BlogTài chính cá nhânHành trình xóa bỏ những bất an trong tài chính cho người phụ nữ

Hành trình xóa bỏ những bất an trong tài chính cho người phụ nữ

RedBag Team 12/01/2022

Trong cuộc sống người phụ nữ liên tục đóng nhiều vai trò cùng lúc khác nhau. Một người phụ nữ thành công trong công việc, một người vợ đảm đang, một người mẹ mẫu mực,... Trên hết phụ nữ cũng có những áp lực riêng không thể nào tỏ bày mà một trong số đó đến từ sự bất an trong tài chính.

Vậy làm thế nào để xóa bỏ những bất an trong tài chính cho người phụ nữ? RedBag đã có cuộc trò chuyện với chị Thái Ngoan - Chuyên gia tài chính cá nhân cho phụ nữ. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính cũng như hiểu biết sâu sắc về tâm lý của người phụ nữ, chị sẽ mang đến những lời khuyên nào cho chúng ta?

xoa-bo-noi-bat-an-trong-tai-chinh-cho-phu-nu-redbag-tag1

Cơ duyên chị đến với nghề Coaching?

Chị xuất thân trong ngành tài chính ngân hàng đến nay đã được 14 năm. Trước đây chị làm thuần về nghiệp vụ cho khách hàng cá nhân như là tư vấn và phát triển sản phẩm.

Năm 2020, chị tham gia khóa đào tạo Coach chuyên nghiệp của ICF. Sau khi học xong chị thấy phương pháp Coaching (huấn luyện) này rất mạnh. Nếu bình thường mình chỉ tư vấn kiến thức và công cụ cho khách hàng thì với Coaching, mình phải hiểu được khách hàng từ sâu bên trong. Họ đang cần gì? Điều gì đang thôi thúc họ? Hay có những nỗi sợ nào khiến họ không thể quản lý tài chính?

Lúc đó chị mới bắt đầu xây dựng chương trình Financial Coaching - Huấn luyện về Tài chính Cá nhân. Nhằm giúp khách hàng đào sâu hơn về khía cạnh “cá nhân” trong tài chính để xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân tốt nhất theo cách riêng của mỗi người.

ke-hoach-tai-chinh-cho-phu-nu-redbag-p1

Tại sao chị lại hướng đến chủ đề Coaching “Bình an tài chính cho phụ nữ”?

Khi nhắc đến tài chính có thể mọi người sẽ nghĩ nhiều đến việc đầu tư hoặc làm giàu. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn cho khách hàng, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Chị mới thấy mặc dù họ có rất nhiều tiền trong tay nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ và bất an.

Khi đào sâu vào bên trong, chị mới thấy việc có nhiều tiền chưa chắc đã giúp người phụ nữ đạt được hạnh phúc từ bên trong. Họ cần phải có sự kết nối với chính mình thì tài chính mới giúp họ đạt được hạnh phúc một cách trọn vẹn.

Vì thế khi Coaching về tài chính, mong muốn của chị là giúp các chị em đạt được sự bình an từ bên trong. Từ đó, mới áp dụng thêm các công cụ quản lý tài chính nhằm đạt được sự giàu có và trù phú bên ngoài. Đó là lý do chị chọn Coaching về bình an tài chính.

xoa-bo-noi-bat-an-trong-tai-chinh-cho-phu-nu-redbag-tag2

Khi nhắc đến vấn đề tài chính, nhiều người cho rằng nam giới sẽ có nhiều áp lực hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phụ nữ cũng gặp không ít những áp lực về tài chính. Theo chị, những vấn đề nào ngăn cản người phụ nữ đạt được bình an trong tài chính?

Ngày xưa, đàn ông là người lao động chính trong gia đình. Thực tế bây giờ có đến 80-90% người phụ nữ Việt Nam đều đi làm kiếm tiền để chăm lo cho gia đình. Trong đó có đến 40-50% phụ nữ chịu gánh nặng tài chính giống như người đàn ông.

Trong quá trình khai vấn, chị thấy rằng: Mặc dù bây giờ trách nhiệm tài chính của phụ nữ rất lớn, nhưng họ vẫn có những áp lực và gánh nặng khiến họ cảm thấy bất an trong tài chính. Kể ra thì có rất nhiều nhưng tóm lại có 5 thứ phụ nữ hay gặp phải nhất.

Điều đầu tiên, người phụ nữ cứ nghĩ đến tiền là trong lòng cảm thấy bất an. Bởi những niềm tin sai lầm từ sâu bên trong như phụ nữ thì không thể làm ra tiền hay cứ có nhiều tiền thì càng đau khổ,... Những điều đó khiến họ cảm thấy bất an mỗi khi nghĩ đến tiền.

Thứ hai, thông thường có nhiều người cứ nghĩ đến số liệu hay quản lý tiền là đã cảm thấy khó thực hiện. Do vậy họ sợ và từ đó không dám tìm hiểu cũng như học hỏi cách quản lý tài chính. Điều đó cũng khiến họ cảm thấy bất an, dù họ không biết thực tế quản lý tài chính là khó hay dễ.

ke-hoach-tai-chinh-cho-phu-nu-redbag-phan2

Thứ ba, đây là điều chị thấy mọi người cũng hay gặp phải. Đó là mặc dù người phụ nữ nhận thức được gia đình cần có sự bảo đảm về mặt tài chính thì cuộc sống mới tốt đẹp, nhưng họ lại không có động lực để kiếm tiền. Một số khác lại không biết bao nhiêu là đủ, cứ lao đi kiếm tiền. Đấy là hai trạng thái mất cân đối của người phụ nữ khi họ không biết mình cần gì cho tài chính cá nhân của mình.

Thứ tư, liên quan đến quản lý chi tiêu đó là vấn đề mất kiểm soát chi tiêu. Nhiều chị em có suy nghĩ phải yêu thương, chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, yêu bản thân thế nào cho đúng cách thì họ lại không biết. Họ yêu mình bằng cách bù đắp cho bản thân bằng vật chất, nhưng thứ vật chất đấy chỉ giúp họ khỏa lấp sự mất kết nối bên trong. Điều này có thể khiến tình hình tài chính của họ bất ổn nếu chi vượt mức.

Thứ năm, gia tăng tài sản. Đàn ông thích đi đầu tư kiếm tiền để tiền sinh lãi. Tuy nhiên, nhiều người phụ nữ lại sợ đầu tư, cứ nhắc đến đầu tư thì có cảm giác như cờ bạc. Đó là một tư duy khá sai lầm. Mặc dù họ rất muốn có thêm tiền nhưng lại sợ những cách thức đầu tư giúp “tiền đẻ ra tiền” khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn không thể cải thiện tình hình tài chính cho mình.

Chị có nhắc đến một trong những yếu tố ngăn cản phụ nữ tiến đến bình an trong tài chính chính là cách chi tiêu. Hiện tại, cách chị phân bổ thu chi của mình như thế nào?

Cách phân bổ thu chi của chị rất đơn giản. Không khác mấy so với các phương pháp tài chính được chia sẻ trên mạng như 6 chiếc lọ hay 50-30-20. Tuy nhiên, không quan trọng 6 chiếc lọ ấy tên là gì? Tỉ lệ của chúng như thế nào? Mình phải thật sự hiểu ý nghĩa của cách phân bổ này là gì chứ không nên áp dụng một cách máy móc.

Bởi chị nghĩ tài chính cá nhân sẽ phụ thuộc vào yếu tố “cá nhân” và từng giai đoạn trong cuộc sống. Tất nhiên là với những khoản chi phí cố định mình phải phân bổ đầu tiên để đảm bảo cuộc sống ổn định. Bên cạnh khoản thiết yếu thì khoản tích lũy cũng rất quan trọng. Tích lũy cho quỹ hưu trí và cho những mục tiêu, ước mơ của mình. Tuy nhiên, quỹ dành cho ước mơ của chị cũng không nhiều vì chị biết cái gì thực sự cần thiết với mình.

Một phần nữa mà chị rất ưu tiên đó là từ thiện. Đó là thứ chị luôn hướng tới trong cuộc sống. Chị phân bổ cho phần này khoảng 10% hoặc nhiều hơn tùy vào tình hình tài chính của mình. Sau đấy mới phân bổ đến các quỹ khác như quỹ hưởng thụ hay quỹ học tập phát triển.

Thật ra, chị học và đọc rất nhiều. Tuy nhiên, xã hội bây giờ rất phát triển, nếu mình có khả năng tự học, mình sẽ không mất quá nhiều chi phí. Nếu những khoản thiết yếu kia đã chiếm phần nhiều trong tài chính của mình thì có thể áp dụng cách này.

Đối với khoản hưởng thụ, ý nghĩa quan trọng của nó là để cân bằng cuộc sống. Ngoài những lúc mình dành thời gian đi làm kiếm tiền thì hãy dành một phần tài chính cho bản thân để hưởng thụ cuộc sống. Điều quan trọng trong hưởng thụ đó là mình biết mình thích gì. Ví dụ bạn thích trải nghiệm, bạn đi du lịch ở những chỗ 5 sao, nhưng nó lại không phải điều bạn thích. Thay vào đó, nếu đi phượt hay đi đến những bãi biển hoang sơ thì sao? Nó vừa không làm mình tốn quá nhiều chi phí mà có thể đáp ứng được nhu cầu và sở thích của mình.

ke-hoach-tai-chinh-cho-phu-nu-redbag-phan2a

Theo chị, những sai lầm khi quản lý chi tiêu của phụ nữ là gì?

Sai lầm lớn nhất trong quản lý chi tiêu mà chị thấy đó là: Có bao nhiêu tiền sẽ chi tiêu trước, sau đó mới tiết kiệm. Tuy nhiên, tâm lý này lại khiến chúng ta khó tiết kiệm được, bởi cứ thấy túi tiền mình vẫn còn thì mình sẽ bị chi tiêu cám dỗ.

Thứ hai đó là mọi người thường không hoạch định ngân sách chi tiêu vào đầu năm hoặc đầu tháng. Không ngồi lại để xem mình đã chi tiêu những khoản nào? Vì thế, khi phát sinh những vấn đề không nằm trong ngân sách, chúng ta thường lấy khoản này đắp khoản kia.

Thứ ba là săn sale Shopee, Lazada, mua sắm online để giảm stress. Cứ đến ngày lễ 11/11 hay 12/12 là dân tình nô nức. Đôi khi, điều đó không giúp gì được cho mình mà còn khiến mình dằn vặt hơn nữa. Tốt nhất như chị là xóa hết các app đó (cười). Nếu mình không biết về ngày đó thì mình có thể không phát sinh nhu cầu, nhưng nếu thấy thông báo thì sẽ tò mò rồi vào xem. Đó là chiến lược Marketing của các nhãn hàng nhằm kích thích nhu cầu người dùng.

Do đó, nếu không có nhu cầu thì tốt nhất mình cứ tắt thông báo hoặc xóa chúng đi. Vì đầu tháng bạn cũng đã có dự tính mua sắm những thứ gì rồi, chứ không phải đợi đến lúc khuyến mãi mới phát sinh nhu cầu.

Thứ tư là thẻ tín dụng, đó cũng là một thứ khiến chúng ta dễ phát sinh nhu cầu do việc thanh toán online quá dễ dàng. Bản chất của thẻ tín dụng liên quan đến hành vi tâm lý học, khi mình thực hiện hành vi quẹt thẻ quá dễ dàng, mình sẽ mất đi tâm lý đề phòng khi chi tiêu.

Xem thêm: Mua hàng giảm giá có thực sự giúp bạn tiết kiệm hơn?

Tại Việt Nam, thẻ tín dụng gần đây mới được biết đến và cũng chưa có nhiều người sử dụng. Vậy chị có thể chia sẻ thêm về thẻ tín dụng cũng như cách sử dụng làm sao để không bị bội chi được không?

Có một giai đoạn chị không dùng đến thẻ tín dụng nữa nhưng bây giờ thì có vì chị cảm thấy chúng tiện lợi. Tuy nhiên, chị dùng nó trong những khoản đã hoạch định từ trước. Chẳng hạn như khi đóng tiền bảo hiểm, thông thường chúng ta sẽ đóng theo năm, nhưng không phải vì vậy mà mình chờ đến khi có lương mới đóng một lần. Mà hàng tháng mình đã trích ra một khoản dành riêng cho bảo hiểm.

Tuy vậy, chị vẫn sử dụng thẻ tín dụng cho những khoản như thế. Vì thẻ tín dụng có chính sách cashback (hoàn tiền) mà mình có thể tận dụng được để giảm chi phí. Ngoài ra, hình thức thanh toán cũng rất tiện lợi, không cần phải mang theo tiền mặt. Có những lúc đến hạn đóng bảo hiểm mà mình đang dùng tiền để đầu tư thì mình có thể dùng thẻ tín dụng để thanh toán trước rồi trả lại sau.

Chị sẽ không dùng thẻ tín dụng cho những nhu cầu phát sinh. Bởi khi mua sắm theo cảm hứng mà mang theo thẻ thì sẽ dễ chi tiêu vượt quá kế hoạch hoặc chi vào những thứ không thực sự cần thiết.

xoa-bo-noi-bat-an-trong-tai-chinh-cho-phu-nu-redbag-tag3

Chị đã từng trải qua những bất an về tài chính hay chưa?

Chị đã từng gặp một số vấn đề trong đó. Chẳng hạn hay bất an khi nghĩ đến tiền mặc dù tình hình tài chính lúc đó chẳng có vấn đề gì. Thi thoảng chị cứ nghĩ: “Không biết sau này mình không đi làm, không có tiền nữa thì làm thế nào?” Cứ nghĩ đến điều đó thôi đã thấy lo rồi.

Cũng có những giai đoạn bị stress, mất kết nối với bên trong nên chị đã đi mua sắm và chi tiêu quá độ. Mình cứ nghĩ mua sắm là cách yêu thương bản thân nhưng thực chất lại khiến mình lo lắng hơn vì túi tiền ngày một vơi đi. Những món đồ sở hữu ngày càng nhiều nhưng lại không đáp ứng nhu cầu của mình.

Thêm nữa, lúc đó chị cũng không biết gì về đầu tư nên cũng có những nỗi sợ về nó.

Những lúc đó cách mà chị vượt qua là gì?

Thật ra cách chị vượt qua đó là một câu chuyện khá dài và cũng cần nhiều thời gian. Hồi xưa chị không có người đồng hành chỉ dẫn cho mình nên mất nhiều thời gian đến như thế. Lúc đó thì chỉ có các bạn tư vấn sản phẩm chứ cũng không có ai theo kiểu khai vấn, giúp mình hiểu bên trong mình có vấn đề gì và mình cần phải điều chỉnh như thế nào? Do đó, chị mất nhiều thời gian để tự tìm cách để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn đó.

Một trong những cách đó chính là Coaching. Các chuyên gia tài chính thì không giúp mình được việc đó nhưng những chuyên gia về khai vấn thì có thể. Khi đó, chị đi học Coaching thì gặp được các anh chị, thầy cô, đồng nghiệp rất giỏi. Chị được khai vấn và bắt đầu kết nối được với bên trong mình. Lúc mình hiểu được đâu là điều mình mong muốn thì mình mới có thể biết được mục tiêu tài chính của mình là gì. 

Lúc đấy, chị bắt đầu áp dụng các kiến thức và công cụ quản lý tài chính cá nhân cho kế hoạch của mình. Từ đó, chị mới thấy những nỗi bất an của mình khi đó không thực tế, dần dần chị mới đạt được trạng thái bình an hơn.

ke-hoach-tai-chinh-cho-phu-nu-redbag-phan3

Không chỉ riêng người phụ nữ, ngày nay, ai trong chúng ta cũng có lúc không thật sự hiểu được điều mà mình mong muốn. Vậy làm cách nào để tìm cách kết nối với bản thân để từ đó xác định được mục tiêu tài chính cho riêng mình?

Bây giờ có rất nhiều lớp về phát triển bản thân. Thậm chí chúng ta cũng có thể tìm kiếm trên mạng được rất nhiều công cụ để khám phá bản thân mình. Chị thấy những công cụ đó rất hay. Mọi người có thể tham khảo “Bánh xe cuộc đời” hay công cụ “Xác định bức tranh lý tưởng/Cuộc sống lý tưởng trong tương lai”.

Mục đích của những bài tập đó là để xác định mình thực sự mong muốn điều gì trong cuộc sống. Cuộc sống của mỗi người sẽ có nhiều khía cạnh như gia đình, tài chính, tâm linh,... Trong những khía cạnh đó bạn mong muốn đạt điều gì trong tương lai hoặc vẽ ra một bức tranh lý tưởng 5-10 năm nữa mình muốn trở thành người như thế nào?
 
Nhờ những hướng dẫn đấy, các bạn có thể đào sâu và kết nối với bản thân mình từ bên trong. Trong những trường hợp mình không thể tự tìm ra được, mình có thể gặp những người khai vấn (Coach). Họ sẽ có cách để lắng nghe, tìm hiểu và đào sâu hơn để giúp mình làm rõ. Khi mọi người biết được đâu là điều mình mong muốn thì lúc đó tài chính mới hỗ trợ được. Bằng không mọi người sẽ mãi chạy theo những thứ vật chất không thuộc về mình.

Sau khi biết được điều mình mong muốn, chắc hẳn bước tiếp theo sẽ là lập kế hoạch tài chính cá nhân. Theo chị, quy trình lập kế hoạch tài chính cho phụ nữ sẽ bao gồm những bước nào?

Quy trình hoạch định tài chính cá nhân là một quy trình chuẩn trên thế giới, do các chuyên gia tài chính áp dụng và thường sẽ gồm 5 bước:

Bình thường sẽ có 5 bước như thế. Nhưng khi khai vấn cho khách hàng chị thường có một bước nữa trước khi thực hiện 5 bước đó. Đó là giúp mọi người xác định giá trị cốt lõi mà mình luôn hướng tới, tức là những điều quan trọng nhất với họ.

Có những người cái cốt lõi đó với họ chính là sự yêu thương, sự tự do,.. Khi mọi người biết được giá trị cốt lõi của mình là gì, nó sẽ là kim chỉ nam giúp mình lựa chọn con đường đúng đắn hơn. Bởi vì con đường nào cũng sẽ đến được với mục tiêu nhưng quan trọng con đường nào phù hợp với giá trị cốt lõi của mình nhất để giúp bản thân cảm thấy hạnh phúc khi lựa chọn.

xoa-bo-noi-bat-an-trong-tai-chinh-cho-phu-nu-redbag-tag4

Nếu so sánh bảng kế hoạch tài chính của một người phụ nữ độc thân với người phụ nữ đã lập gia đình thì chị thấy có điểm gì khác biệt?

Có nhiều bạn trẻ trong lớp học của chị đã hỏi rằng: “Em đã lập kế hoạch tài chính cho bản thân mình trong 5-10 năm nữa rồi nhưng đến lúc lập gia đình thì sao?” Chị cũng trả lời rằng: Bước quan trọng nhất trong kế hoạch đó là review và điều chỉnh. Bởi không có kế hoạch nào là cố định vĩnh viễn cả. Dù mình có lập kế hoạch cho 10-20 năm sau nhưng không có nghĩa là nó sẽ cố định trong 20 năm. Do đó, khoảng 6 tháng đến 1 năm mình phải review định kỳ một lần.

Có những giai đoạn cuộc đời đòi hỏi mình phải thay đổi kế hoạch. Đối với những bạn chưa lập gia đình thì mục tiêu thông thường sẽ liên quan đến các nhu cầu cá nhân như tự do tài chính, kinh doanh,... Nhưng khi chuẩn bị có gia đình họ sẽ có những mục tiêu chung, đặc biệt là liên quan đến con cái.

Tuy vậy, cũng có sự tương đồng giữa người phụ nữ độc thân và đã lập gia đình. Đó là sau khi có tư duy hệ thống về tài chính cá nhân, họ sẽ chuẩn bị cho mình một nền tảng tài chính để sẵn sàng đối diện với những biến cố và rủi ro xảy ra trong cuộc sống. Đó là nền móng cho tài chính nói chung.

Thông thường nền móng đó sẽ bao gồm quỹ dự phòng để phòng tránh rủi ro như thất nghiệp hoặc những sự cố cần đến tiền. Hai là bảo hiểm để phòng tránh những lúc bệnh tật hoặc rủi ro về sức khỏe. Ba là quỹ hưu trí, quỹ này sẽ không liên quan đến việc có lập hay không lập gia đình mà nó là chuyện đương nhiên. Bởi vì ai rồi cũng sẽ đến lúc già đi. Đó là những điều mà các bạn nên chuẩn bị trước khi có những mục tiêu khác liên quan đến cá nhân hay gia đình.

ke-hoach-tai-chinh-cho-phu-nu-redbag-phan4a

Khi chuẩn bị kết hôn chúng ta nên điều chỉnh kế hoạch tài chính của mình như thế nào?

Theo chị, sẽ có những trường hợp sau:

Nếu một người đã lập kế hoạch tài chính cho mình rồi thì bây giờ bạn ấy chỉ cần hình dung cuộc sống gia đình của mình sẽ như thế nào? Con cái ra làm sao? Gia đình như thế nào? Có cần phải phụng dưỡng bố mẹ, ví dụ như bố mẹ chồng không? Có cần phải mua nhà không? Mình có muốn con cái của mình sau này học tập ở những ngôi trường như thế nào?

Thậm chí có bạn còn mong muốn tổ chức một đám cưới hoành tráng ở Bali và cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về nó. Mình nghĩ đó là những thứ xa xỉ nhưng đôi lúc nó cũng được xem là hạnh phúc của cả một đời người. Mục tiêu tài chính của mỗi người mỗi khác, mình cũng không phán xét mục tiêu đó là tốt hay xấu. Quan trọng là khi nghĩ đến những hình ảnh đấy chúng ta có cảm thấy hạnh phúc hay không?

Khi chuẩn bị lập gia đình, chúng ta nên hình dung về những điều tốt đẹp, chứ đừng suy nghĩ về những nỗi sợ. Sau đó mình mới bước qua phần tài chính. Vậy để đạt được cuộc sống như thế, mình cần chuẩn bị những nguồn tiền nào?

Đối với những bạn trẻ còn chưa có kế hoạch tài chính cho mình thì khoan nghĩ đến tài chính gia đình. Họ nên có mục tiêu cho mình trước để đảm bảo nền móng vững chắc trước khi suy nghĩ đến những mục tiêu còn lại.

Bên cạnh mong muốn tiến đến cuộc sống hôn nhân gia đình, nhiều chị em lại hướng đến cuộc sống độc thân tự chủ. Theo chị, xu hướng này ảnh hưởng thế nào đến tư duy tài chính của phụ nữ?

Cũng hơi buồn vì một số bạn hướng đến xu hướng độc thân. Không muốn lấy chồng, và hình thành nên lối tư duy tài chính “có bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu”. Vì các bạn nghĩ rằng mình chẳng cần để dành tiền cho ai cả. Đúng là mình làm mình hưởng nhưng chị nghĩ đó là do các bạn vẫn chưa có những suy nghĩ hay ước mơ đủ lớn để quản lý tài chính tốt hơn.

Bạn không muốn lập gia đình nhưng còn trách nhiệm với xã hội thì sao? Mình có thể giúp ích gì cho xã hội? Khi mình nghĩ đến những cái lớn như thế thì mình sẽ thấy rằng nếu biết quản lý tài chính cá nhân, biết dự phòng cho mình sẽ giúp người khác không phải lo lắng khi mình gặp chuyện. Bên cạnh đó, mình cũng có thể giúp đỡ những người khó khăn, lan tỏa yêu thương khi mình có tài chính vững vàng. Bởi nếu muốn giúp ai đó bằng tiền thì cũng phải có tiền, mà nếu giúp bằng sức thì cũng phải có tiền để lo cuộc sống của mình trước để đủ sức lo cho người khác.

Chị nghĩ rằng: Khi sinh ra mục đích sống của mỗi người không chỉ nên dừng lại ở bản thân mình, mà còn phải làm một điều gì đó tốt đẹp hơn cho những người xung quanh, cuộc sống lúc này mới thật sự có ý nghĩa. Và tài chính là một thành tố rất quan trọng để mình có đủ thời gian và nguồn lực đi theo những mục tiêu lớn lao đó.

Với những người phụ nữ mong muốn gia tăng tài sản nhưng lại sợ đầu tư thì theo chị có cách nào khác hay không?

Trước khi đầu tư vào một kênh nào đó, chúng ta cần phải có kiến thức và tìm hiểu thật rõ về kênh đó. Ví dụ mọi người thường nghĩ chứng khoán là lừa đảo. Nhưng nếu tìm hiểu về thị trường chứng khoán, mọi người sẽ thấy trên đó là những doanh nghiệp sống, phản ánh nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Khi hiểu được bản chất của kênh đầu tư đấy mình sẽ bớt cảm giác lo sợ hơn.

ke-hoach-tai-chinh-cho-phu-nu-redbag-phan4b

Mỗi người sẽ có khẩu vị rủi ro khác nhau, tùy thuộc vào tâm lý đối diện với rủi ro của từng người mà lựa chọn kênh đầu tư phù hợp. Trải nghiệm đầu tư phải là trải nghiệm trong sự hiểu biết chứ không phải chỉ nghe lời khuyên của người khác. Khi đấy mọi người sẽ làm chủ được thông tin và biết được cách thức đầu tư để dần tháo gỡ bất an cho mình.

Đầu tư cũng sẽ có những lúc thua lỗ, nhưng khi có kiến thức mình sẽ không nằm trong trạng thái lỗ mà không biết vì sao mình lỗ. Chị tin rằng với những ai đã có kiến thức và trải nghiệm thì dần dần sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm. Thật ra thị trường không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ.

Sau cùng, chị có đôi lời nào muốn nhắn nhủ đến các chị em đang theo dõi cuộc trò chuyện này hay không?

Nhân buổi trò chuyện hôm nay, bản thân cũng là một người phụ nữ, chị mong rằng tất cả các chị em sẽ đạt được sự an tâm trong cuộc sống cũng như tài chính.

Trong năm 2022, chị mong muốn những ai đã quản lý tài chính cá nhân tốt rồi thì hãy tiếp tục duy trì. Còn những ai chưa bao giờ quản lý tài chính thì hãy dành chút thời gian để nhìn lại và bắt đầu hoạch định kế hoạch tài chính bằng một vài mục tiêu, chỉ nhỏ thôi cũng được. Nhưng chí ít nó khiến mình cảm thấy hào hứng và thôi thúc mình quản lý tài chính.

Nếu không có mục tiêu thì quản lý tài chính cũng không giúp ích gì cho mình cả. Lúc đấy, mình chẳng cảm thấy có động lực. Vì vậy, hãy tìm cho mình một mục tiêu nhỏ nhất để chinh phục và thành công đến với những mục tiêu tiếp theo. Hãy tự tin lên!

Trong quá trình hoạch định và quản lý tài chính cá nhân, nếu chị em có những vướng mắc hay gặp khó khăn, Ngoan rất sẵn lòng lắng nghe và chia sẻ với mọi người.

Xin cảm ơn chị đã mang đến những thông tin chia sẻ vô cùng bổ ích dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là các chị em phụ nữ. RedBag hy vọng thông qua cuộc trò chuyện lần này, các chị em đã có thể tự tin hơn trong việc hoạch định kế hoạch tài chính 2022 cho mình.

Nhìn quanh để biết” là series phỏng vấn người thật việc thật về những vấn đề quen thuộc xoay quanh tài chính cá nhân. Thông qua chia sẻ của các khách mời, RedBag hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được những mẹo hay để ứng dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình.

RedBag

Bài viết mới nhất

Xem tất cả

Bài viết đọc nhiều

Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!

Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN