậy có phải nó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chung của mình không? Do đó, hãy lập quỹ dự phòng cho mình tương đương với 3-6 tháng lương cũng được. Miễn đó là một mức làm bạn cảm thấy an tâm. 

Mẹo thứ ba là tự động hóa những khoản tiết kiệm của mình, nhằm giúp mình có tính kỷ luật và kiên định hơn. Cố gắng thiết lập làm sao đó để khi lương về thì ngay lập tức đẩy ra liền 10% tiết kiệm, phần còn lại để chi tiêu.

Mẹo thứ tư đó là đừng quên lãi kép khi tiết kiệm. Hiện nay có rất nhiều thông tin trên mạng nói về lãi kép. Đơn giản là nếu không có lãi kép thì năm nay bạn bỏ heo được 10 triệu, 40 năm sau nó vẫn là 10 triệu. Ngược lại, nếu bạn kiếm được kênh nào đó lãi suất 10%, 20 năm sau số tiền này của bạn đã sinh sôi nảy nở gấp 10 lần rồi. 

Cuối cùng là đừng quên mình tiết kiệm để làm gì, vì đó là đích đến cuối cùng. Thực chất, tiết kiệm là một hình thức đầu tư thụ động, mình sẽ phải đầu tư chủ động nữa. Bạn có tiền tiết kiệm rồi thì nên đầu tư nữa để tăng trưởng tài sản.

Sai lầm của người trẻ khi lập kế hoạch tài chính cá nhân?

Thực tế hầu hết các bạn trong cộng đồng mà chị tham gia đều chia sẻ rằng: “Em chưa có sai lầm nào trong việc quản lý tài chính cá nhân.” Bởi các bạn còn không biết mục tiêu của mình là gì?

Kể cả bây giờ khi chị hỏi các bạn là: “Em muốn nghỉ hưu vào năm bao nhiêu tuổi? Khi đó em sẽ làm gì để đảm bảo tài chính cho cuộc sống nghỉ hưu của mình? Hay em hình dung thế nào về cuộc sống lúc về già?” Thường câu trả lời chị nhận được sẽ là: “Em chưa nghĩ tới”. Đối với chị đó chính là sai lầm đầu tiên. Vậy tất cả mọi người chuẩn bị tài chính để làm gì? Mình phải có một đích đến.

Sai lầm thứ hai đó chính là đợi có sai lầm rồi mới quản lý tài chính. Nghĩa là khi bị lừa đảo về tài chính, bị mất tiền trong đầu tư hay thua lỗ trong kinh doanh, chúng ta mới cuống cuồng đi học về quản lý tài chính. Đến lúc đó chị thường nhận được những phản hồi như: “Ôi chị ơi! Phải chi em được học những điều này sớm hơn.” 

Đối với chị, mắc sai lầm là chuyện bình thường, chị cũng từng mắc rất nhiều sai lầm trong việc quản lý tài chính. Thế nhưng, bạn phải có kế hoạch, phải biết đích đến của mình để khi mắc phải những sai lầm đó bạn mới nhìn nhận được bài học cho mình. Chứ cứ nhảy vào nói về những sai lầm chung chung trong khi mình còn không biết tình hình tài chính của mình ra sao thì cũng vô nghĩa.

Chị thường ngồi xuống và bắt các bạn viết ra những mục tiêu tài chính của mình. Hiện tại có đang nợ hay không? Giá trị tài sản ra sao? Từ đó tính xem cần khoảng thời gian bao lâu để đạt được mục tiêu tài chính này. Rồi mình mới lên kế hoạch và điều chỉnh dần. Theo chị, hầu hết các bạn đều không có cái nhìn tổng thể về tài chính. Đó là lý do các bạn thường không biết phải bắt đầu từ đâu hay có nhiều nỗi lo sợ khác nhau. 

Thế nên khi có người hỏi chị là: “Vậy khi nào bắt đầu hành trình tài chính của mình?” Chị thường nói đùa rằng: “Bắt đầu từ ngày hôm qua.” (Cười)

xoa-bo-ap-luc-tai-chinh-tuoi-30

Trải qua giai đoạn tuổi trẻ, khi đến độ tuổi 30, nhiều người mang trong mình những áp lực vô hình từ kỳ vọng của bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt là áp lực về tài chính. Theo chị, trong giai đoạn này chúng ta cần chuẩn bị gì để đối diện và giải quyết những áp lực tài chính tuổi 30?

Độ tuổi 30 hay hơn một chút đều gặp áp lực từ định kiến của gia đình rằng bạn phải ít nhất đạt được một thành công nào đó. Bởi nếu bạn bắt đầu làm việc từ năm 24 tuổi thì hiển nhiên bạn có 6 năm để ổn định tài chính. Nếu chưa ổn định thì bạn phải xem lại lý do.

Định nghĩa thành công của mỗi người sẽ khác nhau. Nói về tài chính thì đúng là độ tuổi 30 sẽ ổn định hơn về mặt tài chính. Sự nghiệp thì phát triển và thu nhập cũng tăng trưởng theo. Từ đây mình sẽ có thêm kiến thức về tài chính và bắt đầu đầu tư để tăng trưởng dòng tiền mình đang có. 

Tuy nhiên, thăng chức hay tăng lương không đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn. Bởi vì 30 là độ tuổi mà bạn sẽ có rất nhiều khoản chi phí, chẳng hạn như quỹ đám cưới, quỹ thai sản,... Điều quan trọng là đừng để chi phí vượt quá tỷ lệ tăng thu nhập.

tai-chinh-ca-nhan-cho-cac-cot-moc-quan-trong-redbag

Khi kết hôn, vợ chồng phải ngồi cùng nhau lên kế hoạch tài chính cho gia đình. Việc minh bạch và cùng nhau chung tay lập kế hoạch rất quan trọng. Đây có thể là ngã rẽ đóng góp nhiều vào tài chính của bạn. Bởi đây cũng chính là nguồn thu nhập của cả hai. Nếu bạn không chia sẻ mà cứ làm một mình, lăn tăn mãi về chuyện đó thì việc gặp áp lực tài chính ở độ tuổi này có thể xảy ra.

Độ tuổi nào cũng sẽ đi qua hành trình tài chính từ thu chi đến tiết kiệm và đầu tư, nay lại có thêm yếu tố về gia đình nữa. Tuy nhiên, đó lại là yếu tố quan trọng nhất đối với độ tuổi này. Vậy hãy tính xem từ đây tới lúc bạn kết hôn, sinh con và nghỉ hưu bạn còn khoảng bao nhiêu lâu để chuẩn bị tài chính hoặc tăng tốc nếu đường băng thời gian dành cho cột mốc đó đang giảm dần?

Ắt hẳn nhiều người trong độ tuổi 30 cũng đang hướng đến mục tiêu gia tăng tài sản để đảm bảo tài chính vững vàng. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính, theo chị, có những cách nào để gia tăng tài sản cho bản thân?

Khi tìm kiếm kênh đầu tư hay tiết kiệm tích lũy lẽ dĩ nhiên nó phải phục vụ cho mục tiêu cuối cùng của mình. Mục tiêu thì không phải chỉ có một mà có thể có nhiều mục tiêu. Nó sẽ liên quan đến việc bạn cần đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Chẳng hạn, bạn thử đầu tư vào chứng khoán hoặc mua nhà rồi cho thuê. Khi bạn thử và thấy kênh này có hiệu quả thì ngay lúc đó bạn đã có được danh mục đầu tư cho mình rồi.

Vì sao lại cần đa dạng hóa danh mục đầu tư? Thứ nhất, nó giúp cho dòng tiền tăng trưởng một cách đáng kể. Thứ hai là “không bỏ trứng vào một giỏ” và dàn trải rủi ro vì độ tuổi này vẫn cần sự ổn định. Mình không còn trẻ nữa nên những gì mình đã xây dựng được rồi thì hãy ráng bảo vệ nó. Thứ ba là đảm bảo số tiền này không bao giờ được cạn kiệt.

da-dang-hoa-danh-muc-dau-tu-redbag

Nếu nhìn lại danh mục đầu tư và tài sản hiện có thì chị thấy nó đang phục vụ cho cả 3 mục đích này. 

Thật ra mục đích cuối cùng chị hướng đến cho bản thân đó là một căn nhà, vì chị không muốn đi thuê nữa. Chị cũng muốn có một sức khỏe tốt vì có sức khỏe thì mình có thể kiếm được tiền. Vậy nên chị đang đầu tư vào bất động sản và bảo hiểm. Có những loại bảo hiểm không những giúp mình tiết kiệm, đầu tư mà còn bao quát luôn cả chi phí y tế sức khỏe (bảo hiểm nhân thọ). Còn để bảo đảm chi phí sinh hoạt không bao giờ cạn kiệt, chị thường tìm cách tăng thu nhập thụ động rồi đầu tư một phần vào chứng khoán. Hiện chị chỉ để 5% danh mục đầu tư vào chứng khoán mà thôi.

Quay trở lại để áp dụng cho mình, bạn phải đặt mục tiêu cho bản thân trước. Tất cả những gì bạn tiết kiệm và đầu tư phải phục vụ cho mục tiêu đó. Bởi vì ai cũng có nhiều hơn một mục tiêu nên danh mục đầu tư của bạn cũng cần nhiều hơn một.

Chị có thể chia sẻ thêm về các loại bảo hiểm mà chị đang đầu tư cho bản thân và gia đình mình được không?

Bảo hiểm là bước 5 trong vòng xoay dòng tiền mà chị vừa nói (bảo vệ và phòng chống). Nó trực tiếp bảo vệ sức khỏe, gián tiếp bảo vệ thu nhập và tài sản của bạn. Hãy hình dung nếu không có bảo hiểm trong lúc bạn ngã bệnh hay gặp tai nạn thì những người thân đang phụ thuộc vào bạn sẽ ra sao? Bạn buộc phải bán nhà để đắp vào thì có phải nó ảnh hưởng đến những gì bạn xây dựng không?

Dĩ nhiên khi còn trẻ, bạn nghĩ mình có sức khỏe thì chỉ nên mua những loại bảo hiểm cơ bản mà thôi. Thế nhưng đừng đợi đến lúc bệnh mới mua bảo hiểm bởi khi đó chi phí sẽ đắt. Thậm chí một số loại bảo hiểm còn không đáp ứng được cho bạn. Chẳng hạn như COVID là một rủi ro mà không ai lường trước được. Những công ty bảo hiểm sẽ không bán bảo hiểm cho bạn bởi bạn đang mắc COVID và họ thì không chắc chắn sau này bạn còn có những triệu chứng nào khác để mà bảo đảm chi phí cho bạn.

Vậy nên trong quản lý tài chính, mọi người nên quan tâm đến các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ sức khỏe cho mình ngay từ bây giờ. Hiện tại bạn chưa có bệnh nên chi phí cho bảo hiểm sẽ rất rẻ.

Bên cạnh đó, bạn phải luôn nghĩ đến việc có người nào phụ thuộc vào mình không? Nếu bạn có người phụ thuộc vào mình thì nên mua bảo hiểm nhân thọ, vì nếu có chuyện gì xảy ra với bạn thì những người phụ thuộc vào bạn sẽ được bảo vệ. Còn nếu bạn không phải chịu trách nhiệm cho ai thì chỉ cần mua bảo hiểm cho bản thân mình thôi. 

Ngoài ra, bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp bạn tiết kiệm cho quỹ hưu trí và đầu tư tăng trưởng. Nó dành cho những ai không có thời gian hoặc không biết, không muốn quản lý tài chính cá nhân. Do đó, bạn cũng có thể tận dụng bảo hiểm để đảm bảo y tế và đầu tư cho mình.

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có rất nhiều loại bảo hiểm để bạn có thể tìm hiểu và lựa chọn. Hãy nhớ nói chuyện với càng nhiều công ty bảo hiểm càng tốt. Đừng vì thích cách nói chuyện của một bạn Sale mà vội vàng mua. Bởi vì bảo hiểm là một hợp đồng lâu dài. Nếu bạn không hiểu rõ thì đừng tham gia vào, tránh trường hợp đóng phí được 1, 2 năm mà không tiếp tục nữa thì coi như mất số tiền đó.

Tạm kết kỳ 1 với những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp và đánh dấu bước ngoặt trong tài chính của nhiều người. RedBag hy vọng bạn đã có thể hình dung về kế hoạch tài chính của mình trong những giai đoạn quan trọng này và bắt tay vào thực hiện ngay từ hôm nay. 

Vậy kỳ 2 sẽ mang đến cho bạn sự chuẩn bị tài chính cho các cột mốc quan trọng nào khác nữa? Đừng quên nhấn “Đăng ký ngay” ở phía dưới để theo dõi tiếp số "Nhìn quanh để biết" tiếp theo nhé.

Nhìn quanh để biết” là series phỏng vấn người thật việc thật về những vấn đề quen thuộc xoay quanh tài chính cá nhân. Thông qua chia sẻ của các khách mời, RedBag hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được những mẹo hay để ứng dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình.

RedBag

Bài viết mới nhất

Xem tất cả

Bài viết đọc nhiều

Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!

Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN