BlogĐầu tưTổng hợp những thuật ngữ dùng trong chứng khoán mà nhà đầu tư cần biết

Tổng hợp những thuật ngữ dùng trong chứng khoán mà nhà đầu tư cần biết

RedBag Team 16/06/2022
  1. 1. Thuật ngữ chứng khoán là gì?
  2. 2. Nằm lòng các thuật ngữ trong chứng khoán dành cho nhà đầu tư
    1. 1. Các thuật ngữ trong chứng khoán - Cổ phiếu
    2. 2. Các thuật ngữ trong chứng khoán - Tài khoản
    3. 3. Các thuật ngữ trong chứng khoán - Giá
    4. 4. Các thuật ngữ trong chứng khoán - Giao dịch và Lệnh giao dịch
    5. 5. Các thuật ngữ trong chứng khoán - Thị trường
    6. 6. Các thuật ngữ trong chứng khoán - sản phẩm Trái phiếu
    7. 7. Các thuật ngữ trong chứng khoán – Chỉ số tài chính
    8. 8. Thuật ngữ chứng khoán – Công ty phát hành chứng khoán
    9. 9. Thuật ngữ chứng khoán - Phân tích kỹ thuật

Việc nắm chắc các thuật ngữ trong chứng khoán một cách rõ ràng, chính xác là một lợi thế rất lớn cho nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán.

Là một nhà đầu tư mới, bạn đã thực sự nắm rõ những thuật ngữ tiếng Anh dùng trong chứng khoán chưa? Nếu chưa thì hãy cùng theo dõi bài viết hôm nay của RedBag nhé.

1. Thuật ngữ chứng khoán là gì?

Thuật ngữ chứng khoán là các từ ngữ đặc biệt thường xuyên được sử dụng trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán.

Các thuật ngữ này rất đa dạng, liên quan đến kỹ thuật đầu tư, phương thức giao dịch, các chỉ số dự báo, thông tin doanh nghiệp, phương thức giao dịch về thị trường chứng khoán,...

các thuật ngữ trong chứng khoán

Ý nghĩa các thuật ngữ tiếng Anh dùng trong chứng khoán.

Với bất cứ nhà đầu tư nào khi tham gia thị trường chứng khoán thì việc nắm rõ các thuật ngữ chứng khoán sẽ giúp bạn hiểu rõ diễn biến thị trường một cách nhanh chóng. Từ đó đưa ra những nhận định và kế hoạch đầu tư hiệu quả nhất.

Vậy các thuật ngữ trong chứng khoán đó bao gồm những gì? Ý nghĩa của các thuật ngữ ấy ra sao? RedBag sẽ trình bày tường tận ngay dưới đây.

2. Nằm lòng các thuật ngữ trong chứng khoán dành cho nhà đầu tư

2.1. Các thuật ngữ trong chứng khoán - Cổ phiếu

- Cổ phiếu (Stock): Là giấy chứng nhận số tiền mà nhà đầu tư đóng góp vào công ty phát hành ra cổ phiếu.

- Cổ phần (Share): Là vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau.

Ví dụ: Một công ty cổ phần có vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, số vốn đó được chia thành 100.000 phần bằng nhau, mỗi phần có giá trị 200.000 đồng được gọi là một cổ phần.

- Cổ đông (Shareholder): Là danh từ chỉ các cá nhân/tổ chức nắm giữ quyền sở hữu hợp pháp một phần hay toàn bộ phần vốn góp của một công ty cổ phần.

- Cổ tức (Dividend): Một trong các thuật ngữ trong chứng khoán nữa mà nhà đầu tư cần hiểu rõ đó là cổ tức. Cổ tức chính là một phần lợi nhuận sau thuế của công ty cổ phần dành ra để trả cho các cổ đông.

Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt hoặc bằng loại tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty.

- Cổ tức cố định: Là cách thức trả cổ tức có tính chất cố định, được xác định bằng một con số cụ thể nhất định dành riêng cho từng cổ đông.

- Cổ phiếu thưởng: Là cổ phiếu mà công ty dùng để trả cho các cổ đông, những người đóng góp nhiều cho công ty thay vì trả bằng tiền mặt.

- Cổ phiếu phổ thông: Hay còn gọi là cổ phiếu thường là xác thực quyền sở hữu của cổ đông đối với công ty cổ phần.

Sở hữu loại cổ phiếu này, bạn sẽ được quyền tự do chuyển nhượng, có đầy đủ quyền biểu quyết đối với các quyết định của công ty và được hưởng cổ tức theo kết quả kinh doanh và giá trị cổ phiếu mà bạn nắm giữ.

- Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: Là cổ phiếu có số lượng phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phiếu phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do điều lệ công ty quy định.

- Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: Là cổ phiếu được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.

- Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: Là cổ phiếu được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phiếu phổ thông hoặc mức ổn định hàng năm.

- Cổ phiếu Blue chip (Blue chip Stocks): Là thuật ngữ trong đầu tư chứng khoán dùng để chỉ các cổ phiếu được phát hành bởi những công ty lớn về vốn hóa và có uy tín trên thị trường.

Đa phần các công ty này thường phát triển rất tốt và dẫn đầu trong một lĩnh vực kinh doanh cụ thể nào đó.

Thuật ngữ chứng khoán

Những thuật ngữ trong chứng khoán về cổ phiếu.

Nhờ vậy mà các công ty này có một nền tảng tài chính vững mạnh và thường vượt qua được các suy thoái thị trường. Do đó, cổ phiếu của họ phát hành thường sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư.

- Cổ phiếu Penny (Penny Stocks): Là thuật ngữ dùng để chỉ loại cổ phiếu dùng được giao dịch với giá trị rất thấp, có thể dưới 5 USD và thường được phát hành bởi các công ty có vốn hóa thấp và ít danh tiếng.

Nếu là người mới, bạn rất dễ bị thu hút bởi mức giá thấp của cổ phiếu penny. Nhưng đây là loại cổ phiếu có tính rủi ro cao mà bạn cần tránh. Bởi cổ phiếu penny thường có tính thanh khoản kém và cũng có rất ít cơ hội tăng trưởng.

2.2. Các thuật ngữ trong chứng khoán - Tài khoản

- Tài khoản chứng khoán (Stock Account): Là tài khoản mà các nhà đầu tư dùng để lưu và mua bán cổ phiếu hay các loại chứng khoán khác trên thị trường.

Mỗi nhà đầu tư cần có cho mình một tài khoản chứng khoán để có thể tiến hành mua bán trên thị trường chứng khoán niêm yết tập trung.

Bạn có thể mở tài khoản chứng khoán thông qua các công ty chứng khoán để bắt đầu tham gia vào thị trường.

- Danh mục đầu tư (Portfolio Investment): Là tập hợp các chứng khoán mà một cá nhân/tổ chức đầu tư nắm giữ. Mục đích là tạo ra sự kết hợp giữa các loại chứng khoán để đạt được mức sinh lời cao và giảm được mức rủi ro của tổng thể đầu tư. 

- Đa dạng hóa đầu tư (Diversification): Là thuật ngữ chỉ việc bỏ vốn đầu tư vào các chứng khoán có độ rủi ro khác nhau. Mục đích là tạo ra cơ cấu tài sản hợp lý nhất để có thể phân tán rủi ro hay hạn chế tối đa rủi ro khi đầu tư.

các thuật ngữ dùng trong chứng khoán

Các thuật ngữ về tài khoản chứng khoán.

Tuy không hoàn toàn loại bỏ hết rủi ro. Nhưng đa dạng hóa đầu tư có thể làm giảm bớt rủi ro theo nguyên tắc đầu tư “không nên để tất cả trứng vào cùng một rổ”.

2.3. Các thuật ngữ trong chứng khoán - Giá

- Bảng giá chứng khoán: Là nơi thể hiện tất cả những thông tin liên quan đến giá và giao dịch cổ phiếu của thị trường chứng khoán.

- Giá chào mua (Bid): Là mức giá mà người mua sẵn sàng chi trả cho một cổ phiếu hoặc các loại chứng khoán khác.

- Giá chào bán (Ask): Giá chào bán là mức giá tối thiểu mà người bán sẵn sàng nhận để bán ra cổ phiếu hoặc các loại chứng khoán khác.

- Chênh lệch giá chào mua - chào bán (Bid-Ask Spread): Là mức chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra. Sự chênh lệch phải được quyết định trước khi giao dịch được diễn ra.

- Giá mở cửa (Opening Price): Là giá thực hiện tại lần khớp lệnh đầu tiên trong ngày giao dịch chứng khoán. Giá mở cửa bao gồm giá mua và giá bán chứng khoán được xác định theo phương thức đấu giá.

- Giá cao nhất (High Price): Thuật ngữ “giá cao nhất” được nhắc đến trong chứng khoán chỉ mức giá cao nhất trong một phiên giao dịch hoặc trong một chu kỳ theo dõi biến động giá.

- Giá thấp nhất (Low Price): Ngược lại với giá cao nhất, giá thấp nhất chỉ giá thấp nhất trong một phiên giao dịch hoặc trong một chu kỳ theo dõi biến động giá.

- Giá đóng cửa (Closing Price): Giá đóng cửa là thuật ngữ chứng khoán chỉ giá thị trường của các cổ phiếu vào thời điểm đóng cửa một phiên giao dịch trên một thị trường chứng khoán cụ thể.

Tương tự giá mở cửa, giá đóng cửa cũng bao gồm giá mua và giá bán chứng khoán được xác định theo phương thức đấu giá.

- Mệnh giá: Mệnh giá hay còn gọi là giá trị danh nghĩa là giá trị mà tổ chức phát hành ấn định cho chứng khoán và được ghi trên chứng khoán đó.

- Thị giá cổ phiếu: Là giá trị mua bán cổ phiếu được thực hiện thông qua các giao dịch trên thị trường.

- Giá niêm yết chứng khoán: Giá niêm yết chứng khoán là giá chào mua cao nhất và giá chào bán thấp nhất được đưa ra công khai trên bảng tại thị trường giao dịch tập trung để mua, bán chứng khoán.

- Giá khớp lệnh: Là mức giá được xác định từ kết quả khớp lệnh của Trung tâm giao dịch chứng khoán. Thỏa mãn được nhu cầu của người mua và người bán, áp dụng cho tất cả các lệnh được thực hiện.

- Giá tham chiếu: Là giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày hôm trước của sàn HOSE và giá bình quân gia quyền ngày hôm trước đối với sàn HNX.

- Giá sàn: Là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hay bán.

- Giá trần: Là mức giá cao nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hay bán.

thuật ngữ chuyên ngành chứng khoán

Thuật ngữ chứng khoán về giá.

- Biên độ giao động giá: Là thuật ngữ thể hiện số phần trăm của giá cổ phiếu có thể tăng hoặc giảm trong một phiên giao dịch.

- Đơn vị giao dịch: Đơn vị giao dịch được hiểu là một khối lượng chứng khoán tối thiểu thích hợp được quy định trong một lệnh giao dịch.

- Đơn vị yết giá: Là các mức giá tối thiểu trong đặt giá chứng khoán.

- Ngày giao dịch không hưởng quyền: Là ngày giao dịch mà nhà đầu tư mua chứng khoán sẽ không được hưởng các quyền lợi của cổ đông. Chẳng hạn như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông,...

>> Cách đọc bảng giá chứng khoán SSI

2.4. Các thuật ngữ trong chứng khoán - Giao dịch và Lệnh giao dịch

- Mua (Buy): “Mua” trong đầu tư chứng khoán là thuật ngữ chỉ hành động mua vào cổ phiếu hay các sản phẩm chứng khoán khác. 

- Bán (Sell): Thuật ngữ “Bán” trong chứng khoán chính là hành động bán ra cổ phiếu khi đã đạt được mục tiêu lợi nhuận hay muốn cắt lỗ. 

- Lệnh trong ngày (Day order): Lệnh trong ngày là thuật ngữ chuyên ngành chứng khoán biểu thị cho bên môi giới thực hiện giao dịch tại mức giá cụ thể và lệnh này sẽ hết hạn vào cuối ngày nếu như nó không được ghi nhận hoàn thành.

- Lệnh thị trường (Market Price Order - MP): Là lệnh mua hoặc bán cổ phiếu yêu cầu thực hiện ngay tại mức giá tốt nhất hiện có trên thị trường.

Giá tốt nhất ở đây chính là giá bán thấp nhất với giao dịch mua. Hoặc giá mua cao nhất với giao dịch bán.

- Lệnh giới hạn (Limit Order - LO): Thuật ngữ “lệnh giới hạn” trong chứng khoán là lệnh mua hoặc bán chứng khoán ở một mức giá xác định hoặc tốt hơn.

Lệnh có hiệu lực tính từ khi được nhập vào hệ thống giao dịch cho đến hết ngày giao dịch hoặc cho đến khi lệnh bị hủy bỏ.

So với lệnh thị trường thì lệnh giới hạn sẽ giúp nhà đầu tư giao dịch chính xác hơn.

- Giao dịch trong ngày (Day trading): Giao dịch trong ngày là việc thực hiện giao dịch mua và bán cổ phiếu chỉ trong một ngày giao dịch.

- Giao dịch ký quỹ (Margin): Giao dịch ký quỹ hay còn được biết đến là đòn bẩy tài chính.

Đây là một trong những thuật ngữ trong chứng khoán đặc biệt chỉ việc nhà đầu tư có thể sử dụng khoản vay từ công ty chứng khoán để đầu tư.

Đồng thời thế chấp khoản vay đó bằng chính cổ phiếu mà nhà đầu tư đã mua.

Nếu chẳng may giá cổ phiếu không tăng như kỳ vọng. Nhà đầu tư có thể sẽ mất hết số vốn của mình. Do đó, nhà đầu tư được khuyến cáo nên thận trọng khi sử dụng đòn bẩy tài chính margin.

Với những nhà đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm thì lời khuyên là nên sử dụng vốn tự có, chưa nên sử dụng margin.

- Lệnh dừng ký quỹ (Call margin): Là một thông báo từ sàn giao dịch rằng bạn có thể bị thua lỗ hoặc tất cả các lệnh của bạn đang có nguy cơ bị đóng hoặc thanh lý.

- Lệnh điều kiện: Lệnh điều kiện là loại lệnh khi đặt có kèm điều kiện.

- Lệnh ATC: Hay lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa là lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa.

- Lệnh ATO: Là lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá mở cửa.

- Lệnh khớp lệnh sau giờ (PLO): Là lệnh mua hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa sau khi kết thúc phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa.

- Break: Là chỉ số được các nhà đầu tư sử dụng để có một vị trí trong giai đoạn đầu của xu hướng. Xác định đúng điểm Break giúp họ có nhiều cơ hội dành lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro đáng kể.

- Position: Là tình trạng nắm giữ, sở hữu của một nhà đầu tư nào đó đối với một số lượng chứng khoán trong những điều kiện nhất định của thị trường. Thường liên quan đến biến động giá chứng khoán.

- Long Position: Long Position là thế giá lên. Đây là tình trạng nhà đầu tư đã bỏ tiền mua một loại chứng khoán và hy vọng sẽ kiếm lời khi giá tăng.

- Short Position: Short Position là thế giá giảm. Đây là tình trạng nhà đầu tư đã tham gia vào một thương vụ và sẽ kiếm lời khi giá giảm.

- Lọc cổ phiếu: Là cách thức thực hiện lựa chọn được mã cổ phiếu đầu tư phù hợp với các tiêu chí của bản thân.

- Bán khống: Bán khống là hoạt động bán cổ phiếu mà người bán không sở hữu vào thời điểm thực hiện giao dịch.

- Bán tháo (Bailing Out): Là hiện tượng các nhà đầu tư bán ra một cách nhanh chóng các loại cổ phiếu mà mình đang nắm giữ với bất kỳ mức giá nào. Thậm chí là chấp nhận chịu lỗ để có thể bán được cổ phiếu.

- Bảo lãnh (Underwrite): Là việc tổ chức bảo lãnh giúp tổ chức phát hành chứng khoán thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, tổ chức việc phân phối chứng khoán và giúp bình ổn giá chứng khoán trong giai đoạn đầu sau khi phát hành.

- Bong bóng (Bubble): Là hiện tượng chỉ tình trạng thị trường trong đó giá hàng hóa hoặc tài sản giao dịch tăng đột biến đến một mức giá vô lý hoặc mức giá không bền vững.

>> Cách đầu tư chứng khoán cho Sinh viên chi tiết từ A-Z

2.5. Các thuật ngữ trong chứng khoán - Thị trường

- F0 chứng khoán: Chắn hẳn bạn đã từng đôi lần nghe đến thuật ngữ “F0 chứng khoán”. Thuật ngữ này xuất hiện từ năm 2020 nhằm chỉ những nhà đầu tư mới, không có kinh nghiệm, lần đầu tham gia vào thị trường chứng khoán.

- Thị trường bò (Bull Market): Thị trường bò được hiểu là thị trường giá lên. Đây là thuật ngữ trong đầu tư chứng khoán chỉ xu hướng đi lên kéo dài của thị trường.

- Thị trường gấu (Bear Market): Ngược lại với thị trường bò, thị trường gấu là thuật ngữ chỉ xu hướng đi xuống của thị trường. Dấu hiệu nhận biết là khi các loại chứng khoán rớt giá liên tục (ít nhất 20%) trong một thời gian dài.

những thuật ngữ trong chứng khoán

Những thuật ngữ dùng chứng khoán về thị trường.

- Sàn/Sở giao dịch (Stock Exchange): Đây là nơi để các nhà đầu tư mua, bán và trao đổi các loại chứng khoán. Như: Cổ phiếu, trái phiếu hay các loại chứng khoán khác.

- Môi giới (Broker): Là người/đơn vị trung gian giữa người mua và người bán. Về phía người mua, môi giới là người/đơn vị tư vấn, mua hay bán chứng khoán thay bạn và hưởng một khoản phí nhất định.

- Thanh khoản (Liquidity): Đây là thuật ngữ trong chứng khoán dùng để chỉ mức độ mà một tài sản bất kỳ có thể được mua hoặc bán trên thị trường mà không làm ảnh hưởng đến giá trị thị trường của loại tài sản đó.

Sau tiền mặt thì chứng khoán là tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Bởi mọi giao dịch mua hoặc bán chứng khoán đều được thực hiện rất nhanh chóng nhờ số lượng người giao dịch đông đảo trên thị trường.

Hơn nữa, các giao dịch chứng khoán còn có thể thực hiện trực tuyến với mức phí thấp, giá cả tương đối ổn định theo thời gian.

- Chỉ số chứng khoán (Index): Chỉ số chứng khoán hay còn được biết đến là một danh mục đầu tư giả định. Bao gồm toàn bộ số cổ phiếu lưu hành trên thị trường hoặc của một nhóm ngành cụ thể.

Các chỉ số có thể được phân nhóm theo ngành, theo quốc gia hoặc theo mức vốn hóa thị trường. Dựa vào chỉ số chứng khoán, nhà đầu tư có thể nắm được sự biến động giá của thị trường.

Do đó, việc theo dõi các chỉ số chứng khoán hàng ngày là một thói quen tốt cho các nhà đầu tư.

- Khối lượng giao dịch (Volume): Một trong các thuật ngữ dùng trong chứng khoán nữa mà các nhà đầu tư chứng khoán cần biết đó là khối lượng giao dịch.

Khối lượng giao dịch là số lượng cổ phiếu được giao dịch trên thị trường trong một khoảng thời gian. Thường là trong một ngày. 

- Ngành (Industry): Thuật ngữ “Ngành” trong chứng khoán chỉ nhóm cổ phiếu có chung nhóm ngành nghề kinh doanh.

Ví dụ: Nhóm ngành Bất động sản, nhóm ngành Ngân hàng, nhóm ngành Công nghệ Viễn thông, nhóm ngành Dịch vụ - Du lịch,...

- Mã cổ phiếu (Stock Symbol): Là các ký tự, thường là các chữ cái. Chúng được sắp xếp và liệt kê trên một sàn giao dịch công khai dùng để chỉ cổ phiếu của một công ty. 

- Vốn hóa thị trường (Market Capitalization): Là tổng giá trị thị trường của doanh nghiệp, được xác định bằng số tiền bỏ ra để mua lại toàn bộ doanh nghiệp này trong điều kiện hiện tại.

- IPO (Initial Public Offering): IPO là viết tắt của thuật ngữ chứng khoán tiếng Anh “Initial Public Offering”, tạm dịch là phát hành công khai lần đầu.

Đây là thuật ngữ chỉ quá trình lần đầu chào bán cổ phiếu một cách rộng rãi với công chúng của một doanh nghiệp bằng hình thức đưa lên sàn giao dịch chứng khoán.

- Công ty niêm yết: Là công ty công cộng mà sau khi đăng ký, cổ phiếu của công ty đó sẽ được mua bán công khai trên sàn giao dịch chứng khoán.

- Mô hình CAPM: Là mô hình thể hiện quan hệ giữa suất sinh lợi kỳ vọng của một tài sản với rủi ro của chính tài sản đó.

- Quỹ tương hỗ (Mutual Funds): Là hình thức trung gian tài chính mà theo đó, cơ chế hoạt động của quỹ là huy động vốn từ công chúng bằng cách phát hành cổ phiếu.

Sau đó sẽ dùng số tiền có được để đầu tư vào các công cụ thị trường vốn hoặc thị trường tiền tệ. Khoản lợi tức thu được sau khi trừ đi các chi phí hoạt động sẽ được chia cho các nhà đầu tư.

- Quỹ hoán đổi danh mục (Exchange Traded Funds - ETF): Là một quỹ đầu tư được thành lập dựa trên cơ sở mô phỏng tỷ suất lợi nhuận của các chỉ số cổ phiếu, trái phiếu hoặc một loại tài sản, hàng hóa nào đó.

2.6. Các thuật ngữ trong chứng khoán - sản phẩm Trái phiếu

- Trái phiếu: Là một loại chứng khoán, mục đích là để chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một khoản lợi tức quy định.

- Trái phiếu doanh nghiệp: Là loại chứng khoán do doanh nghiệp phát hành có kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Nhằm xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.

- Trái phiếu chính phủ: Là trái phiếu có thời hạn, có mệnh giá và lãi suất do chính phủ phát hành.

- Trái phiếu từ các tổ chức tài chính, ngân hàng: Là loại trái phiếu được ngân hàng phát hành để huy động vốn cho ngân hàng trong thời gian ngắn với mức lãi suất xác định trước.

- Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi): Là loại trái phiếu mà lợi tức được trả trong các kỳ có sự khác nhau và được tính theo một lãi suất có sự biến đổi theo một lãi suất tham chiếu.

- Trái phiếu có lãi suất bằng không: Là loại trái phiếu mà người mua không nhận được lãi, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá (mua chiết khấu) và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đó đáo hạn.

- Trái phiếu có lãi suất cố định: Là loại trái phiếu mà lợi tức của nọ được xác định theo một tỷ lệ phần trăm cố định tính theo mệnh giá.

- Trái phiếu có bảo đảm: Là loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán một phần gốc, lãi hoặc toàn bộ khi đến hạn bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc bên thứ ba hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính, tín dụng.

- Trái phiếu không bảo đảm: Là loại trái phiếu không được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần gốc, lãi bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc bên thứ ba hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính tín dụng.

- Trái phiếu ghi danh: Là loại trái phiếu mà trên đó có điền đầy đủ các thông tin như tên, địa điểm của trái chủ trên chứng chỉ và trên sổ của tổ chức phát hành.

- Trái phiếu vô danh: Là trái phiếu trả cho người đang nắm giữ, không phải người sở hữu ghi tên trên sổ sách của ngân hàng hay đại lý phát hành.

- Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu: Là loại trái phiếu cho phép người sở hữu được quyền mua một số lượng cổ phiếu nhất định của công ty, ở mức giá và thời gian nhất định.

- Trái phiếu mua lại: Là loại trái phiếu có đi kèm các điều khoản được nhà phát hành mua lại trước thời gian đáo hạn.

- Trái phiếu chuyển đổi: Là trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu thường vào một thời điểm được xác định trước trong tương lai.

- Trái tức: Là mức lãi suất danh nghĩa hàng năm được trả trên một trái phiếu.

- Trái chủ: Là người cho nhà phát hành trái phiếu vay và họ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về kết quả sử dụng vốn vay của người vay.

- Chứng chỉ quỹ: Là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.

- Chứng khoán phái sinh: Là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

- Chứng khoán Vốn: Là một công cụ tài chính chứng nhận quyền sở hữu của bạn đối với doanh nghiệp hoặc một tổ chức nào đó.

- Chứng khoán Nợ: Là sản phẩm để chứng nhận mối quan hệ giữa người sở hữu là chủ nợ với công ty phát hành chứng khoán.

- Chứng khoán lai (Hybrid securities): Là loại chứng khoán được mua và bán thông qua các công ty môi giới trên sàn giao dịch.

2.7. Các thuật ngữ trong chứng khoán – Chỉ số tài chính

- VN-Index: Là chỉ số đại diện cho tất cả cổ phiếu niêm yết tại HOSE.

- HNX-Index: Là chỉ số phản ánh biến động giá của các mã cổ phiếu được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

- HNX30-Index: Là chỉ số giá của 30 mã cổ phiếu có tính thanh khoản tốt nhất trên sàn giao dịch HNX.

- VN100-Index: Là chỉ số thể hiện 100 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa, khả năng thanh khoản cao. Cũng như tỷ lệ tự do chuyển nhượng hàng đầu.

- VN30-Index: Là chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu Blue Chip đứng đầu.

- VNALLshare-Index: Là chỉ số vốn hóa bao gồm các mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn HOSE. Thỏa mãn 4 tiêu chí bắt buộc gồm:

- VN MID-Index (hay VNMidcap): Là chỉ số vốn hóa đo lường mức độ tăng trưởng của 70 công ty có quy mô vừa trong VNAllshare.

2.8. Thuật ngữ chứng khoán – Công ty phát hành chứng khoán

- Danh mục chứng khoán: Là tổng số các chứng khoán được một tổ chức hoặc một cá nhân giữ vì các mục đích đầu tư hoặc đầu cơ.

- Lợi suất hay tỷ suất lợi nhuận: Là tỷ lệ lợi nhuận còn lại từ việc bán hàng sau khi tất cả các chi phí đã được thanh toán.

- Tự doanh chứng khoán: Là việc công ty chứng khoán tự mua hoặc bán chứng khoán cho chính mình.

- Báo cáo thường niên: Là tài liệu quan trọng được doanh nghiệp lập hàng năm nhằm truyền tải thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính cũng như các khía cạnh khác của doanh nghiệp trong một năm qua.

Đồng thời định hướng, chiến lược trong thời gian tới.

- Bảng cân đối kế toán: Là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát về toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.

- Báo cáo tài chính: Là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán, được trình bày theo mẫu biểu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

2.9. Thuật ngữ chứng khoán - Phân tích kỹ thuật

- Xu hướng giá: Là đường đi của giá cả theo một chiều hướng nhất định trong một giai đoạn nào đó.

- Xu hướng Uptrend: Là mô tả sự biến động giá thị trường có xu hướng tổng thể đi lên.

- Xu hướng Downtrend: Là giai đoạn mà giá thị trường có xu hướng giảm.

- Xu hướng Sideway: Là thuật ngữ chỉ thời điểm thị trường không có biến động.

- Vượt đỉnh: Là một dấu hiệu kỹ thuật khi cổ phiếu tăng giá vượt qua giá cao nhất trong quá khứ và thường là sẽ tăng rất mạnh.

- Điều chỉnh kỹ thuật (Correction): Là hiện tượng giá chứng khoán sụt giảm từ 10% trở lên so với mức đỉnh gần đây nhất của nó.

- Bẫy giảm giá (Bear Trap): Là cái bẫy giảm giá phổ biến trong các giao dịch Forex. Nó tạo ra những tín hiệu đảo chiều không chính xác, khiến các nhà đầu tư vào lệnh bán trong khi giá vẫn tiếp tục tăng.

- Bẫy tăng giá (Bull Trap): Là thuật ngữ được dùng để ám chỉ một tín hiệu giao dịch có tính chất đánh lừa các nhà đầu tư rằng thị trường và cổ phiếu đang có dấu hiệu đảo chiều, có thể bắt đầu tăng giá sau một chu kỳ giảm giá trước đó.

- Phòng ngừa rủi ro (Hedge): Là cách mà các nhà đầu tư bảo vệ danh mục của mình trước biến động của thị trường.

- Bán hoảng loạn (Panic selling): Là việc nhà đầu tư đột nhiên kết luận rằng thị trường sẽ bị giảm giá nhanh chóng.

Họ có thể rơi vào trạng thái Panic (hoảng loạn) và chấp nhận bán ngay lập tức mà không cần phải phân tích xem liệu hành động này có hợp lý hay không.

- Tài sản trú ẩn an toàn (Safe haven): Là khoản đầu tư được kỳ vọng sẽ giữ được hoặc tăng thêm giá trị trong những giai đoạn mà thị trường bất ổn.

- Bán tống bán tháo (Sell-off): Là sự bán nhanh và kéo dài các mã chứng khoán với số lượng lớn, dẫn đến giá chứng khoán giảm mạnh.

- Biến động (Volatility): Là một thước đo thống kê về sự phân tán (sự thay đổi) của lợi nhuận đối với một chỉ số thị trường hoặc chứng khoán nhất định.

- Dead cat bounce: Là thuật ngữ chỉ sự phục hồi tạm thời của giá trị tài sản từ sự sụt giảm kéo dài. Hoặc thị trường giá xuống đang tiếp diễn trong một chiều hướng giảm.

- Kỹ thuật Hedging: Kỹ thuật Hedging được ví như một hợp đồng thông minh được dùng để bảo vệ các danh mục đầu tư trước những rủi ro, biến động khi thị trường có xu hướng giảm điểm.

Tổng kết

Có thể thấy, việc nắm bắt và hiểu rõ các thuật ngữ trong chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng phân tích và quyết định nhanh chóng hơn trong đầu tư chứng khoán.

Để tham khảo thêm nhiều kiến thức khác về đầu tư chứng khoán hãy đăng ký tài khoản RedBag để tìm hiểu thêm nhé.

Mời bạn đọc thêm: 

>> Hướng dẫn cách đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu

RedBag

Bài viết mới nhất

Xem tất cả

Bài viết đọc nhiều

Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!

Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN