BlogTài chính cá nhânQuản lý tài chính thế nào để thích nghi với trạng thái bình thường mới?

Quản lý tài chính thế nào để thích nghi với trạng thái bình thường mới?

RedBag Team 05/11/2021
  1. 1. Sớm có kế hoạch tài chính mọi phiền lo sẽ không tồn tại
  2. 2. Cứ nghĩ khoản chi tiêu này cần thiết nhưng thật chất là đang đốt tiền
  3. 3. Dự án khởi nghiệp nào cũng cần hoạch định tài chính rõ ràng
  4. 4. Yếu tố nào là quan trọng nhất trong chuyện quản lý tiền bạc?

Không nhiều người trong chúng ta thường xuyên lập kế hoạch tài chính cá nhân cho đến khi gặp phải một sự cố bất ngờ. Chẳng hạn như tai nạn, thất nghiệp hay điển hình là dịch bệnh Covid-19. Covid-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn về tinh thần lẫn tài chính mỗi người.

Do đó, trong bối cảnh “chỉ có sự thay đổi là chắc chắn”, mỗi người cần phải thích nghi và điều chỉnh các kế hoạch tài chính phù hợp với cuộc sống bình thường mới. Một khi bạn đã cảm thấy an toàn về mặt tài chính thì mọi thứ về y tế, chăm sóc sức khỏe, gia đình sẽ không khiến bạn thêm âu lo hơn nữa.

Chia sẻ thêm về chủ đề: “Những thay đổi trong cách quản lý tiền bạc để thích nghi với trạng thái bình thường mới”. RedBag đã có cuộc trò chuyện với hai khách mời vô cùng đặc biệt hôm nay đó là:

Bạn Cái Minh Thạch - Quán quân cuộc thi FlagUp StartUp 2021, Co-Founder dự án GamBox và hiện đang là một Business Analyst.

Bạn Ngụy Huỳnh Hoàng Phúc - Quán quân cuộc thi FlagUp StartUp 2021, Co-Founder dự án GamBox và hiện đang là UX/UI & Graphic Designer tại RIO Tech JSC.

Sớm có kế hoạch tài chính mọi phiền lo sẽ không tồn tại

Không biết với đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của các bạn hay không? Cụ thể hơn là về công việc và thu nhập hiện tại?

Thạch: Mình đã từng đi làm từ khá sớm vào năm 2 đại học. Vậy nên, mình cũng đã chuẩn bị trước kế hoạch tài chính cho bản thân sau khi tốt nghiệp. Cơ bản là nếu dịch bệnh xảy ra, mình cũng có đủ nguồn tiền để chi tiêu cho khoảng 6-8 tháng tiếp theo mà không quá lo lắng.

Ngược lại, mình lại thấy trong đợt dịch này mình sống tiết kiệm hơn. Từ khi có dịch mình về quê nên hầu như mọi khoản chi tiêu đều đã được cắt giảm đáng kể.

Phúc: Mình thì cảm thấy khá may mắn vì công ty hiện tại mà mình đang làm việc ít bị ảnh hưởng bởi dịch. Do đó, thu nhập cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Song công ty cũng có các chính sách hỗ trợ nhân viên trong mùa dịch nữa. Nhờ đó mà mình cảm thấy thu nhập có phần tăng lên ấy chứ. (Cười)

Ngoài ra, mình cũng giống Thạch ở việc sống tiết kiệm hơn trong mùa dịch. Nếu trước đó mình chi tiêu nhiều vào các dịch vụ ăn uống, vui chơi thì nay lại thấy bớt hẳn. Bởi dịch thì phải tự nấu ăn ở nhà nên mình cũng giảm bớt các chi phí hơn so với việc ăn ngoài hàng. Nhìn chung thu nhập của mình không những không bị ảnh hưởng mà còn được cải thiện đáng kể.

ke-hoach-tai-chinh-sau-dich-redbag

Không biết với những thay đổi tích cực này, hai bạn có điều chỉnh gì về cách phân bổ nguồn tiền trước đó của mình hay không? Trước và sau dịch có gì khác biệt không?

Phúc: Đương nhiên mình cũng có sự điều chỉnh ngân sách trước và sau dịch. Trước đó, mình ưu tiên chia thu nhập thành 6 khoản. Trong đó, phần nhiều dành cho các khoản giải trí và vui chơi. Tuy nhiên kể từ khi có dịch, khoản tiền này đã được cắt giảm đáng kể. Thay vào đó mình dành nhiều tiền hơn cho khoản thiết yếu và chú trọng mua các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Thạch: Phúc chia làm 6 khoản lận hả? (Cười). Mình chỉ chia tối đa 3 khoản thôi, trong đó 50% dành cho các nhu cầu thiết yếu, 45% để tiết kiệm và đầu tư chứng khoán còn lại mình dành cho việc giải trí, khoảng 5%. Đó là trước khi có dịch bệnh Covid-19, còn trong giai đoạn giãn cách mình cũng có điều chỉnh lại những mức phân bổ này.

Do mọi chi phí về ăn uống, đi lại được giảm đi nhiều nên mình quyết định tăng khoản giải trí từ 5 - 10% lên đến 15 - 20%. Nghe hơi lạ nhỉ? Nhưng nó giúp mình giữ được tinh thần tốt để làm việc trong lúc giãn cách.

quan-ly-chi-tieu-sau-dich-redbag

Thông thường mình thấy nhiều người sẽ bỏ qua mục giải trí mà chỉ đầu tư vào việc phát triển và tạo ra giá trị cho bản thân. Đối với mình, nhờ đầu tư nghiêm túc cho phần giải trí mà mình không bị phát sinh những nhu cầu không cần thiết khiến mình phải lo nghĩ cách kiểm soát hay gạt đi như thế nào.

Được biết Thạch hiện đang là một Strategy Planner và đã đạt được một số thành công nhất định. Không biết với khả năng lên chiến lược tài tình, Thạch có bao giờ lập kế hoạch bài bản cho những mục tiêu tài chính của mình hay không?

Thạch:

Nói về thời gian mình bắt đầu lên kế hoạch tài chính cá nhân thì thật ra nó đã nhen nhóm từ năm mình học cấp 2, 3. Ngày xưa, ba mẹ mình đã cho mình một khoản tiền riêng để chi tiêu và hướng dẫn mình cách tiết kiệm làm sao để mua được món đồ mình yêu thích. Tư tưởng về một kế hoạch quản lý tài chính lúc đó trong mình đã dần được hình thành.

Mãi cho đến khi mình bắt đầu đi làm và có thu nhập, mình mới thật sự nghiêm túc lên kế hoạch tài chính cho bản thân bằng cách tìm kiếm câu trả lời cho việc: “Tiết kiệm và đầu tư để làm gì?”.

Tại thời điểm đó, mình mong muốn tiết kiệm để khi ra trường sẽ không bị áp lực về tiền bạc. Còn hiện tại mình tiết kiệm và đầu tư để sau này có đủ khả năng tài chính thực hiện những dự án khởi nghiệp của riêng mình.

Với Phúc là một người có sở thích đi du lịch. Trong tương lai gần, khi du lịch được mở cửa và chúng ta được dần quay lại với cuộc sống bình thường mới. Phúc sẽ chuẩn bị một kế hoạch tài chính như thế nào dể phục vụ cho sở thích của mình?

Phúc:

Như mình đã chia sẻ lúc nãy là mình chia thu nhập thành 6 khoản. Tất nhiên, trong 6 khoản đó mình cũng dành một khoản 10% cho du lịch. Mình nghĩ là sắp tới đây với các khoản mình tích lũy được cho việc đi du lịch, mình sẽ sử dụng hết để đi đến những nơi xa, trải nghiệm những điều mới mẻ và gặp gỡ những con người thú vị. Sau đấy thì mình sẽ quay trở lại kế hoạch tích lũy như cũ.

Cứ nghĩ khoản chi tiêu này cần thiết nhưng thật chất là đang đốt tiền

Có thể thấy Phúc là một người khá nghiêm ngặt trong việc phân bổ nguồn tiền của mình? Vậy có bao giờ Phúc chi tiêu vượt quá các khoản tiền đã đề ra hay không? Điều đó gây cho Phúc trở ngại gì? 

Phúc:

Có chứ! Mình cũng từng chi tiêu vượt khỏi mốc dự tính ban đầu do có các khoản phát sinh. Mà phần nhiều nó đến từ nhu cầu cảm tính của mình. Đôi lúc mình sẽ muốn đi ăn ngoài hàng quán hơn là ăn ở nhà. Hay những lúc xe hư, mình cũng phải dành một khoản tiền kha khá để sửa. Do đó, nó ít nhiều cũng ảnh hưởng để kế hoạch tài chính của mình.

Thông thường, mình sẽ cố gắng cắt giảm các khoản khác để bù vào. Có khi còn bị thâm hụt tiền của tháng sau. Thế nhưng, những vấn đề này không thường xuyên xảy ra với mình lắm, 1 đến 2 tháng thì gặp một lần. Tuy nhiên dạo gần đây, mình đã kiểm soát được việc này bởi từ khi có Covid-19, mình luôn sống trong tâm thế tiết kiệm hơn là tiêu xài.

Vậy còn Thạch, bạn đã từng gặp khó khăn nào về chuyện tiền bạc hay chưa?

Thạch:

Thật ra, mình đã gặp phải những khó khăn về tiền bạc ngay cả khi chưa có dịch bệnh. Mặc dù đã cam kết với bản thân sẽ dùng 45 - 50% thu nhập để tiết kiệm và đầu tư nhưng mình vẫn chưa quyết liệt lắm với mục tiêu này. Mình có thể rút số tiền này ra bất kỳ lúc nào phát sinh nhu cầu. Tuy mình đã có kế hoạch chi tiêu từ trước nhưng lại chưa sát sao thực hiện và chưa biết cách cân đối nhu cầu bản thân với tình hình tài chính hiện tại.

Ví dụ mình mua một khóa học trên Coursera với giá tầm 1.000.000. Tại thời điểm đó, nó được xem là một khoản đầu tư tốt cho bản thân. Tuy nhiên, vì chưa có thời gian học ngay nên mình đã để đó đến vài tháng sau. Đến lúc nhớ đến để học thì mình lại không cần đến nữa, vì cơ bản mình đã có những kiến thức nhất định về vấn đề này rồi.

Ngoài ra, do tính chất công việc, mình phải thường xuyên tiếp xúc và giao lưu với nhiều người. Nên khi được mời đi ăn uống mình thường đồng ý. Vấn đề là một lần thì không sao nhưng nhiều lần như vậy và liên tục trong một thời gian dài thì nó tiêu tốn của mình rất nhiều tiền.

Lúc đó, mình chưa hiểu được các khoản đầu tư cho bản thân hay các mối quan hệ như thế nào là đúng và đủ. Do đó, với mình những khoản tiền này dường như phản tác dụng. Mình nghĩ nó là đầu tư cho bản thân nhưng thực tế lại đang đốt tiền.

Mình còn nhớ trong khoản thời gian dài tầm 3 năm, mình thường xuyên rơi vào tình trạng không có dư và luôn cảm thấy mất an toàn về mặt tài chính. Nếu chẳng may có việc gì đó phát sinh mình nghĩ mình cũng sẽ không có đủ tiền để xoay sở.

Sau khoảng thời gian đó, mình đã tự xem xét lại các khoản chi tiêu. Đồng thời xác định lại những thứ mình làm từ trước đến giờ có phải là đang đầu tư cho bản thân hay không? Nếu không thì mình tìm cách kiểm soát để không xảy ra tình trạng cháy túi nữa.

Nói một chút về khó khăn trong tình hình dịch bệnh thì thật ra không có nhiều. Nó chỉ làm chậm quá trình giải ngân từ phía đối tác khiến kế hoạch chi tiêu và đầu tư của mình bị ảnh hưởng theo.

Với những khó khăn mà Thạch và Phúc vừa chia sẻ thì theo hai bạn mình có nên lập quỹ khẩn cấp hay không? Đây là một loại quỹ dùng để đáp ứng cho các sự cố bất ngờ, bảo vệ các khoản tiết kiệm và giúp bạn tiếp tục hướng đến mục tiêu tài chính dù có bất trắc.

Thạch:

Mình có biết đến khoản dự phòng này và thường đưa cho mẹ giữ giúp (cười). Mình tạo riêng cho mẹ một tài khoản ngân hàng và mỗi tháng sẽ trích khoản 20% thu nhập để gửi vào đó. Mình làm như vậy vì trước hết mình hiểu mẹ luôn thích cảm giác con cái đi làm về và gửi tiền cho mình.

Đồng thời, mình cũng nghĩ nếu tự giữ tiền thì sẽ có lúc rút ra để chi xài cho việc nào đó. Nếu đưa cho mẹ thì lúc khẩn cấp cần tiền nhất định mẹ sẽ giúp mình.

Chia sẻ thêm là mình cũng áp dụng cách này trong việc đầu tư. Với khoản này mình để cho một người bạn rất thân của mình quản lý, người mà mình luôn tin tưởng. Mình và bạn ấy cũng có những cam kết nhất định. Làm như vậy vừa giúp mình không đụng đến khoản cố định này vừa kiểm soát được chi tiêu hiện tại. 

Phúc:

Mình thấy cách làm của Thạch khá hay và cũng có nhiều người áp dụng cách làm này. Mình cũng muốn đưa tiền cho mẹ giữ giúp nhưng mẹ lại thích mình tự giữ tiền hơn.

Nói về quỹ khẩn cấp, mình thường tích lũy nó trong khoảng 6 tháng. Làm sao để nó gấp 10 - 15 lần chi tiêu hàng tháng là được. Còn về khoản tiết kiệm mình dành khoảng 15 - 20% thu nhập mỗi tháng cho đến khi nào đạt được con số gấp 25 lần chi tiêu thì xem như đạt được mức an toàn về tài chính. Tiết lộ luôn là mình học được công thức này từ anh Hiếu Nguyễn. Nếu những ai đang quan tâm đến mục tiêu tự do tài chính có thể tham khảo thêm các video trên kênh Youtube của anh này. Mình thấy khá hay đó!

Dự án khởi nghiệp nào cũng cần hoạch định tài chính rõ ràng

Nổi bật với cuộc thi khởi nghiệp FlaGup - Đội GamBox của Phúc và Thạch đã xuất sắc giành vị trí quán quân. Được biết cuộc thi này không chỉ khơi dậy sự đam mê về khởi nghiệp ở các bạn trẻ mà còn hướng đến mục đích tạo ra “Vùng đất chuyển đổi số” - Digital Land. Song với sự tác động của Covid-19, tốc độ chuyển đổi số đã được đẩy mạnh, nhất là về tài chính.

Phúc và Thạch nghĩ như thế nào về các ứng dụng tài chính hiện nay đã tác động và thay đổi thói quen quản lý tiền bạc của chúng ta như thế nào? Hai bạn cũng có đang sử dụng ứng dụng tài chính nào hay không?

Thạch:

Theo như mình thấy ở nhiều nước đặc biệt là Trung Quốc, khi cầm tiền mặt ra ngoài để mua hàng thì y như rằng sẽ bị từ chối, vì tại đó ít có ai chi xài tiền mặt. Thay vào đó họ thường dùng Wepay hoặc Wechat để giao dịch online. Theo đó, tại Việt Nam, mình khá ấn tượng với ngân hàng số VPBank NEO, khách hàng có thể tự mở thẻ hoặc thanh toán hóa đơn vô cùng tiện lợi. Điều đó cho thấy nó không chỉ là xu hướng mà sẽ trở thành tương lai.

Ngoài ra, mình cũng đang sử dụng ví Momo và cả Mobile App Banking của ACB nữa. Còn về các phần mềm quản lý tiền bạc thì mình lại không sử dụng nhiều. Mình chỉ dùng Note của Iphone hoặc bảng tính Excel mà thôi. Mỗi ngày ăn uống chi tiêu thứ gì mình sẽ ghi chú lại trên điện thoại và cuối tuần sẽ điền nó vào Excel. 

Với nhu cầu quản lý tài chính cá nhân hiện tại mình không quá đặt nặng vấn đề phải quản lý sát sao chi tiêu qua các ứng dụng. Bởi mình hiểu được rằng bản chất của việc quản lý tiền bạc thật ra là quản lý nhu cầu của mình. Công cụ thì có rất nhiều nhưng nếu không kiểm soát được nhu cầu thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.

Tóm lại là mình tập trung quản lý tốt nhu cầu của mình sau đó mới tính đến việc dùng thêm các ứng dụng tài chính khác. Hiện tại mình thấy cách làm này cũng khá ổn. (Cười).

Phúc:

Bản thân mình cũng thấy ngân hàng số đang ngày càng thịnh hành và níu chân người dùng khá tốt. Minh chứng cho điều này đó là Cake. Cake được ra mắt và đẩy mạnh trong đợt dịch vừa qua với giao diện bắt mắt. Mình thích Cake ở chỗ mình có thể dùng số điện thoại làm tài khoản ngân hàng giúp ghi nhớ dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Cake cũng cung cấp thẻ dưới dạng Mastercard cho mình vừa hạn chế di chuyển lại không bị mất phí. Một điểm mạnh nữa là Cake chuyển tiền cực kỳ nhanh luôn. Chỉ ba điểm mạnh kể trên cũng đủ khiến mình trở thành khách hàng trung thành của Cake.

Về phần quản lý chi tiêu, mình hay sử dụng Money Lover. App Money Lover giúp mình phân loại các khoản chi tiêu khá tốt. Ngoài ra, nó còn cho mình báo cáo chi tiết của cả tháng. Tuy nhiên, Money Lover lại không cho mình biết tổng quan mình còn bao nhiêu tiền, nên mình quyết định kết hợp thêm với Excel.

Về ứng dụng đầu tư thì mình được giới thiệu dùng app Infina để mua chứng chỉ quỹ. Đổi lại về tiết kiệm tích lũy thì mình sẽ chọn Tikop để gửi tiền vào trong tương lai vì lãi suất cao và an toàn.

Cũng liên quan đến cuộc thi này, Phúc đã từng chia sẻ trong một bài đăng của mình gần đây là: “Dự án khởi nghiệp nên có kết quả về mặt tài chính”. Phúc có thể nói rõ hơn về những kết quả tài chính ở đây là gì không? Bạn đã đạt được kết quả đó chưa?

Phúc:

(Cười) Mình nghĩ rằng ai khi quyết định khởi nghiệp cũng đều mong muốn đạt được kết quả về mặt tài chính. Nghĩa là dự án phải mang lại doanh thu và lợi nhuận. Nhìn chung dự án của mình cũng đã đạt được kết quả tài chính như mong muốn. Chỉ còn gặp chút khó khăn về việc vận hành nữa mà thôi.

Không biết Thạch có những chia sẻ gì thêm về vấn đề này không?

Thạch:

Mình nghĩ khi nói về kết quả tài chính của một dự án thì có 2 khía cạnh quan trọng sau: Thứ nhất là mục tiêu tài chính của dự án và thứ hai là mục tiêu tài chính của các thành viên trong nhóm. 

Mục tiêu thứ nhất mình nghĩ nhóm đã đạt được rồi. Bởi vì khi Startup, để gọi vốn từ các nhà đầu tư, bọn mình đã phải chứng minh được rằng dự án này có tiềm năng để mang lại doanh thu. Nhóm mình cũng phải đạt được yếu tố này thì mới có thể giành được giải quán quân FlaGup. 

Tuy nhiên, về mục tiêu tài chính của các thành viên trong nhóm, mình chia sẻ thật là chưa đạt được. Vì dự án cũng còn mới, doanh thu có sự tăng trưởng nhưng chưa hòa vốn. Đồng nghĩa với việc các thành viên trong nhóm chưa được trả lương theo đúng số giờ mà họ đã bỏ ra cho dự án.

Một câu hỏi được khá nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay đó là: Có nên Startup không hay đi làm tại công ty sau khi ra trường sẽ tốt hơn? Bằng những kinh nghiệm đã có, hai bạn có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này được không?

Thạch:

Trước khi bắt đầu trả lời thì mình muốn phân biệt rõ khái niệm Startup và Khởi nghiệp kinh doanh. Khởi nghiệp kinh doanh là các hình thức tạo kênh bán hàng online hoặc mở cửa hàng tự buôn bán một sản phẩm nào đó,... Nếu các bạn thật sự yêu thích công việc kinh doanh và quyết định đi theo hướng này thì có thể sẽ tạo ra thu nhập trong thời gian ngắn. 

Còn về con đường Startup sẽ khó khăn hơn đôi chút vì nó cần những ý tưởng đột phá, những sản phẩm mới chưa có trên thị trường. Vậy nên, nó sẽ không bảo đảm mang lại doanh thu chắc chắn cho mình ngay lập tức. Mình nghĩ một khi đã quyết định Startup thì phải có kế hoạch tài chính rõ ràng.

Ngày trước, mình cũng từng mong muốn được trải nghiệm một dự án Startup khi mới ra trường. Lưu ý là trải nghiệm thôi chứ chưa hẳn là dấn thân vào Startup. Mình đã phải chuẩn bị một kịch bản tài chính cho 6-8 tháng, thậm chí là một năm nếu dự án này vẫn chưa thành công. Nếu gặp bất trắc nào thì mình cũng có thể sống được, chưa kể tính đến chuyện phải trả lương cho các thành viên trong nhóm nữa.

Chính vì thế, các bạn cần phải cân nhắc về chuyện tài chính khi Startup. Bởi không thể kỳ vọng sẽ có tiền ngay trong thời gian ngắn được, trừ một số mô hình như Business Model. Một điều cần lưu ý nữa là doanh thu sẽ khác với lợi nhuận. Thu nhập của mình sẽ được tính dựa trên phần lợi nhuận đó. Đôi khi dự án sẽ có doanh thu nhưng chỉ đủ để đắp vào các khoản chi phí khác chứ chưa sinh lợi nhuận.

Chia sẻ thật, mình nghĩ làm Startup không nhất thiết phải bỏ hết tất cả mọi thứ, kể cả công việc đang tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho bạn. Mà sẽ có sự linh hoạt để mình vừa được trải nghiệm vừa biết được liệu dự án Startup này có thật sự phù hợp với mình hay không? Đây là một cách an toàn cho những ai đang muốn bắt đầu thử sức với Startup.

Phúc:

Quả thật so với Startup, đi làm ở công ty, tổ chức tư nhân hay nhà nước đều sẽ có nguồn thu nhập ổn định và an toàn. Nhưng chính câu nói của bạn mình đã khiến mình phải suy nghĩ, đại ý câu nói này là: “Đi làm thì biết bao giờ mới giàu”. 

Giả sử, lương một tháng của một người quản lý sẽ khoảng 50 - 60 triệu đồng. Vậy tính ra một năm mình sẽ có được 600 triệu, 10 năm là 6 tỷ, đủ mua một căn nhà và một chiếc xe ô tô. Vậy nên, đó là lý do nhiều người đi đầu tư. 

Startup cũng là một dạng đầu tư và nếu nó thành công thì mình sẽ có được thu nhập cao gấp ngàn lần thu nhập khi đi làm công. Đổi lại Startup không hề dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. Quan điểm của mình là Startup như một hình thức va vấp. Tuy nhiên, va vấp của một người 20 tuổi sẽ khác với va vấp của người 30 tuổi.

Tựu chung, Startup chỉ dành cho những ai thật sự đam mê. Nếu không thì chỉ nên trích một phần tiền đầu tư vào Startup, phần còn lại chia vào các kênh đầu từ khác để giảm thiểu rủi ro.

Yếu tố nào là quan trọng nhất trong chuyện quản lý tiền bạc?

Vậy theo bạn yếu tố nào là quan trọng nhất trong việc quản lý tiền bạc để thích nghi với cuộc sống bình thường mới?

Phúc:

Xâu chuỗi những vấn đề vừa chia sẻ ở trên, mình cảm thấy việc sát sao kế hoạch quản lý tiền bạc là quan trọng nhất. Cơ bản kế hoạch tài chính đã vạch sẵn con đường mình cần phải đi, nếu không kiểm soát sát sao thì lập kế hoạch tài chính cũng trở nên vô ích. Hậu quả là các mục tiêu trong tương lai như mua nhà, mua xe,... sẽ chẳng thể đạt được.

sat-sao-trong-viec-quan-ly-chi-tieu-redbag

Thạch:

Mình nghĩ có 3 yếu tố quan trọng trong việc quản lý tiền bạc đó là:

Một là tìm cách kiếm thêm thu nhập, dù ít cũng được. Mình nghĩ thời điểm bắt đầu tính đến chuyện tăng thu nhập nên là lúc tài chính đã có sự ổn định. Bởi nếu vẫn chưa thể cân bằng tài chính hiện tại mà lại tập trung vào chuyện tăng thu nhập thì sẽ dễ khiến mình bị stress (căn thẳng). Từ đó làm phát sinh các nhu cầu giải tỏa rồi tiêu tiền quá tay.

Làm thế nào để tăng thu nhập? Theo mình trước tiên cần phải tìm cách tăng giá trị bản thân bằng việc học hỏi và tận dụng hết những khả năng của mình. Mọi người đang có nhu cầu nào mà mình đáp ứng được thì mình sẽ nắm lấy cơ hội.

yeu-to-nao-quan-trong-khi-quan-ly-tien-bac

Chẳng hạn trong đợt dịch này, mình có nhận hướng dẫn và hỗ trợ cho các bạn đang tham gia các cuộc thi về học thuật và khởi nghiệp. Mỗi buổi chia sẻ như vậy mình nhận được khoảng 100.000 - 150.000 đồng cho tầm 1 tiếng. Tổng cộng mỗi tháng mình có thể kiếm thêm được 1 - 2 triệu từ công việc này. Số tiền này khi chia ra với mỗi nhóm tầm 4-5 bạn thì cũng không phải là số tiền quá lớn. Không những vậy nó còn giúp các bạn không e ngại mỗi khi yêu cầu mình giúp đỡ và mình thì lại có thêm thu nhập.

Hai là linh hoạt trong việc kiểm soát nhu cầu bản thân. 

Mình đã từng rất cứng nhắc trong việc kiểm soát tiền bạc đến nỗi không đè nén được nhu cầu của bản thân mà vung tiền quá độ. Giả sử với bữa cơm sườn hết 50.000 đồng, dĩ nhiên là tiền nào của nấy, đắt nhưng ngon. Đến cuối tháng khi xem lại các khoản chi tiêu, mình mới phát hoảng lên “Ơ! Sao mình ăn cơm sườn gì mà đắt quá vậy?”. 

Vậy nên, tháng sau mình sẽ đổi sang món khác rẻ hơn như bánh mì hoặc xôi giò. Điều đáng nói là khi ăn uống như vậy bản thân mình lại không đủ sức để làm việc và sẽ xuất hiện ý nghĩ “Sao mà mình lại khổ như vậy?”. Nó chỉ khiến mình thêm căng thẳng và mệt mỏi mà thôi.

Do đó mình đút kết ra rằng, thay vì gạt bỏ hẳn một nhu cầu nào đó, sao không thử tìm đến những giải pháp kinh tế hơn để đáp ứng nhu cầu đó. Ví dụ câu chuyện về cơm sườn ở trên, nếu thấy ăn cơm sườn với giá 50.000 đồng quá đắt, mình sẽ cố gắng tìm những quán khác hoặc món cơm khác bình dân hơn nhưng vẫn hợp khẩu vị với mình.

Ba là cố gắng dự đoán các khoản thu chi của mình trong tương lai. 

Thông thường, mọi người sẽ làm rất tốt việc tổng kết thu chi cuối tháng và ra quyết định tháng sau sẽ thu chi như thế nào? Nhưng có thể mọi người sẽ quên hoặc chưa dự đoán trước được các khoản dự chi cần thiết cho tháng sau. Ví dụ các bạn có thể dự đoán tháng 12 sắp tới mình sẽ chi những gì không? 

Với mình thì chắc chắn phải có một khoản dành cho Noel. Noel không lẽ mình không đi chơi? Các bạn có người yêu không lẽ không mua quà tặng người yêu? Không mua quà hay sắm sửa gì đó cho gia đình? Không lẽ bạn không làm gì đó vào dịp Noel? Nếu mình không chuẩn bị trước ngân sách cho những dịp lễ như vầy thì đến lúc đó mình rất dễ chi xài cho các khoản không cần thiết. Vì thế mình cần có sự chuẩn bị ngân sách cho các khoản phát sinh để phân bổ tiền hợp lý.

Sau cùng hai bạn có điều gì muốn nhắn gửi đến độc giả của RedBag qua chủ đề ngày hôm nay không?

Thạch:

Mình thấy khi nhắc đến quản lý tài chính nhiều bạn hay có suy nghĩ là nên cắt bỏ những nhu cầu không cần thiết. Về tâm lý học, bản chất của nhu cầu chính là tín hiệu cho việc cơ thể đang thiếu hụt một điều gì đó. Do đó, mình nghĩ thay vì cắt bỏ hoàn toàn thì chúng ta nên lắng nghe nhu cầu của mình nhiều hơn. Đồng thời tìm hiểu lý do phát sinh nhu cầu đó.

ke-hoach-quan-ly-chi-tieu-ca-nhan-redbag

Phúc:

Có nhiều bạn tập trung quá nhiều vào câu chuyện kiếm tiền mà không tập trung cho sự nghiệp lâu dài. Chẳng hạn chuyên ngành của mình là Business nhưng lại dành thời gian nhiều để đi dạy thêm. Đúng là thu nhập có tăng nhưng liệu dành thời gian đó để học những thứ có liên quan đến Business có phải là khoản đầu tư tốt hơn không?

Tuy là hiện tại nó chưa mang đến thu nhập nhưng sẽ bổ trợ mình rất nhiều trong tương lai. Do đó hãy cân nhắc về việc đi làm thêm và đi học. Mọi thứ cần cân bằng để tránh lệch khỏi mục tiêu lớn và phí phạm thời gian của bản thân mình.

Cảm ơn Phúc và Thạch về những chia sẻ của mình về kế hoạch tài chính cũng như quản lý tài chính. Chúc hai bạn sẽ có thật nhiều sức khỏe để luôn thành công trong mọi kế hoạch của mình nhé.

Nhìn quanh để biết” là series phỏng vấn người thật việc thật về những vấn đề quen thuộc xoay quanh tài chính cá nhân. Thông qua chia sẻ của các khách mời, RedBag hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được những mẹo hay để ứng dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình.

RedBag

Bài viết mới nhất

Xem tất cả

Bài viết đọc nhiều

Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!

Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN