BlogTài chính cá nhânGiải mã sức hút về thu nhập của nghề giáo viên Tiếng Anh

Giải mã sức hút về thu nhập của nghề giáo viên Tiếng Anh

RedBag Team 20/11/2021

Nhu cầu học Tiếng Anh hay có trong tay tấm bằng Ielts, Toeic là kỳ vọng của rất nhiều bạn trẻ. Bởi Tiếng Anh vừa là một môn học bắt buộc vừa là ngôn ngữ giao tiếp phổ biến trong thời đại hiện nay. Do đó mà nghề dạy Tiếng Anh cũng trở nên thịnh hành và được quan tâm nhiều hơn cả chính là mức thu nhập của công việc này và giúp nhiều người tự do tài chính cá nhân.

Nhân dịp 20/11, hãy cùng RedBag giải mã sức hút về thu nhập của nghề giáo viên tiếng Anh qua buổi trò chuyện với một vị khách mời vô cùng đặc biệt - Anh Nguyễn Quý Đôn. Anh hiện đang là giáo viên tiếng Anh tại trung tâm Đình Lực IELTS, cựu du học sinh ở Bỉ và đã có nhiều năm kinh nghiệm với nghề.

Để trở thành một giáo viên dạy Tiếng Anh sẽ phải học tốt Tiếng Anh từ nhỏ hoặc xuất thân từ các lớp chuyên Anh, với anh điều này có đúng?

Chia sẻ thật là ngay từ nhỏ anh cũng không phải là người giỏi Tiếng Anh. Anh bị mất căn bản từ năm lớp 10, nhưng sau đó anh thấy Tiếng Anh rất quan trọng vì nó mang đến cơ hội du học và trải nghiệm nhiều thứ. Anh cũng muốn một lần đi du học cho nên mới đâm đầu đi học Tiếng Anh. Anh nghĩ là cũng không nhất thiết phải giỏi tiếng anh từ bé. Có thể sau này mình bắt đầu nhìn nhận được sự quan trọng của nó rồi theo học cũng được.

Đã bao giờ anh nghiêm túc nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi nghề này hay không?

Thực sự ban đầu anh không nghĩ sẽ theo đuổi nghề này. Chắc có lẽ là dòng đời đưa đẩy anh đến với việc dạy một hai lớp Tiếng Anh rồi từ đó anh bị cuốn theo luôn. Lúc đó, anh mới nhận ra là hình như đây là cái nghiệp dành cho mình. (Cười)

Tại thời điểm đó, thu nhập của nghề giáo viên Tiếng Anh có phải là một trong những yếu tố quan trọng mà anh cân nhắc hay không?

Thật ra là ban đầu anh cũng bị sốc. Bởi vì vào khoảng năm 2015, lúc mới ra trường, anh chưa có kinh nghiệm đi dạy gì hết thì thường lương rất là thấp. Có những trung tâm cơ sở chèn ép khá nhiều về mặt lương bổng. Lương đôi khi còn thấp hơn công chức văn phòng rất nhiều.

giai-ma-suc-hut-ve-thu-nhap-cua-nghe-giao-vien-tieng-anh-redbag

Ví dụ, lương của một giáo viên mới ra trường đi dạy tại những trung tâm nhỏ lẻ sẽ rơi vào khoảng 5 đến 6 triệu/tháng. Tuy nhiên anh nghĩ là nếu như quyết tâm theo đuổi nghề này một thời gian và trau dồi thêm những kỹ năng cần có thì mức lương sẽ cao hơn mình mong đợi rất nhiều.

Lý do nào giúp anh quyết định theo đuổi nghề này?

Ban đầu anh chọn nghề này bởi vì anh thấy nó phù hợp với bản thân mình và anh hay sử dụng ngôn ngữ này thường ngày. Hầu như trong trường Đại học anh đều sử dụng Tiếng Anh 100%. Cho nên việc đi dạy hoặc sử dụng ngôn ngữ này hàng ngày đối với anh không khó.

Ngoài ra, anh rất thích truyền đạt những gì mình biết về Tiếng Anh cho những người chưa biết. Đôi khi anh cũng muốn truyền cảm hứng để họ có thể tìm hiểu về ngôn ngữ này sâu hơn hoặc cũng có thể bước trên con đường trở thành giáo viên Tiếng Anh giống như anh hiện giờ.

Dù yêu thích công việc này đến vậy nhưng anh đã từng tạm hoãn việc học Ngôn Ngữ Anh tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Lý do nào anh quyết định như vậy?

Lý do khiến anh từ bỏ là vì lúc đó anh cảm giác rằng mình chỉ cần biết về ngôn ngữ này là đủ. Nhưng sau này khi đi dạy, anh mới thấy những kỹ năng được học trong môi trường Đại học Sư phạm giúp mình rất nhiều điều. Có những người có thể cảm giác rằng mình giỏi Tiếng Anh rồi và bắt đầu cầm tấm bằng để đi dạy. Nhưng mà nó sẽ phát sinh ra rất nhiều vấn đề. Đó là mình không có kỹ năng sư phạm. 

Mình cứ nghĩ là học viên sẽ hiểu và có khả năng tiếp thu tốt, nhưng chưa chắc. Việc thiếu kỹ năng sư phạm đôi khi sẽ làm cho học viên bắt đầu có cảm giác nặng nề và chán nản môn này. Từ đó sẽ dẫn đến thất bại của những người mà rất giỏi Tiếng Anh nhưng lại không có khả năng truyền đạt nó cho người khác. Sau này anh mới nhận ra được điều đó.

Sau khi du học ở Bỉ với ngành quản trị quốc tế và trải nghiệm qua nhiều ngành nghề khác nhau. Điều gì đã khiến anh quay lại với nghề giáo viên tiếng Anh?

Có thể coi nó là một cái nghiệp mà anh phải theo, nhưng mà nói như vậy không thì cũng chưa đúng. Bởi vì đó cũng là lựa chọn của anh. Có lẽ vì anh đã quá quen thuộc với nó. Thậm chí nhiều khi lên lớp, anh không cần phải coi quá kỹ về bài giảng mà chỉ cần nhìn sơ qua thôi cũng có thể sắp xếp được trong đầu tất cả các bước để có được một tiết học hoàn chỉnh. Anh cảm giác nó đã ăn vô máu và trở thành một kỹ năng riêng của mình rồi.

Hơn nữa, quá trình đi du học cũng giúp ích cho anh rất nhiều trong việc giảng dạy. Đặc biệt là khi dạy cho những học viên cấp cao. Ngoài việc cung cấp kiến thức, anh còn có thể truyền đạt thêm cho họ những kỹ năng sống. Đa phần những điều này thường hay xuất hiện trong các bài thi Ielts phần nói hay viết. 

Ngoài ra, việc đi du học cũng giúp anh có thêm cách nhìn nhận khác. Anh thấy người nước ngoài học Tiếng Anh chủ yếu để giao tiếp, trong khi mình lại quá tập trung vào những vấn đề như điểm số, ngữ pháp,... Vậy nên, anh cũng đã tự tìm được hướng đi riêng cho mình là giúp được nhiều học viên có thể dùng ngôn ngữ này một cách tự nhiên hơn.

suc-hut-ve-thu-nhap-cua-nghe-giao-vien-tieng-anh-redbag

Thêm nữa là sau khoảng 5 - 6 tháng đi dạy, anh cảm thấy nguồn thu nhập từ công việc này khá ổn, nên anh mới quyết định bước chân vào con đường đi dạy luôn. Anh cũng có một vài người bạn là tiến sĩ, thạc sĩ, kiến trúc sư,... Đôi khi họ đi dạy là vì đam mê chứ đây không hẳn là thu nhập chính của họ. Có lẽ họ cũng có chung một niềm đam mê với nghề giống như anh.

Theo anh, nghề dạy Tiếng Anh này có những khó khăn hay góc khuất nào đằng sau đó hay không?

Nếu phân tích theo mô hình SWOT, xét về chữ S - Strengths (thế mạnh) thì ngành này có khá nhiều mặt tốt. Thứ nhất, nhu cầu của người học Ielts rất nhiều, Việt Nam lại đang thần thánh hóa bằng Ielts nên người người nhà nhà đều ganh đùa nhau để có bằng. Thứ hai nếu xét về mức lương của giáo viên Tiếng Anh thì thu nhập không phải là thấp so với thị trường lao động và so với giáo viên ở các môn khác. 

Còn về W - Weaknesses (điểm yếu) thì anh thấy nghề này có tính chọn lọc cao. Một số trung tâm có thể tuyển chọn giáo viên đầu vào dễ, song cũng có tính đào thải khá cao. Bởi giáo viên không những có trình độ mà còn phải biết cách giao tiếp và làm cho học viên thích. Giáo viên nào dạy tốt, được nhiều bạn học viên yêu thích và tăng doanh thu cho trung tâm thì sẽ được giữ lại. Ngược lại, giáo viên nào mà học viên vào học chỉ muốn đổi lớp liền thì sẽ bị xem xét và đào thải ngay lập tức.

Về chữ O - Opportunities, cơ hội hiện giờ đối với giáo viên khá là nhiều. Những giáo viên nào am hiểu nhiều về công nghệ thì càng có lợi thế. Ví dụ trung tâm Đình Lực mà anh đang dạy cũng đang dần chuyển đổi số để thích nghi với tình hình dịch như hiện nay. Nào là xây dựng chương trình học online, dạy học trực tuyến hoặc sau này có thể giúp cho học viên học trực tuyến mà có cảm giác như học trên lớp,...

Cuối cùng là chữ T - Threats (thách thức). Thách thức hiện giờ với giáo viên Tiếng Anh cũng là chuyển đổi số. Những giáo viên không theo kịp thời đại, không quen với việc dạy online thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải. Còn nếu dạy tại nhà nhưng không có danh tiếng hay quảng cáo tốt thì cũng phải dẹp mộng sớm. 

Góc khuất trong nghề thì cũng có nhưng mà hơi nhạy cảm nên anh khó nói. Có một thời gian trên mạng đầy những thông tin “bóc phốt” giáo viên Tiếng Anh: “9.0 hay 8.0 nhưng thật sự thì bằng cấp không có”. Nó giống như một miếng bánh mà ai cũng muốn vào cắn một miếng. Nhiều người có thể nghĩ mình đi vào cắn một miếng và đi ra cũng được. Thế nhưng, vấn đề này có thể gây ảnh hưởng nhiều đến học viên cũng như danh tiếng của những người làm trong nghề này.

Theo anh thì lương của một giáo viên dạy Tiếng Anh tại trung tâm sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nào? Kinh nghiệm, bằng cấp hay đánh giá của học sinh?

Anh nghĩ nó sẽ phụ thuộc vào những yếu tố sau:

Thứ nhất là về bằng cấp. Những giáo viên tốt nghiệp từ các trường Đại học Sư phạm hay trường quốc tế như RMIT thì việc thỏa thuận mức lương ban đầu sẽ tốt hơn giáo viên tay ngang đến từ các trường kinh tế. Nhưng điều đó cũng không quyết định mức lương cuối cùng, vì sẽ cần thêm một số bằng cấp khác ví dụ như Tesol. Vậy nên, giáo viên có thể đầu tư học thêm những chứng chỉ này thì sẽ có mức lương cao hơn.

Thứ hai là về kinh nghiệm. Theo anh được biết những người mới ra trường nhận được mức lương khá thấp chỉ khoảng 50% so với những người đã đi làm 3-4 năm. Thông thường những trung tâm hiện giờ đều yêu cầu giáo viên có kinh nghiệm ít nhất một năm. Có những trung tâm không yêu cầu giáo viên có kinh nghiệm mà sẽ đào tạo thêm. Tất nhiên trong quá trình đào tạo đó thì phải chấp nhận mức lương khá thấp.

Cuối cùng là điểm số của các loại bằng cấp. Chẳng hạn như tiêu chuẩn tối thiểu để dạy Ielts sẽ là 7.5, giáo viên sẽ được dạy cho các lớp cơ bản. Nhưng để dạy các lớp nâng cao thì cần ít nhất là 8.0. 8.0 thì cũng sẽ có 8.0 this (này) và 8.0 that (kia). Nghĩa là một số bạn đạt được 8.0 do các kỹ năng đọc và nghe kéo lên. Một số giáo viên khác có điểm đồng đều hơn hay có kỹ năng viết và nói cao hơn thì thường sẽ nhận được mức lương cao hơn.

Mong muốn nhận được mức lương khá hơn so với trung tâm, nhiều giáo viên đã tự mở lớp dạy Tiếng Anh tại nhà. Anh thấy thế nào về hình thức này?

À. Anh đã từng mở lớp dạy Tiếng Anh trước dịch được hơn một năm. Nhưng cũng do dịch bệnh này mà anh đã ngừng việc mở lớp tại nhà. Phải nói là thu nhập dạy Tiếng Anh tại nhà cao hơn rất nhiều so với đi dạy tại trung tâm. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ phải làm thêm một số công tác quản lý và nó không hề đơn giản chút nào.

Chẳng hạn như chúng ta sẽ phải tự làm các công việc liên quan đến tuyển sinh, Marketing, chăm sóc học viên, in ấn, sắp xếp lớp học,... Nếu chỉ tổ chức lớp học khoảng 4- 5 người thì có thể làm một mình được, nhưng nếu đông hơn thì sẽ phải cần thêm người phụ giúp mình.

Hầu như anh thấy giáo viên nào cũng sẽ có tâm lý muốn mở lớp dạy thêm tại nhà sau một thời gian làm việc tại trung tâm. Bởi thường họ chỉ nhận được 30 đồng trong 100 đồng mà các học viên đóng vào cho trung tâm. Họ sẽ có xu hướng mở lớp riêng để lấy luôn 100 đồng.

Tuy nhiên, dạy tại trung tâm có một điểm tốt là mình không phải đi tìm kiếm học viên, không phải chạy quảng cáo,... Mình chỉ cần lên lớp dạy, cuối tháng tính giờ là xong. Thỉnh thoảng mình có thể chăm sóc học viên bằng cách họ hỏi gì thì mình trả lời. Nói chung cái gì cũng có giá của nó.

Hiện tại, số tiền kiếm được từ việc dạy Tiếng Anh chiếm khoảng bao nhiêu % thu nhập của anh? 

Số tiền anh kiếm được từ việc dạy Tiếng Anh chiếm khoảng ⅔ thu nhập của mình. Bởi anh cũng đang làm cho hai công ty khác cùng một lúc. Tuy là mùa dịch khó khăn khiến số lượng học viên giảm đi nhưng thu nhập của anh cũng không bị ảnh hưởng nhiều và anh cảm thấy mình khá may mắn.

ke-hoach-tu-do-tai-chinh-redbag

Nếu chỉ dựa vào nguồn thu nhập đến từ công việc dạy Tiếng Anh, anh nghĩ liệu nó có đủ để anh chi tiêu thoải mái hay không?

Thật ra thì chỉ cần một nửa mức thu nhập từ việc đi dạy thôi cũng đã đủ với anh rồi. Anh cảm thấy nếu thu nhập mình tăng cao thì nhu cầu chi tiêu cũng có xu hướng tăng. Ví dụ ban đầu anh chỉ muốn ăn phở, nhưng khi thu nhập tăng, anh sẽ muốn ăn bò bít tết ở nhà hàng hơn. Cho nên nếu nói là đủ sống thì anh nghĩ là đủ, còn việc thoải mái thì anh nghĩ càng có nhiều nguồn thu nhập thì anh sẽ thoải mái hơn.

Thông thường, anh sẽ phân bổ thu chi của mình như thế nào?

Anh bắt đầu phân bổ các khoản thu nhập của mình dành cho thẻ tín dụng, thanh toán các chi phí sinh hoạt. Anh hay xài thẻ tín dụng vì nó có tính năng hoàn tiền. Đôi khi mình muốn mua một món gì đó thì có chương trình trả góp 0%. Anh biết trả góp 0% đó không hẳn là 0%. Nhưng nó cho mình cảm giác được chia nhỏ số tiền cũng như làm giảm áp lực chi tiêu.

Ngoài ra, anh cũng sẽ ước lượng tháng đó mình cần dùng bao nhiêu tiền và để sang một bên, phần còn lại anh sẽ để tiền trong tài khoản tiết kiệm riêng của mình. Thông thường anh sẽ mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng mà anh đang dùng là VIB trong vòng 1-6 tháng. Cứ đến tháng anh sẽ chuyển một phần thu nhập vào tài khoản này.

Lúc nãy anh có chia sẻ về việc muốn sống thoải mái hơn thì mình cần có đa dạng nguồn thu nhập. Phải chăng đó cũng là ý định sắp tới của anh?

Đúng. Mục tiêu mà anh nhắm đến đó là tự do tài chính. Đến một lúc nào đó anh sẽ không cần phải làm quá nhiều mà vẫn có nguồn thu nhập thụ động.

Anh nghĩ nguồn thu nhập đến từ việc dạy Tiếng Anh sẽ rất khó giúp anh đạt được mục tiêu tự do tài chính. Cho nên anh cũng đang cố gắng suy nghĩ những hướng kinh doanh riêng song song với việc đi dạy. Có thể là mình sẽ bỏ dạy luôn cũng được. Không vấn đề gì hết! Nhưng mình phải có kế hoạch chuẩn bị, để khi vô tình rơi vào trường hợp kinh doanh không thuận lợi thì mình vẫn còn có những nguồn thu nhập khác. Như vậy vẫn tốt hơn là việc mình bỏ hẳn một thứ để làm những thứ khác.

Không biết anh đã đặt mục tiêu tự do tài chính từ lúc nào và thực hiện nó ra sao?

Anh biết đến tự do tài chính nhờ vô tình nghe được podcast của chú Hiếu. Nó hiện giờ đang là mục tiêu theo đuổi của nhiều người trẻ và cái đích họ nhắm đến là sự tự do lựa chọn sau khi đã có được tự do tài chính. Ví dụ như khi dư dả, chúng ta có thể mua được một chiếc Iphone 13 hay Iphone 13 Promax mà không cần phải đắn đo. Chỉ việc chọn cái tốt hơn cho mình.

Trong khi đó, những người làm cả năm trời dành dụm mới mua được chiếc điện thoại thông minh thì Iphone 13 đã là quá đủ cho họ và họ không có thêm sự lựa chọn là Pro hay Promax nữa. Như vậy, tự do tài chính giúp con người ta có thêm sự tự do hơn.

thu-nhap-cua-nghe-giao-vien-tieng-anh-redbag

Điều mà anh đúc kết được từ những lời chia sẻ của chú Hiếu đó là các bước cần làm để tự do tài chính: Giải quyết các khoản nợ - Đa dạng hóa và tối đa hóa thu nhập - Tạo ra nguồn thu nhập thụ động - Tự do tài chính.

Anh đã đặt mục tiêu tự do tài chính vào tuổi 40, là khoảng 10 năm nữa. Hiện anh có nguồn thu nhập khá ổn từ việc dạy học, nhưng đối với anh, nó không đủ lâu dài vì theo đà phát triển của công nghệ, rào cản ngôn ngữ sẽ sớm bị phá bỏ và nghề dạy ngoại ngữ sẽ ít đất diễn hơn. Do đó, thu nhập sẽ hạn chế.

Trước hết anh nghĩ mình cần thanh toán các khoản vay, sau đó anh sẽ đa dạng hóa thêm nguồn thu của mình. Rồi cuối cùng là chuyển hướng sang kinh doanh và nhượng quyền sớm nhất có thể. Đó là kế hoạch anh sẽ cố gắng thực hiện, còn việc thực hiện tới đâu thì anh chưa tiết lộ được.

Xem thêm: 4 bước đơn giản để thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân

Sau cùng, là một giáo viên Tiếng Anh với nhiều năm kinh nghiệm, anh có lời khuyên nào dành các bạn trẻ có mong muốn theo đuổi nghề này hay không?

Sau quá trình làm nghề và có một khoảng thời gian nhìn thấy học viên của mình trở thành giáo viên Tiếng Anh thì anh rút ra được 2 thứ: Một là lúc nào cũng phải trau dồi thêm kiến thức. Anh thấy một số giáo viên hiện giờ dạy sai khá nhiều về kiến thức cơ bản. Họ mang tâm lý tôi có bằng rồi thì tôi cứ việc đi dạy thôi chứ không đào sâu nghiên cứu thêm.

da-dang-hoa-nguon-thu-nhap-redbag

Hai là giáo viên cần phải có cái tâm. Ví dụ như học viên không hiểu vấn đề đó, giáo viên không muốn giải thích nữa mà đuổi học viên ra khỏi lớp hoặc nghĩ rằng bài đó tôi dạy như vậy là đủ rồi, không cần phải dạy thêm, học viên hiểu thì hiểu không hiểu thì thôi. Tóm lại là chỉ cần có cái tâm và cái tầm. Các bạn sẽ tự nhiên có được những vị trí tốt.

Anh đã từng thấy một số bạn rất giỏi về mặt ngôn ngữ nhưng lại không đào sâu nghiên cứu về mặt kỹ năng dạy học. Nên học viên đến lớp chỉ toàn nghe những thứ cao siêu mà không ứng dụng được. Các bạn học viên khi ấy sẽ kiểu thầy này dạy hay nè, cái gì cũng biết, nhưng mà khi hỏi đến rằng có ứng dụng được không thì câu trả lời lại là không. Dù rằng một số giáo viên dạy hay, có kiến thức rộng nhưng khi được học viên hỏi hoặc nhờ vả một thứ gì đó ví dụ như là cách viết một lá thư gửi sang trường nước ngoài,... thì lại không sẵn sàng hỗ trợ học viên. Anh thấy những bạn như thế sẽ khó thăng tiến trong nghề.

Một lần nữa cảm ơn anh đã dành thời gian quý báu để tham gia cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Cũng như những chia sẻ của anh về sức hút về thu nhập của nghề giáo viên Tiếng Anh. Nhân ngày 20/11, RedBag chúc anh luôn mạnh khỏe, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết với nghề. Chúc anh sẽ sớm đạt được mục tiêu tự do tài chính và những dự định sắp tới của mình.

Xem thêm: Sở hữu cuốn bách khoa toàn thư về thu nhập miễn phí

RedBag

Bài viết mới nhất

Xem tất cả

Bài viết đọc nhiều

Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!

Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN