Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh: “Hành động gì ngay bây giờ để đạt được mục tiêu tài chính 2022”
Không biết các bạn đã có mục tiêu và kế hoạch tài chính cho năm mới của mình hay chưa? Nếu chưa thì hãy cùng RedBag lắng nghe những chia sẻ bổ ích từ anh Nguyễn Tuấn Anh - Chuyên gia tài chính - Podcaster của “Tài chính tự thân”. Để góp nhặt cho mình những kỹ năng quan trọng trong việc thiết lập mục tiêu và xây dựng kế hoạch tài chính sắp tới nhé!
Mở đầu cuộc trò chuyện, khách mời của “Nhìn quanh để biết” tuần này đã có những lời chia sẻ đầy tâm tình với độc giả RedBag trong những ngày đầu năm mới:
“Xin chào độc giả của RedBag! Trong một năm qua đã có vô vàn những biến động và thay đổi. Chắc hẳn mọi người cũng đang dành thời gian để nhìn nhận lại năm vừa qua mình đã có được những bài học gì? Mình sẽ chuẩn bị gì để thực hiện ước mơ trong năm tiếp theo?
Mỗi thời điểm đều có những điều ý nghĩa đáng trân trọng như nhau. Nhiều người thường đặt mốc thời gian vào cuối năm để lập kế hoạch tài chính, nhưng với anh, từng tuần, từng tháng chúng ta đều cần chuẩn bị kế hoạch cho mình.”
Bước đầu khi bắt tay vào lập kế hoạch tài chính cá nhân, nhiều bạn trẻ vẫn còn loay hoay không biết nên bắt đầu như thế nào? Anh có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của mình cho những người mới được không?
Thực ra, trước khi thực hiện kế hoạch tài chính cá nhân, anh thường có 3 nguyên tắc như sau:
Thứ nhất là biểu hiện và kỹ thuật thực hiện. Ngày nay, có rất nhiều chuyên gia hướng dẫn bạn lập mục tiêu và kế hoạch tài chính. Mọi người có thể tham khảo về FIRE nếu muốn hướng tới mục tiêu tự do tài chính hoặc đọc sách Money của Tony Robbins. Tạm thời mình sẽ nói đến nguyên tắc tiếp theo. Anh sẽ nói thêm về nguyên tắc này sau.
Thứ hai là động lực để chúng ta làm được việc đó. Có rất nhiều người thường đặt ra mục tiêu rất cao nhưng chỉ thực hiện vài ba ngày là từ bỏ. Tại sao chúng ta lại dễ dàng từ bỏ như vậy? Đơn giản vì chúng ta không có sự kết nối cảm xúc để tạo động lực đi tiếp.
Thứ ba là hành động gì ngay bây giờ để đạt được mục tiêu? Đây cũng là điều mà anh khá quan tâm. Ví dụ, bạn muốn cuối năm nay tăng lương ở công ty. Bạn quyết định nâng cao khả năng của mình bằng việc chọn một quyển sách thiên về kỹ năng chuyên môn ngay ngày hôm đó. Tóm lại, bạn phải quy đổi thành một hành động cụ thể để thực hiện ngay hôm nay.
Quay lại với nguyên tắc đầu tiên, mọi người thường cân nhắc khi đặt mục tiêu. Anh nghĩ mọi người nên viết nhanh mục tiêu của mình và có thể áp dụng SMART. Đối với những ai còn thấy việc lập mục tiêu này thật khó khăn thì hãy bắt đầu từ những mục tiêu đơn giản trước như ví dụ muốn tăng lương lúc nãy. Đó là mục tiêu đơn lẻ và dễ thực hiện. Vậy sẽ có những nhóm mục tiêu đơn giản nào?
- Tăng thu.
- Kiểm soát chi.
- Tiết kiệm chủ động.
- Đầu tư.
Tiết kiệm chủ động là khi vừa nhận được lương, bạn sẽ dành ra một khoản để tiết kiệm trước rồi mới chi tiêu. Nếu bạn có thu nhập khoảng 20 triệu, bạn chi tiêu hết 18 triệu, còn lại 2 triệu mới dành tiết kiệm thì đó được gọi là tiết kiệm bị động. Vậy nên, đối với những người mới bắt đầu lập kế hoạch tài chính thì nên đi từ những mục tiêu đơn giản như thế.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh đặt mục tiêu gộp để không làm khó mình. Mục tiêu gộp ví dụ như là tự do tài chính. Đó là một mục tiêu phức tạp. Bởi nó bao hàm nhiều thứ trong đó: Thế nào là tự do? Tự do ở mức độ nào? Tài chính bao nhiêu thì gọi là tự do?
Nếu ngay từ lần đầu tiên mình đã đặt một mục tiêu đòi hỏi mình ở một mức độ cao như thế thì rất khó. Mục tiêu đó chỉ phù hợp cho những ai đã có kinh nghiệm lập kế hoạch tài chính cho mình nhiều lần. Cho nên hãy tập viết những mục tiêu đơn giản. Vừa nói là thấy thích liền, có động lực làm liền.
>>>Xem thêm: mẫu lập kế hoạch tài chính cá nhân
Làm thế nào để biết mục tiêu tài chính đó có phù hợp với bản thân mình hay không?
Xác định tính khả thi của mục tiêu
Trên kinh nghiệm làm việc của anh với khách hàng, điều quan trọng nhất là biết mình có thể làm gì ngay bây giờ để đạt được mục tiêu và nó có mang lại kết quả không?
Ví dụ, khi muốn tăng lương, bạn nên tìm đến người trả lương và trao đổi: “Thưa anh/chị, em mong muốn được tăng lương vào cuối năm. Anh/chị có thể cho em 3 hướng dẫn làm thế nào để tăng giá trị đóng góp cho công ty và em sẽ cân nhắc làm thử.”
Sau 1-2 tuần làm việc, mình có thể hỏi lại sếp về kết quả. Để biết họ có hài lòng với kết quả đó không? Đây cũng là ưu điểm đáng học hỏi của dịch vụ Grab hay Uber. Sau mỗi lần sử dụng dịch vụ, hệ thống sẽ tự động hỏi khách hàng có hài lòng về dịch vụ vừa cung cấp không? Đó cũng là yếu tố quan trọng đầu tiên để xác định tính khả thi của mục tiêu.
Xác định tính đúng đắn của mục tiêu
Cần lưu ý khi thiết lập mục tiêu là đừng hy sinh hiện tại. Quay lại với ví dụ trên, nếu chúng ta cố gắng theo đuổi mục tiêu tăng lương nhưng cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức thì dù có tăng lương cũng không thấy hạnh phúc. Nếu đã thử mà vẫn cảm thấy không ổn hoặc không thích thì anh nghĩ là không nên đi tiếp.
Quan điểm của anh là khi thực hiện mục tiêu nào đó mình phải thấy vui và hợp lý. Kể cả có tăng lương mà thấy không hợp lý thì phải bỏ thôi. Đó là cách anh xác định tính đúng đắn của mục tiêu.
Anh đã bao giờ gặp trường hợp phải thay đổi mục tiêu ban đầu của mình khi thấy nó mâu thuẫn với chính bản thân mình hay không? Làm thế nào để xác định được hướng đi mới?
Thật ra trong bất cứ tình huống nào cần phải cân nhắc lại thì cách duy nhất của anh là lùi lại một bước. Thường mọi người sẽ gặp áp lực khi đi sâu giải quyết vấn đề, rồi phân tích có cách nào tháo gỡ được không. Anh thì lại thích đi lùi lại một bước để nhìn nó rộng hơn.
Khi hai bản thể bên trong mình cùng mâu thuẫn với nhau thì mình nên chấp nhận đó là trở lực. Bởi bản thể đấy cũng chính là mình. Vậy bức tranh lớn của chúng ta là gì? Ví dụ, khi thực hiện kế hoạch tài chính cho con, anh cũng gặp một vài khó khăn, anh thường lùi lại và nhìn nhận một điều rằng: Con cái chỉ là một phần trong gia đình. Liệu mình có hy sinh mọi thứ của gia đình để dành cho con cái hay không? Điều đó vẫn chưa chắc. Hay thẳng thắn bạn có hy sinh bản thân mình cho người khác không?
Nếu để trả lời thì anh không thể hy sinh chính bản thân mình cho một người khác. Vì quan điểm của anh là anh phải mạnh thì mới hỗ trợ được cho người khác. Còn nếu anh hy sinh chính mình thì thật ra anh đang đặt gánh nặng lên vai người khác. Ví dụ anh cố gắng hết sức làm việc đến nỗi sức khỏe giảm sút và anh gọi đấy là cống hiến cho con thì không đúng. Sau này con anh nhìn lại, nó sẽ bảo là: Tại sao ba phải đánh đổi tất cả, ngay cả sức khỏe của mình vì con? Con đâu cần điều đó từ ba.
Nói chung, khi gặp trường hợp cần phải thay đổi mục tiêu, bao giờ anh cũng sẽ lùi lại một bước để nhìn thấy bức tranh tổng thể nhằm đánh giá đúng hơn những mâu thuẫn ngắn hạn khi thực hiện mục tiêu.
Thời điểm nào thích hợp để lập kế hoạch tài chính cho một năm?
Theo anh, mỗi năm chỉ lập kế hoạch một lần thì khá dễ. Khi bạn đã làm tốt cho một năm, bạn có thể thử lên kế hoạch cho từng tháng, từng tuần hoặc nhỏ hơn là từng ngày. Đối với những người chánh niệm, họ còn có thể thực hiện điều đó đến cấp độ hằng giờ.
Quan trọng là đối với những người chưa lập kế hoạch bao giờ, chúng ta nên thử thực hiện theo năm trước đã. Không nhất thiết phải là giai đoạn cuối năm mà có thể là một dịp bạn thật sự thích. Chẳng hạn như ngày sinh nhật của mình. Quan trọng đó phải là một ngày mà cảm xúc bên trong ta đủ nhiều. Mỗi một người sẽ có một cách tận dụng nguồn cảm xúc khác nhau để tạo động lực thực thi kế hoạch đó.
Một bản kế hoạch hoàn chỉnh sẽ bao gồm những gì?
Anh không tin là mình có thể viết được một bản kế hoạch tài chính hoàn chỉnh ngay từ đầu. Vậy nên anh sẽ chuyển từ “plan” sang “planning”. Nghĩa là trong quá trình thực hiện, chúng ta sẽ điều chỉnh lại kế hoạch nếu chưa thật sự phù hợp. Khi bắt đầu lập kế hoạch tài chính, đừng mang trong mình kỳ vọng sẽ viết được một bản kế hoạch hoàn hảo 100%. Giống như không ai đoán trước được những thay đổi do Covid trong 2 năm trở lại đây.
Cách anh điều chỉnh bản kế hoạch tài chính của mình là gì?
Thứ nhất, việc điều chỉnh kế hoạch 100% phải xuất phải từ anh, chứ anh không đợi những yếu tố bên ngoài tác động đến. Một số người thường lên kế hoạch tài chính dựa vào những yếu tố bên ngoài như: Nếu thị trường lên thì mình sẽ kiếm được tiền. Tức là nếu điều gì đó xảy ra thì mình mới thay đổi.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp dùng “nếu … thì”, ví dụ: Anh chuẩn bị áo mưa để trong xe, nếu trời mưa thì anh sẽ lấy áo mưa ra mặc. Tức là với một số biến cố có thể dự đoán trước được, chúng ta cứ viết vào kế hoạch để khi nó xảy ra chúng ta có sự chuẩn bị và cứ thế mà làm. Nhưng đừng viết tất cả biến cố vào bản kế hoạch. Anh không tin chúng ta có thể dự đoán 100% tất cả biến cố. Chúng ta có thể biết được khu vực của biến cố nhưng sẽ không biết thời điểm nào nó xảy ra.
Thứ hai như anh vừa chia sẻ lúc nãy, trong quá trình làm anh sẽ luôn kiểm tra người thụ hưởng của kế hoạch của anh. Ví dụ kế hoạch tự do tài chính anh làm cho chính mình, nhưng giả định có một kế hoạch khác như tặng quỹ hưu trí cho bố mẹ thì công thức của anh sẽ là định kỳ nói chuyện với người thụ hưởng đó, chính là bố mẹ.
Anh cũng có một định kỳ hàng tuần nói chuyện với con anh. Quan điểm của anh là sẽ phải có một kế hoạch giáo dục và đào tạo cho con. Tuần nào anh cũng sẽ nói chuyện với con về tất cả các chủ đề đào tạo sau này. Chẳng hạn như con đang phát triển kỹ năng gì? Con thấy thế nào? Tức là anh luôn muốn người thụ hưởng phải biết được kế hoạch của mình. Hơn nữa là để biết mình nên điều chỉnh kế hoạch tài chính như thế nào cho phù hợp.
Trong trường hợp người thụ hưởng kế hoạch đó chính là mình thì khá khó. Giả sử, với người ngoài chúng ta thường dễ dàng giao tiếp hơn, còn với chính mình thì lại không. Khá ít người có khả năng đối diện với bản thân mình để xác định mình thích mục tiêu đó đến mức nào? Mình có sẵn sàng bỏ bao nhiêu nguồn lực để theo đuổi nó?
Anh nghĩ mọi người nên tập nói chuyện với bản thân mình hàng ngày. Gần gũi nhất là viết nhật ký. Vì đây là một phương tiện cực kỳ tốt để nói chuyện với bản thân mình. Anh thường dành khoảng 5 phút trước khi đi ngủ để “reflect” lại bản thân và mục tiêu của mình.
*Reflect: Phản chiếu.
Anh thường nhắc đến cảm xúc an toàn trong tài chính. Vậy cảm xúc an toàn đó được hiểu như thế nào? Nó có ý nghĩa như thế nào trong kế hoạch tài chính của mỗi người?
Đầu tiên anh muốn xóa bỏ một nhận định sai lầm về cảm xúc, đó là: Cảm xúc không có đúng có sai. Vậy cái “an” đấy là sao? Đơn giản là nếu mình vững vàng mình sẽ thấy an ở bên trong. Chẳng hạn nếu bạn có đủ năng lực làm việc, liệu bạn có sợ bị đuổi việc hay không? Khi nỗi sợ biến mất thì chính là “an”.
Trong tài chính cũng vậy, tiền bạc gần đây đã ảnh hưởng đến cuộc sống khá nhiều, cả tích cực lẫn tiêu cực. Chẳng hạn khi có nhiều tiền, nhiều người sẽ có cảm giác đang nắm trong tay mọi quyền năng như dời non lấp biển hay được quyền dạy dỗ người khác. Kể cả theo cách tích cực như thế thì anh vẫn không thích.
Anh nghĩ rằng một người khi xây dựng sự vững vàng trong tài chính thì nên xóa bỏ cảm giác đó. Bởi thật ra nó sẽ là dấu hiệu cho những sai lầm tiếp theo nếu bạn trở nên độc đoán và không chịu lắng nghe lời khuyên của mọi người.
Anh nhắc đến điều này là để mọi người có thể nhận diện được: Một kế hoạch tốt là một kế hoạch không phụ thuộc vào những cảm xúc đó. Không phải tôi đi làm vì sợ thất nghiệp mà vì tôi yêu công việc này, yêu công ty, đồng nghiệp và cả khách hàng. Còn nếu một người đi làm được vặn dây cót bởi nỗi sợ không đảm bảo được về tài chính thì động lực đấy có vẻ không ổn. Anh nghĩ rằng con người xứng đáng được gỡ bỏ dần những nỗi sợ trong tài chính.
Hiện tại chúng ta vẫn đang thích ứng và sống chung với dịch Covid-19. Theo anh, kế hoạch tài chính cho năm 2022 sẽ cần phải lưu ý điều gì?
Liên quan đến Covid, anh thấy thu nhập là thứ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các bạn nên đặt ra câu hỏi là: Tôi nên làm gì để nâng cao năng lực của mình trong thời kỳ tương tự như Covid?
Giai đoạn Covid có gì khác biệt? Thời điểm đó chúng ta phải làm việc online và sử dụng công nghệ nhiều hơn. Nhiều xu hướng mới ra đời như Podcast, vì người ta ở nhà nhiều nên cần nghe, cần được tâm tình. Đó chỉ là một ví dụ điển hình cho những thay đổi mới về ngành nghề trong thời kỳ Covid.
Vậy thì, theo quan điểm của anh, chúng ta nên có trách nhiệm tìm hiểu xem với sự diễn tiến của Covid lần này, chúng ta có thể tạo thêm giá trị gì cho xã hội? Bằng cách nào? Ví dụ như làm Marketing Online, mở khóa học online,... Anh nghĩ hướng đó sẽ giúp cho mình hoạch định được nghề nghiệp của mình.
Thực ra với người đã có nghề vững vàng rồi thì người ta có khả năng di chuyển và biến đổi khá dễ. Hôm trước anh có nói chuyện với một bạn MC, trong dịch này bạn ấy đã chuyển sang dạy kỹ năng MC online luôn. Khi bạn đã có năng lực thì bạn hoàn toàn có thể biến đổi nó thành một lớp học. Giả định bạn đang làm nghề nào đó thì hãy cân nhắc đến yếu tố online trong thời buổi này. Miễn là chúng ta có năng lực thì chúng ta sẽ nắm bắt được cơ hội. Chẳng qua trong thời kỳ Covid, chúng ta phải học cách chơi với sân chơi Covid, ví dụ như chơi đá bóng trên sân khi trời mưa chẳng hạn. Chúng ta chẳng thể nào bảo trời ngừng mưa để tôi đi đá bóng được. Anh nghĩ nó là một yếu tố của trò chơi mới mà con người chưa bắt kịp được thôi.
Về chi tiêu, thực chất chúng ta kiểm soát chi dễ dàng hơn trong thời Covid. Ngày bình thường chúng ta có thể chi tiêu lung tung nhưng từ khi có Covid chúng ta hầu như phải cắt giảm mọi thứ.
Về tiết kiệm, Covid làm tăng nhận thức của mọi người về việc tiết kiệm. Mọi người bắt đầu sợ khi Covid kéo dài và buộc mình phải tiết kiệm. Thành ra đó là một điều tốt. Tuy nhiên, như anh đã nói, mình nên tiết kiệm chủ động. Khi vừa có thu nhập rồi thì trích ra một phần để tiết kiệm và giữ nó ổn định.
Cuối cùng là đầu tư. Có thể nói, giai đoạn Covid 2020 - 2021 thực chất là cơ hội vàng để đầu tư. Các mảng đầu tư hiện nay đều nở rộ. Nó tốt cho một số người đã có tiết kiệm từ trước vì thị trường chứng khoán và bất động sản đều tăng trong năm 2021. Ngược lại sẽ rất khó, ví như muốn gia nhập thì phải mua với giá cao gấp đôi so với quá khứ.
Kể cả như vậy thì cũng không có cách nào khác. Bởi với mức lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng thấp như hiện tại thì bắt buộc phải đầu tư thôi. Có thể thời gian đầu mọi người sẽ cảm thấy chán nản và không muốn học, nhưng trong 5-10 năm nữa thì đây là một bài học bắt buộc. Bởi trong tương lai, biết đâu thị trường Việt Nam lại giống như thị trường Mỹ và Châu u đưa ra mức lãi suất ngân hàng chỉ còn 2% thì sao.
Lúc đó, chúng ta bắt buộc phải học các công cụ đầu tư khác nhau như trái phiếu. Nó cũng là sức ép của xã hội trong thời đại Covid mà chúng ta cần phải học để phát triển. Chứ trước đây với nghề của bọn anh là tư vấn đầu tư chứng khoán, mọi người thường nghĩ ngay đến nghề môi giới hay lừa đảo. Tuy nhiên, với quy mô thị trường đầu tư đang dần tăng thì mọi người cũng chuyên nghiệp và lắng nghe nhau hơn.
Sẵn tiện nghe anh nhắc đến đầu tư, có một vấn đề nhức nhối hiện nay đó là tình hình vật giá leo thang và đồng tiền mất giá. Trước nguy cơ lạm phát như trên, chúng ta nên làm gì để giữ tiền và đầu tư như thế nào cho hiệu quả?
Khi nhìn rộng ra, mình chưa cần biết đầu tư là gì, mình chỉ biết đơn giản là đồng tiền đang mất giá. Tức là trước đây bạn có thể ăn được một bát phở thì nay chỉ ăn được nửa bát thôi. Do đó, mình phải di chuyển tiền của mình sang các ô khác không phải là tiền. Vậy câu hỏi đặt ra là nên đầu tư cái gì?
Nếu chọn gửi tiết kiệm thì lãi suất hiện nay là 5%. Theo cảm quan thì 5% liệu có chạy đua được nổi với bát phở tăng gấp đôi hay không? Vậy mình còn lại những lựa chọn gì? Đó là cách anh hay tư duy. Ở một góc nhìn khác, trong thế giới của tài sản đầu tư, khi tiền bơm vào nhiều để cứu trợ sẽ dẫn đến lạm phát, nó sẽ thổi phồng giá các loại tài sản đi lên. Bởi vì tài sản được quy đổi ra tiền mà. Tiền nhiều thì giá sẽ tăng.
Vậy làm thế nào để mình cắm mỏ neo của mình vào những tài sản tăng giá nhiều nhất? Thế giới đang có cách hay là đầu tư theo ETF, tức là sẽ đầu tư vào 30 công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Quan điểm của anh là cái gì đang lớn sẽ tiếp tục lớn tiếp. Khi mình đã đầu tư vào những công ty lớn nhất rồi thì còn lo gì nữa đúng không? Đấy là anh ví dụ. Bởi 30 công ty lớn nhất đó chỉ là những đại diện lớn cho phân khúc đầu tư chứng khoán thôi.
Vậy ngoài đầu tư chứng khoán thì mình có thể đầu tư vào những kênh nào khác? Câu trả lời của anh là mình có thể chia nhỏ nó ra. Ví dụ 30% đầu tư vào kênh này, 30% đầu tư vào kênh khác,... Nếu mình chưa có kiến thức thực tế thì nên hành động. Nếu bạn thấy vàng, chứng khoán và một kênh đầu tư nào khác mà chưa có sự lựa chọn thì tại sao không chia làm ba để đầu tư? Hành động sẽ cho bạn trải nghiệm và có được những bài học tốt nhất. Đó là cách anh hay đưa ra lời khuyên cho người mới.
Nếu anh đưa ra lời khuyên là: Nên đầu tư vào kênh này hoặc kênh kia sẽ tốt hơn thì mọi người sẽ bắt đầu phụ thuộc vào anh. Chẳng hạn như: À. Năm nay anh Tuấn Anh khuyên cái này đúng nè. Năm sau khuyên gì nữa đi anh? Thay vì càng ngày càng trở nên vững vàng và chủ động hơn thì chúng ta lại đang phụ thuộc vào người khác. Đó là điều không nên.
Hãy tự thân đi trên con đường của bản thân mình. Anh chỉ là người đồng hành và mang đến cho bạn những góc nhìn khác. Mặc dù nghe nó có thể hơi gai góc một tí nhưng anh chấp nhận điều đó.
Xem thêm: 3 cách đầu tư tiền thông minh giúp ví lúc nào cũng rủng rỉnh
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, anh nhận thấy các bạn trẻ hiện nay thường gặp phải sai lầm nào khi xây dựng kế hoạch tài chính nói riêng và trong tài chính cá nhân nói chung?
Trong tài chính cá nhân, sai lầm đầu tiên nằm ở “cá nhân”. Tức là mình không dành đủ thời gian để đối diện với bản thân mình. Mình cũng không cho bản thân được trải nghiệm cảm giác tự làm gì đó. Ví dụ lần đầu tiên nấu ăn, có thể bạn sẽ nấu không ngon nhưng bạn sẽ biết độ mặn nhạt như thế nào để điều chỉnh dần. Những trải nghiệm lần đầu tiên như thế đều cực kỳ quý giá, bởi vì mình tự làm điều đó.
Hiện nay, các nội dung tài chính cá nhân thường hướng dẫn chúng ta làm một việc gì đó cụ thể. Trông tưởng chừng như là hay nhưng thực chất một số đối tượng đang lợi dụng chuyện này để dẫn dắt các bạn trẻ đi vào các con đường bán hàng đa cấp. Các bạn trẻ sẽ thấy những nội dung đó hay vì thực tiễn áp dụng được luôn, nhưng nó lại lấy đi mất cơ hội tự trải nghiệm của các bạn.
Vậy nên, mình cần phải hiểu chính mình, biết được đâu là yếu tố phù hợp với mình. Chỉ có tay mình làm thì mình mới không đổ lỗi cho người khác được. Chứ nếu cứ dùng công thức của người khác thì mình sẽ lại đổ lỗi. Nếu như thế thì mình không rút kinh nghiệm được. Đó là điểm rất quan trọng.
Đối với anh, nếu mình giàu có về vật chất, nhưng mình lại không thể hưởng thụ nó thì cũng bằng không. Ví dụ một người ở thời kỳ đồ đá được tặng một chiếc xe hơi. Dù có tài sản nhưng anh ta không dùng được thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Do đó, từ “cá nhân” rất quan trọng trong tài chính.
Về “Finance”, mọi người thường nhìn thấy những yếu tố bên ngoài như ông này là tỷ phú, ông kia làm giàu nhanh, cơ hội đầu tư chứng khoán,... Tất cả những thứ đó mọi người đều xem là cơ hội và tài chính. Anh thì quan tâm đến là con đường tài chính đấy phục vụ được gì cho mình? Tài chính là phương tiện. Anh khẳng định mọi người cần có kiến thức tài chính và nó chỉ đến khi mình chịu tìm hiểu về nó. Quá trình mở rộng của tài chính cá nhân ở Việt Nam tuy chậm nhưng may mắn đã được thúc đẩy bởi Covid.
Anh cũng có niềm tin rất lớn vào người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ được quyền chạm đến các sản phẩm tài chính hoặc phương tiện tài chính mà không bị ảnh hưởng bởi người khác. Chẳng hạn trong nhiều năm qua, khi nhắc đến chứng khoán người ta thường nghĩ đấy là lừa đảo. Có lẽ vậy nên anh rất mong mọi người nên tiếp cận với các kiến thức về tài chính cá nhân và chủ động nghiên cứu.
Nếu sau quá trình tìm hiểu và cảm thấy không phù hợp thì cũng không sao. Anh đã gặp rất nhiều người kiếm ra tiền nhưng không có nhu cầu quản lý tài chính, điều đó là bình thường. Anh sẽ không đứng trên quan điểm rằng ai cũng phải hiểu về tài chính. Bởi tài chính cũng chỉ là công cụ mà thôi.
Cảm ơn anh vì đã chỉ ra những sai lầm đó. Sau cùng, anh còn có điều gì muốn nhắn nhủ đến các bạn độc giả của RedBag không?
Anh đã qua giai đoạn tuổi trẻ của chính mình. Ước ao của anh là nếu được trở lại những năm tháng tuổi trẻ ấy, anh sẽ cho mình một cơ hội được nghiên cứu về tài chính cá nhân một cách nghiêm túc. Đôi khi trên cuộc đời này, mình đi qua nhiều ngã rẽ của cuộc đời mà mình không biết, sau này khi nhìn lại mới biết hóa ra chỗ đó rẽ được. Nên anh gọi đó là cơ hội. Sợ nhất là mình không nhìn ra là chỗ đó mình đã từng có sự lựa chọn. Mình cứ nghĩ rằng chỗ đó đã hết đường rồi và chỉ có một hướng đi như bây giờ.
Vậy nên, anh chúc các bạn năm nay từng bước xây dựng được sự vững vàng về tài chính. Đừng vội vì các bạn vẫn còn nhiều thời gian. Đặc biệt với tuổi trẻ chính là sức lao động của mình. Anh thích sử dụng từ “sức lao động”, bởi vì lao động trí óc cũng là lao động. Mình xây dựng năng lực cho bản thân mình. Đó là nền tảng cơ bản nhất, vững chắc nhất của con người. Cái sức lao động này sẽ giúp em tăng thu nhập. Và đó là nền tảng cơ sở đầu tiên cho bất cứ một hoạt động tài chính cá nhân nào. Nếu chúng ta xây dựng sức lao động cho người khác và dựa dẫm vào họ thì anh nghĩ đó là kiểu xây dựng lâu đài trên cát.
Anh cũng mong muốn là các bạn sẽ tự nhìn nhận lại thời gian dành cho chính mình. Anh thấy mọi người đang dành rất nhiều thời gian cho người khác. Trong khi người đáng trân quý nhất lại là bản thân mình. Sao không thể dành cho mình 15 phút mỗi ngày? Hãy dành thời gian nói chuyện với mình nhiều hơn vì đó là cánh cửa đầu tiên để mình có thể yêu thương và chăm sóc bất kỳ một ai khác. Anh hy vọng thế thôi và chúc mọi người vững vàng.
Cảm ơn anh vì những lời khuyên bổ ích dành cho các bạn trẻ. Hy vọng bài viết này sẽ mang đến nhiều góc nhìn thú vị cho mọi người trong việc thiết lập mục tiêu và xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân trong năm mới. Kính chúc anh một năm mới bình an và hạnh phúc.
“Nhìn quanh để biết” là series phỏng vấn người thật việc thật về những vấn đề quen thuộc xoay quanh tài chính cá nhân. Thông qua chia sẻ của các khách mời, RedBag hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được những mẹo hay để ứng dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình.
Bài viết mới nhất
Xem tất cảBật mí công thức 4M đầu tư chứng khoán không bao giờ sợ lỗ
Nhảy vào thị trường đầu tư chứng khoán với sự mơ hồ về kiến thức sẽ khiến cho người trẻ gặp phải những thất bại không đáng có. Hãy cẩn thận!
Giải quyết bài toán mua nhà cho gia đình với bản kế hoạch tài chính chi tiết
Sở hữu căn nhà cho riêng mình đã và đang là đích đến của nhiều người. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này vốn không phải là một điều dễ dàng nếu ngay từ đầu chúng ta không biết cách lập kế hoạch tài chính mua nhà.
Vũ Nhật Khánh: “Áp lực mục tiêu tài chính tuổi 30 là do mình tạo ra”
Bước đầu quản lý tài chính cá nhân, ai cũng sẽ có những mục tiêu cho riêng mình. Song mục tiêu tài chính tuổi 30 có lẽ sẽ đặc biệt hơn vì đây là cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Điều này tạo ra không ít áp lực dành cho những người trẻ.
Bài viết đọc nhiều
Tậu ngôi nhà, căn hộ đầu tiên của bạn: hướng dẫn từng bước
Những người trẻ tài năng đang có mục tiêu sở hữu ngôi nhà, căn hộ cho riêng mình trước tuổi 30, thường sẽ đối mặt với những băn khoăn, như: cần bao nhiêu tiền thì có thể tậu được ngôi nhà, căn hộ đầu tiên; quản trị tài chính cá nhân với khoản nợ, khoản trả góp mua nhà; các bước chi tiết để mua nhà. Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết của RedBag.
Nguyên tắc 28/36 giúp bạn giảm gánh nặng từ những khoản nợ
Gánh nặng nợ vay là nỗi ám ảnh lớn nhất của những người trẻ muốn sở hữu ngôi nhà của riêng mình từ sớm. Vay mua nhà và ngay sau khi tận hưởng được niềm vui của việc có nhà mới, người trẻ ngay lập tức phải gánh chịu những áp lực từ lãi vay và gánh nặng phải chi trả các khoản vay nợ mua nhà, mua đồ nội thất. Đây quả là một trải nghiệm không hề dễ chịu.
Ổn định tài chính - Bước chuyển mình quan trọng của người trẻ
Giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác luôn là những điều không dễ dàng đối với tất cả chúng ta. Đặc biệt là bước chuyển đổi từ giai đoạn mới đi làm sang giai đoạn ổn định tài chính. Tại đây, người trẻ phải đối mặt với rất nhiều điều mới mẻ, những kiến thức cần bổ sung và những kế hoạch mới phải thiết lập để sẵn sàng với thử thách mới.
10 thói quen để đạt được tự do tài chính, nghỉ hưu sớm
Tự do tài chính là mục tiêu chính trong cuộc sống của nhiều người. Nhưng, đạt đến tự do tài chính là một con đường dài và đầy khó khăn đối với người trẻ. Hình thành những thói quen tài chính đúng đắn ngay từ sớm là một cách đơn giản và hữu ích để người trẻ sớm thành công trong mục tiêu đạt được trạng thái tự do tài chính.
Gen Z đa nhiệm: Làm nhiều nghề cùng lúc, nhưng đôi khi bỏ quên việc tối ưu tài chính cá nhân
Đa nhiệm là một tính từ được dùng phổ biến khi nói đến Gen Z, để mô tả khả năng đảm nhiệm nhiều công việc, trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng một lúc. Đây là một trong những đặc điểm giúp cho Gen Z nổi bật hơn những thế hệ trước. Đa nhiệm, năng động, tự tin, sáng tạo là một bộ những tính từ gắn liền với Gen Z. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá tính đa nhiệm của Gen Z trong công việc.
Đừng quên đăng ký để nhận tin mới nhất!
Hàng tuần RedBag sẽ gửi tài liệu tổng hợp về Kiến thức quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho bạn qua Email
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN