BlogTài chính cá nhânNgười trẻ nên làm gì để vượt qua những áp lực tài chính đầu đời?

Người trẻ nên làm gì để vượt qua những áp lực tài chính đầu đời?

RedBag Team 24/02/2022

RedBag biết bạn đang có những trăn trở và áp lực về tài chính mỗi ngày. Thế nhưng tiếp tục né tránh vấn đề không phải là cách. Bản thân sự áp lực đó không đáng sợ. Đáng sợ là bạn không biết bản thân mình đang gặp áp lực gì trong tài chính và làm cách nào để vượt qua chúng.

Thế nên, RedBag đã có cuộc trò chuyện cùng anh Nguyễn Tuấn Anh - Nguyên Giám đốc Khối Dịch vụ đầu tư và Quản lý tài sản tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT. Người có 16 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính sẽ mang đến cho chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, những thông tin bổ ích nhằm giúp các bạn có thể vượt qua được những áp lực tài chính đầu đời.

nguyen-nhan-nguoi-tre-gap-ap-luc-tai-chinh-redbag

Sẽ có nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên anh sẽ chỉ nêu ra 3 nguyên nhân chính như sau:

nguoi-tre-voi-ap-luc-tai-chinh-redbag

Anh nghĩ 3 thứ đó thôi đã đủ khiến chúng ta áp lực rồi. Tuy nhiên, những áp lực bên ngoài đó không đáng sợ bằng áp lực bên trong. Anh cảm thấy áp lực lớn nhất của người trẻ bây giờ chính là khó khăn trong việc nhìn nhận lại bản thân mình. Đâu là tôi? Đâu là thứ tôi muốn xây dựng trên con đường tạo nên chính bản thân mình?

Bởi trong thời đại hiện nay con người phải đối mặt với quá nhiều thông tin khiến đôi lúc chúng ta bị lạc lõng và không biết mình là ai? Chúng ta luôn thử mỗi thứ một chút và liên tục. Đó chính là lý do vì sao anh xây dựng nên podcast “Tài chính tự thân”.

nguoi-tre-voi-ap-luc-tai-chinh-redbag

Ngày trước, bọn anh cứ muốn học tập thật tốt để xin vào Big4 - Top 4 Công ty Kiểm toán hàng đầu, với mong muốn nơi đó hỗ trợ mình. Đó là mình đang hy vọng vào một thứ năng lượng từ bên ngoài, từ công ty đó mang trả lại cho mình. NO. Anh cho rằng: Một khi bạn đã hiểu bản thân, bạn sẽ chủ động gom nhặt những thứ phù hợp nhất lắp vào chính mình.

Do vậy anh mới thấy bước hiểu bản thân chính là bước khó nhất với người trẻ. Chứ còn những rào cản bên ngoài rồi sẽ qua thôi! Không có gì cả.

>>>Tất tần tật về quản lý tài chính cá nhân chi tiết tại link này

cach-vuot-qua-ap-luc-tai-chinh-redbag

1. Hiểu rõ bản thân mình bởi vì: “Rào cản đầu tiền khó vượt qua nhất với người trẻ đó chính là mình”

Ba mẹ anh ly dị từ rất sớm và anh sống độc lập. Thành ra anh có cơ hội thử sớm và vì thử sớm nên anh có sự dũng cảm khi chạm tới bất cứ thứ gì mới.

Lời khuyên của anh đơn giản là: Nếu chúng ta chưa tìm thấy được bản ngã của mình, nếu chưa biết bên trong mình muốn gì thì hãy thử đi. Nhưng khi thử hãy nhớ kiểm tra lại mình liên tục xem mình có thích cảm giác đó không?

Ví dụ, bạn có cảm giác mình là con người của gia đình thì mình hãy thử chăm sóc gia đình mình hiện tại. Lúc đấy, ánh mắt của ba mẹ nhìn mình có làm mình thích cảm giác đấy không? Nếu thích thì ok, mình đã nắm đúng khu vực rồi đấy. Hãy khoanh vùng khu vực đấy lại.

2. Nắm rõ lộ trình phát triển tài chính cá nhân của mình

Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Tuấn Anh về lộ trình phát triển tài chính cá nhân của một người:

Lộ trình phát triển tài chính cá nhân: Thu nhập ⇒ Chi tiêu ⇒ Tiết kiệm (lấp đầy các quỹ cần thiết) ⇒ Đầu tư

Nhìn chung, lộ trình phát triển tài chính cá nhân theo anh thấy rất dễ hiểu và dễ nhớ thôi:

lo-trinh-phat-trien-tai-chinh-ca-nhan-redbag

Đó là những bước lớn cần nhớ. Tuy nhiên, anh khuyến khích người trẻ chỉ nên tập trung vào đúng một việc đầu tiên thôi đó là thu nhập. Mình đừng quan tâm quá nhiều những thứ khác bởi đó là nguyên lý của sự tập trung. Chúng ta nên tập trung vào thứ mình ưu tiên hàng đầu thôi.

Thế thì quan trọng nhất trong thu nhập chính là sức lao động mà chúng ta đang cống hiến. Một số ngành nghề sẽ có những hình thái nhất định.

Ví dụ, các cầu thủ bóng đá trong giai đoạn đầu sự nghiệp sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Do đó, họ phải tập trung lao động với cường độ lớn. Sau giai đoạn đấy họ hầu như phải chuyển sang nghề khác. Vậy nên khi lựa chọn một nghề nghiệp, chúng ta nên hình dung ra được hình thái thu nhập của mình trong tương lai. Để biết chúng ta nên dồn sự tập trung lao động của mình lớn nhất vào lúc nào.

Hay đối với các công việc khác như nghề của anh, khách hàng thường không chọn những nhà tư vấn trẻ. Lúc đấy anh phải đọc nhiều sách, tích lũy nhiều kinh nghiệm hay thậm chí là làm việc không lương chỉ để xin được trải nghiệm. Bởi vì gia tài của người tư vấn chính là trải nghiệm. Anh không thể chia sẻ với khách hàng nếu như anh chưa từng làm việc đó.

Do đó, chúng ta cần phải hiểu đúng bản chất công việc mình lựa chọn, đầu tư năng lượng vào giai đoạn quan trọng nhất để trở nên vững vàng hơn trong nghề. Khi đó thu nhập sẽ tự khắc đến theo đúng tính chất của nó.

Cuối cùng, anh thấy người trẻ cần quan tâm nữa là tư duy về thu nhập.

nang-cao-nang-luc-nang-cao-tai-chinh-redbag

Chúng ta thường có tư duy là: Mình lao động vất vả thế này rồi mà sao vẫn chỉ nhận được đồng lương ít ỏi. Anh muốn nhắc nhở mọi người rằng là thực ra thu nhập mà mọi người có hôm nay chính là ước mơ của mọi người từ thời sinh viên đấy. Nhưng khi nhận được nó, chúng ta đều quên mất ước mơ ngày xưa của mình.

Mong cầu tăng thu nhập là hợp lý nhưng nó sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta dám nói thẳng với người người trả tiền cho chúng ta. Khi thẳng thắn trao đổi chúng ta sẽ biết cách nâng cấp bản thân mình. Hãy cho trước rồi nhận sau. Chúng ta nâng cao năng lực bản thân trước rồi yêu cầu nâng mức lương tương xứng với mình. Tránh tư duy ngược chiều hiện tại của người trẻ đó là: Bởi vì anh chị trả tôi lương từng đó nên tôi chỉ làm từng đó thôi.

Xem thêm: Sở hữu cuốn bách khoa toàn thư về thu nhập miễn phí

3. Hiểu được tầm quan trọng của việc quản lý tài chính

Có những lý do sau khiến việc quản lý tài chính cá nhân đối với người trẻ là quan trọng:

a. Sức ép của tiền bạc lên đời sống ngày càng cao

Thử nhìn lại trong quá khứ, lao động đơn thuần để quy đổi ra tiền và cuộc sống tối thiểu không khó khăn là mấy. Thế hệ trước trồng cây, nuôi cá, nuôi lợn vẫn đáp ứng được cuộc sống tối thiểu.

Tuy nhiên, gần đây, đối với các bạn sinh viên mới ra trường, đi làm,... mà anh hay gọi là thế hệ Professional Worker (những người làm việc chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp và tổ chức) thường phải chịu sức ép lớn về tiền bạc so với thế hệ trước bởi tốc độ sống ngày càng cao. Chính sức ép này đã khiến người trẻ phải chạy đua liên tục để nâng cao thu nhập.

b. Tiền có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt trong đời sống

Tương tự như thu nhập, khi sống ở các thành phố lớn, mức độ chi tiêu của chúng ta bây giờ cũng khác ngày trước.

Ngày trước, trong tỷ trọng số tiền chi tiêu, có nhiều thứ chúng ta tự làm được. Ví dụ như đi chợ chỉ cần mua một số thứ mà thôi bởi rau củ thì có thể trồng được ở nhà. Hay khi tặng quà cho người yêu cũng vậy, chúng ta thường ép hoa vào cuốn sổ hoặc tự cắt giấy màu làm hoa. Chúng ta tạo ra chúng trực tiếp dựa trên sức lao động của mình mà không cần nhiều đến tiền (dù vẫn phải mua giấy màu).

Còn bây giờ nếu nhìn quanh sẽ thấy rằng hầu hết những thứ chúng ta tiêu thụ hằng ngày đều xuất phát từ người khác và yêu cầu chúng ta phải có tiền. Do đó, tiền càng ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của mỗi người.

y-nghia-tiet-kiem-trong-quan-ly-tai-chinh-ca-nhan-redbag

Nhìn rộng hơn, Việt Nam đang sống trong thời kỳ mà đa số những người trẻ hiện nay đều có thu nhập lớn hơn chi tiêu tối thiểu. Thế hệ trước đây đi làm còn không đủ ăn, thế nên việc quản lý tiền bạc và tiết kiệm hàng tháng đối với họ là chuyện đương nhiên. Còn với thế hệ trẻ bây giờ, khi thu nhập cao hơn chi tiêu tối thiểu buộc chúng ta phải có sự chuẩn bị kĩ càng về kiến thức và kỹ năng tài chính cá nhân để làm sao quản lý được phần thừa đó.

Do không hiểu được điều này nên có nhiều người dù đi làm nhiều năm với mức lương 8-10 triệu vẫn không tiết kiệm được xu nào. Họ cũng không hiểu tại sao thời sinh viên chỉ tiêu 3-4 triệu một tháng mà vẫn sống được. Vậy mà đến khi có được một công việc với mức lương mơ ước, họ vẫn không thể tiết kiệm được. Thật ra nếu ở chế độ tự động thì sức hút của cuộc sống sẽ làm cho chúng ta tăng mức chi tiêu lên rất nhanh.

Đấy là lý do anh nghĩ rằng là sinh viên mới ra trường rất cần kiến thức và kỹ năng liên quan đến tài chính cá nhân để đối diện với những khó khăn trong cuộc sống.

4. Học cách quản lý tài chính cá nhân qua một số phương tiện

Mỗi người sẽ có một cách thức học hỏi khác nhau. Có người thích nghe, có người thích xem video và cũng có người thích đọc sách để chiêm nghiệm chậm rãi. Anh sẽ không khuyến nghị một hình thức nào cụ thể. Anh thấy việc lựa chọn nội dung và đánh giá nội dung đó ra sao mới thật sự quan trọng.

Lời khuyên số 1: Khi học hỏi qua các phương tiện chúng ta cần nhận biết mình có thể làm được điều gì qua đó

Trước đây, anh hay đọc những nội dung mang tính chất bên ngoài của vấn đề. Ví dụ những quyển sách anh đọc sẽ liên quan đến: Làm thế nào để kiếm tiền từ chứng khoán hay bất động sản? Làm thế nào để đánh giá được kinh tế thị trường?

Đến một thời điểm anh nhận ra rằng là: Đa số những quyển sách trong đó đều viết quá nhiều đến yếu tố bên ngoài (yếu tố thị trường) mà sự thật là chúng ta không có khả năng thay đổi những yếu tố bên ngoài đó. Ví dụ kinh tế tăng trưởng thì tài chính của chúng ta tăng trưởng theo, nhưng nhỡ đâu năm đấy kinh tế kém thì sao? Mình đâu có thể bắt nền kinh tế phải tốt lên để tôi tốt lên được đâu đúng không?

Do đó, anh đã dần bỏ qua một số nội dung phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố bên ngoài. Bởi vì anh không cảm thấy mình tác động được gì đến nó cả. Thế nên lời khuyên anh dành cho mọi người đó là: Mỗi khi đọc sách hay lắng nghe nội dung nào về tài chính cá nhân hãy tự hỏi mình có thể làm được gì qua đó.

hoc-cach-quan-ly-tai-chinh-ca-nhan-qua-sach-redbag

Lời khuyên số 2: Tập trung vào những yếu tố chúng ta có thể làm được

Tránh trường hợp khi đọc một quyển sách hay nghe một podcast đao to búa lớn nào đó mà mình không thể làm được. Đơn giản vì người ta là vận động viên Olympic còn mình chỉ là người mới thôi thì làm sao có thể làm theo cường độ giống như người ta được.

Ví dụ gần đây anh có đào tạo một người về giao dịch chứng khoán. Người đó đưa cho anh mục tiêu là: “Năm 2022, tôi muốn lãi 30% chứng khoán”. Ở các lĩnh vực khác, nếu mọi người muốn đặt mục tiêu như thế thì Tuấn Anh đồng ý. Nhưng đối với đầu tư chứng khoán, Tuấn Anh hỏi mọi người một câu: Nếu thị trường không tăng, chứ đừng nói là giảm, chúng ta có cách nào đâu để đặt một mục tiêu phi thường và lãi hơn thị trường như thế? Anh nói theo số đông chứ tất nhiên vẫn có số ít người làm được.

Lời khuyên của anh là: Tập trung vào những yếu tố chúng ta có thể làm được. Vậy những yếu tố đó trông như thế nào?

Yếu tố có thể làm được là những hoạt động liên quan đến chuyên môn của mình. Trong giai đoạn còn ngồi trên ghế nhà trường hay mới đi làm, mình có thể chủ động nâng cao chuyên môn. Chắc chắn khi bạn nâng cao chuyên môn của mình, bạn sẽ có thu nhập tốt hơn.

Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn chúng ta có khá nhiều thời gian. Chúng ta hãy thử hành động hoặc hoạt động giống như một người chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình. Ví dụ, thử sống như một ông sếp trong một ngày, nếu sau này bạn muốn trở thành sếp. Hãy thử đứng cạnh sếp một ngày để biết làm sếp thì như thế nào? Có thực sự sướng như mình nghĩ?

Đấy chỉ là một ví dụ thôi, mọi người có thể thử nhiều điều khác. Điều quan trọng là hãy cho phép tuổi trẻ của mình được thử.

Lời khuyên số 3: Hãy cho mình một nguồn cảm xúc được trở thành người mà mình mong muốn

Ví dụ, khi đọc một quyển sách và thấy rằng Warren Buffett là thần tượng của mình. Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu xem nhân sinh quan của ông ấy là như thế nào? Ông ấy thường có những cảm xúc gì? Chẳng hạn, ông ấy chia sẻ mình thích bông hoa này. Vậy thì mình xem bông hoa đấy như thế nào? Mình có thích bông hoa đấy không?

Đó là 3 thứ anh nhận thấy khi tìm hiểu về tài chính cá nhân. Vậy 3 thứ đấy cho chúng ta cái gì? Chính xác là nguồn động lực. Bởi sự thật là tất cả chúng ta, kể cả anh, đều có rất nhiều kế hoạch về tài chính cá nhân nhưng đều gục ngã giữa đường. Đó là lý do chúng ta cần những nguồn động lực như vậy để tự tái tạo liên tục và mạnh mẽ đi tiếp.

Xem thêm: Làm chủ cuộc sống bằng cách lập kế hoạch tài chính cá nhân
 
5. Tham khảo một số quyển sách hay dành cho người mới bắt đầu quản lý tài chính

Anh rất thích sách nước ngoài, không phải vì sính ngoại, mà vì những quyển sách giáo dục của chúng ta về tài chính đang chậm hơn thế giới.

Một trong những quyển sách anh thích đó là The Almanack of Naval Ravikant. Tác giả quyển sách này khá trực diện, nêu ra từng vấn đề nhỏ ví dụ như lãi kép, quản lý thời gian,... Cách truyền đạt của ông ấy rất ngắn gọn và khoa học giúp chúng ta có thể nhìn thẳng trực diện vấn đề luôn.

Quyển sách này dành cho các bạn đọc được tiếng Anh và bản PDF đang miễn phí. Những người không đọc được tiếng Anh thì anh vẫn khuyên là nên xem. Tức là xem thôi không đọc bởi vì nó vẫn có mấy đồ thị để mình tham khảo. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tìm đọc sách Money - Master The Game (Tony Robbins) cũng khá hay.

giai-dap-thac-mac-ve-tai-chinh-ca-nhan-redbag

Bên cạnh những lời khuyên giúp mọi người vượt qua áp lực tài chính đầu đời, anh Nguyễn Tuấn Anh sẽ còn giúp các bạn trẻ trả lời một số câu hỏi sau liên quan đến các vấn đề tài chính trong thực tế đời sống mỗi người.

Như anh đã chia sẻ, trong giai đoạn đầu của tài chính cá nhân, người trẻ nên tập trung chủ yếu vào thu nhập. Vậy làm thế nào để một người tìm thấy hướng phát triển thu nhập cho bản thân?

Anh nghĩ mọi người phát triển thu nhập theo chiều rộng hay chiều sâu đều được. Quan trọng mọi người phải hiểu rõ về kết quả cuối cùng dành cho công ty, khách hàng của mình. Ví dụ khi Ronaldo tập luyện để thi đấu, anh ấy không được trả tiền cho sự luyện tập đó mà chỉ được trả tiền cho kết quả đạt được trong trận đấu, tức là ghi được bao nhiêu bàn.

Theo anh, để phát triển thu nhập cho bản thân sẽ có 2 giai đoạn thế này:

Khi các bạn chịu khó rèn luyện, các bạn sẽ có được kết quả tốt để trình bày với sếp của mình nhằm tăng thêm thu nhập, chẳng hạn như: Bạn đã tăng năng suất làm việc như thế nào? Công việc ấy tốt lên ra sao? Kỳ vọng của sếp về bạn trong năm tiếp theo là gì? Nếu đạt được kỳ vọng đó thì bạn sẽ được trả mức lương tiêu chuẩn bao nhiêu?
 
Như vậy chúng ta đang chia sẻ với người khác về sự phát triển bản thân mình và hãy nhớ rằng đấy là chúng ta đang xây dựng cho chính bản thân mình.

Một bạn sinh viên mới ra trường đi làm với mức lương 10 triệu/tháng. Theo anh, bạn ấy có thể làm những việc gì trước để quản lý tài chính cá nhân?

Một, quan tâm đến nguồn gốc thu nhập của mình

Đầu tiên, bạn phải tự hỏi: 10 triệu này tồn tại bao lâu? Có ổn định không và có lâu dài không?

Chúng ta chỉ tập trung làm việc mà chẳng bao giờ hỏi: Làm thế nào để thu nhập ổn định? Công ty của chúng ta trong tương lai như thế nào? Kinh doanh có ổn định không? Công ty ổn định thì bạn mới có thu nhập ổn định. Mình phải bày tỏ mong muốn được đóng góp cho công ty thì mới mong nhận lại được gì đó đúng không?

Vậy nên, yếu tố đầu tiên mà anh quan tâm đó là doanh thu hoặc thu nhập và nguồn gốc của thu nhập đó. Đã có thu nhập thì phải có nguồn gốc. Mình phải hiểu mình đóng góp gì cho công ty thì mới có nguồn thu nhập đó.

nguoi-tre-voi-ap-luc-tai-chinh-redbag

Hai, quan tâm đến chi tiêu tối thiểu của mình

Theo anh, ở những giai đoạn đầu, chúng ta phải xác nhận được sự tồn tại của mình dựa trên những thứ tối thiểu. Đừng nâng cấp cuộc sống lên vội. Ví dụ như cơm ăn, áo mặc, y tế,... Hãy ghi lại những thứ tối thiểu đó và cố gắng giữ vững nó.

Ba, chuẩn bị tài chính cho những thứ khác khi đã đảm bảo được chi tiêu tối thiểu

Sau khi đã đảm bảo được sự tồn tại của mình thì bạn mới bắt đầu chuẩn bị tài chính cho một số thứ khác. Ví dụ như đầu tư phát triển bản thân, hỗ trợ tài chính và chăm sóc cho cha mẹ,...

Theo anh, với những bạn trẻ mới ra trường đi làm thì có nên tập trung vào đầu tư chưa?

Lời khuyên 1: Chúng ta nên có trải nghiệm đầu tư từ sớm nhưng đầu tư bao nhiêu thì phải cân nhắc

Một số bạn đầu tư vào những kênh rất rủi ro. Ví dụ như đầu tư vào những kênh có thể lãi gấp 3, bỏ 1 triệu được 3 triệu. Vậy nếu bỏ 100 triệu sẽ được 300 triệu, lãi suất đấy là kinh khủng quá. Không phải như vậy đâu.

Lời khuyên đầu tiên mà anh dành cho những bạn mới học đầu tư đó là: Đừng nghĩ cái mình làm với 1 triệu sẽ áp dụng được với 100 triệu, 1 tỷ hay 1 nghìn tỷ.

Theo anh, có trải nghiệm đầu tư sớm là nên. Chúng ta sẽ biết được cách mở tài khoản, theo dõi thông tin hay biết được ai là chuyên gia thật trong lĩnh vực đó,... Tất cả những thứ đó là một khởi đầu tốt cho việc đầu tư.

loi-khuyen-trong-dau-tu-redbag

Lời khuyên 2: Phải phân định được thế nào là đầu tư?

Ở Việt Nam, chúng ta đang bị nhập nhằng giữa hai khái niệm “đầu tư” và “đi buôn”.
 
Đầu tư giống như một quá trình trồng cây. Bạn phải gieo hạt, trồng cây, khi cây đơm hoa kết trái thì mình lấy trái để ăn, chứ mình không ăn thân cây (trừ một số loại cây chuyên để ăn thân). Yếu tố quan trọng trong quá trình này chính là nguồn nước của bạn.

Tương tự, hàng tháng bạn có khoản tiền tiết kiệm dành cho đầu tư, bạn đầu tư liên tục như kiểu tưới cây, cây đầu tư sẽ lớn lên dần và hưởng lợi thế của lãi kép.

Lãi kép là khái niệm cực kỳ quan trọng trong đầu tư. Mọi người có thể search khái niệm SIP - Systematic Investment Plan (đầu tư định kỳ). Trải qua một quá trình đầu tư, mọi người sẽ có tài sản dài hạn để mua liên tục mà không bán, đến khi nào cây ra quả thì mới xem xét đến chuyện bán.

Đi buôn nghĩa là mình thấy sản phẩm đó ở Trung Quốc giá 10 triệu nhưng ở Sài Gòn lại đến 12 triệu. Thế là nhờ vào lợi thế thông tin và chênh lệch giá mình đưa ra quyết định đi buôn. Những người đi buôn là những người hiểu về chu kỳ thị trường, về cung cầu và về nhiều thứ khác.

Xem thêm: 3 cách đầu tư tiền thông minh giúp ví lúc nào cũng rủng rỉnh

Do chưa có nhiều kiến thức về tài chính, người trẻ sẽ rất dễ rơi vào tín dụng đen và bị lừa đảo. Anh có mẹo nào giúp các bạn biết cách bảo vệ mình khỏi lừa đảo tài chính được không?

Anh có 2 nguyên tắc sau để không bao giờ rơi vào lừa đảo tài chính:

Thứ nhất, chúng ta phải nắm được lãi suất chung của thị trường hiện nay. Thông tin này có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng. Ví dụ lãi suất gửi tiết kiệm tầm 6-7 %, lãi suất tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết rơi vào khoảng 20-25%, nếu đó là tăng trưởng thần kỳ,...

Vậy nên, nếu có người giới thiệu cho bạn một kênh gửi tiền hay đầu tư với lãi suất cao gấp 10 lần những gì chúng ta đang có thì chắc chắn đó là lừa đảo rồi. Sẽ không có chuyện một người có cơ hội được hưởng lãi suất cao như thế mà lại chia sẻ với chúng ta.

Chỉ cần biết như thế thôi đã đủ xác định được đây là lừa đảo rồi, không cần tìm hiểu sâu hơn nữa. Vì càng tìm hiểu sâu, người ta lại càng đưa ra nhiều lý lẽ lập luận để lừa chúng ta.

meo-tranh-lua-dao-tai-chinh-redbag

Thứ hai, hãy hỏi bên trong mình những câu sau: Mình có thật sự lao động để sinh ra kết quả đó hay không? Kết quả đó có xứng đáng không?

Nếu câu trả lời là “Không” thì đừng làm.

Giả sử, nếu có một người bảo bạn đứng trước cửa ngân hàng đợi họ đi cướp, khi nào cướp xong thì chở họ là được. Chuyến xe đó chỉ 20km và họ trả bạn tới 1 tỷ. Hãy tự hỏi liệu công việc đó có xứng đáng để bạn bỏ công sức ra hay không?

Đó là 2 cách kiểm tra bản thân mình theo anh thấy là hữu hiệu. Một là theo tiêu chuẩn bên ngoài (thị trường) và hai là theo tiêu chuẩn bên trong (sức lao động của mình có xứng đáng với thành quả đó không).

Sau cùng, anh còn điều gì muốn gửi gắm đến các bạn trẻ đang theo dõi bài viết này hay không?

Tuấn Anh hy vọng những thông điệp của mình sẽ được các bạn đón nhận dù nó có hơi khô khan và không mấy hấp dẫn như những thông tin quảng cáo bên ngoài.

Mong rằng sau mỗi cuộc trò chuyện này, mọi người hãy đưa ra được một hành động dù nhỏ nhưng mang lại lợi ích cho chính bản thân mình. Hành động đó có thể xuất phát ngay ngày hôm nay. Ví dụ, mọi người có thể viết lại rằng: Hôm nay tôi đã cải thiện tài chính của mình như thế nào?

Đồng thời, quên bớt đi những triết lý giáo điều bên ngoài và tập trung làm một điều gì đó cho bản thân mình để ngày một tiến bộ hơn.

Xin cảm ơn anh về những thông tin chia sẻ vô cùng bổ ích vừa rồi! Hy vọng các bạn đã phần nào biết được những nguyên nhân gây nên áp lực tài chính hiện tại cũng như biết cách giải quyết chúng cho mình.

Nhìn quanh để biết” là series phỏng vấn người thật việc thật về những vấn đề quen thuộc xoay quanh tài chính cá nhân. Thông qua chia sẻ của các khách mời, RedBag hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được những mẹo hay để ứng dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình.

RedBag

Bài viết mới nhất

Xem tất cả

Bài viết đọc nhiều

Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!

Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN